Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 28026
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đề xuất tiêu chí, hình thức vinh danh, tôn vinh sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam (04/12/2024)

Hiện nay có nhiều hình thức để tôn vinh, vinh danh các nhà khoa học, các sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) ở Việt Nam, có thể kể đến hệ thống các giải thưởng khoa học và công nghệ, các phong trào thi đua, khen thưởng ở các cấp từ Trung ương đến địa phương, các bộ ngành, doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu…

Tuy nhiên, các giải thưởng quốc gia mới quy định cho các sản phẩm khoa học và công nghệ chưa có nhiều giải thưởng cho các sản phẩm đổi mới sáng tạo. Mặt khác, trên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề về các giải thưởng cho sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam như: Mục đích, hay triết lý của các giải thưởng chưa rõ ràng, tôn vinh nhà khoa học và công nghệ hay tôn vinh sản phẩm của họ hay hướng tới giá trị của đơn vị tổ chức. Tiêu chí của các giải thưởng chưa thể hiện tính đặc thù của sản phẩm khoa học và công nghệ, tiêu chí còn chung chung, chưa cụ thể, thiên về định tính, ít các tiêu chí định lượng, chưa quan tâm nhiều đến trọng số đối với một số tiêu chí quan trọng hoặc đặc thù riêng của loại sản phẩm KH,CN&ĐMST, giá trị thực tiễn khả năng ứng dụng sản phẩm còn chưa được đánh giá cao. Hình thức chủ yếu thông qua các giải thưởng, các cuộc thi sáng kiến, sáng tạo…

Với mục tiêu tổng quan được các loại tiêu chí, hình thức vinh danh, tôn vinh sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ kinh nghiệm của một số quốc gia; Đề xuất các tiêu chí và hình thức vinh danh, tôn vinh sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Năm 2023, Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và công nghệ (KH&CN) chủ trì và triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đề xuất tiêu chí, hình thức vinh danh, tôn vinh sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam” do ThS. Nguyễn Hồng Anh làm chủ nhiệm.

Triển khai đề tài, nhóm tác giả đã nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, các vùng lãnh thổ cũng như các tổ chức quốc tế cho thấy việc vinh danh, tôn vinh các sản phẩm KH,CN&ĐMST, các nhà KH,CN&ĐMST có những điểm khác nhau nhưng có một điểm chung đó là ý nghĩa của việc vinh danh, tôn vinh đó là ghi nhận những giá trị, đóng góp của các nhà KH,CN&ĐMST, giá trị khoa học cũng như giá trị ứng dụng của các sản phẩm KH,CN&ĐMST đối với nền khoa học công nghệ của thế giới, đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Với mỗi quốc gia sẽ có những tiêu chí, hình thức vinh danh, tôn vinh khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố triết lý của giải thưởng, đối tượng, loại giải thưởng. Ở các nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Úc tiêu chí giá trị đóng góp cho phát triển kinh tế được đặt lên hàng đầu. Tại Ba Lan, Anh giá trị khoa học được đặt trọng số cao hơn. Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia đang kết hợp giữa hai tiêu chí giá trị khoa học và giá trị ứng dụng, thực tiễn của các sản phẩm nghiên cứu. Ngoài ra, trong các chính sách nói chung về đãi ngộ nhân lực, nhân tài khoa học, công nghệ và chính sách lớn thưởng, tôn vinh, vinh danh nói riêng của các quốc gia vùng lãnh thổ tổ chức quốc tế có một số bài học đáng học tập, cụ thể: Ở Ấn Độ dám xóa bỏ hàng trăm giải thưởng không còn có ý nghĩa, hay tiêu cực. Trung Quốc xây dựng cơ chế thử nghiệm chính sách khen thưởng. Thái Lan, Malaysia kết hợp giữa tư nhân và nhà nước, giữa trong nước và ngoài nước…

Kết quả nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy mỗi loại sản phẩm KH,CN&ĐMST sẽ có những tiêu chí khác nhau để đánh giá: (1) Đối với sản phẩm khoa học: tập trung vào giá trị khoa học, bản chất của nghiên cứu, hướng tới các giá trị nhân văn, quan tâm tới giới tính; (2) Đối với sản phẩm công nghệ: tinh mới, tính độc đáo, khả năng cạnh tranh của công nghệ; (3) Đối với sản phẩm đổi mới sáng tạo: tính sáng tạo, khả năng thương mại hoá, đột phá của công nghệ, khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Đề tài cũng phân tích thực trạng hệ thống các giải thưởng tại Việt Nam từ quy mô cấp Trung ương đến địa phương; nguồn kinh phí nhà nước và doanh nghiệp; giới tính; độ tuổi; lĩnh vực; ngành; phạm vi trong nước, nước ngoài; đối tượng (sản phẩm khoa học, sản phẩm công nghệ, sản phẩm đổi mới sáng tạo)…Số lượng các giải thưởng, các hội thi, cuộc thi khá nhiều với đủ loại, đa dạng hình thức. Về quy trình, thủ tục, tiêu chí vẫn tuân thủ theo những quy định chung của nhà nước đó là Luật thi đua khen thưởng, nghị định 78 (nay là nghị định 90 sửa đổi) về giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước về KH&CN và các quy định có liên quan. Nghiên cứu đã chỉ ra những mặt được và hạn chế của việc vinh danh, tôn vinh sản phẩm KH,CN&ĐMST trong thời gian vừa qua.

Từ kết quả nghiên cứu nhóm tác giả đã đưa ra một số khuyến nghị đề xuất về tiêu chí, hình thức vinh danh, tôn vinh các sản phẩm KH,CN&ĐMST cụ thể như sau:

- Các giải thưởng tôn vinh, vinh danh các sản phẩm khoa học: Tiêu chí để lựa chọn các sảm phẩm khoa học thường được các nước và các tổ chức trên thế giới tập trung vào hai tiêu chí lớn đó là: (1) giá trị khoa học và (2) giá trị thực tiễn. Giá trị khoa học được hiểu là công trình nghiên cứu khoa học phải bổ sung được tri thức mới hoặc có những phát hiện khoa học mới có tác động thay đổi trong sản xuất và đời sống xã hội của quốc gia đó; và công trình được công bố, trích dẫn trên các tạp chí khoa học có uy tín. Giá trị thực tiễn có thể là một trong số các yêu cầu sau: (i) Đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội hoặc làm thay đổi hợp lý cơ cấu ngành nghề; tiết kiệm chi phí sản xuất; nâng cao năng suất lao động; đảm bảo tính bền vững (giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, giám sát và dự báo thiên tai, thảm họa..); (ii) Đóng góp quan trọng cho việc dự báo xu hướng tương lai; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoạch định hoặc thực hiện cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở phạm vi toàn ngành hoặc huyện, thị xã, thành phố trở lên; (iii) Làm chuyển biến nhận thức của xã hội hoặc tác động quan trọng đến đời sống xã hội; nâng cao trình độ hiểu biết của người dân về khoa học và công nghệ; thay đổi tích cực hành vi ứng xử của nhóm, tầng lớp trong xã hội; (iv) Được sử dụng để phục vụ đáng kể cho công tác nghiên cứu; công tác đào tạo, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục, đào tạo của quốc gia đó.

- Các giải thưởng tôn vinh, vinh danh các sản phẩm công nghệ: Đối với loại đối tượng này thì hai giá trị được đánh giá cao đó là: (1) giá trị công nghệ và (2) giá trị ứng dụng trong thực tiễn. Giá trị công nghệ là công trình nghiên cứu và phát triển công nghệ giải quyết được các vấn đề then chốt để cải tiến, đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới với các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cơ bản cao. Sản phẩm công nghệ được đánh trọng số cao vào giá trị thực tiễn, ứng dụng trong cuộc sống. Có thể kể đến một số tiêu chỉ để đánh giá như: đem lại hiệu quả kinh tế cao giảm chi phí, tăng lợi nhuận; hoặc được tiếp nhận chuyển giao công nghệ; tạo ra sản phẩm có thương hiệu; tạo ra sản phẩm mới tăng doanh thu cho doanh nghiệp; nâng cao năng suất lao động; nâng  cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...

- Các giải thưởng tôn vinh, vinh danh các sản phẩm đổi mới sáng tạo: Đối với loại sản phẩm này thì các tiêu chí được đưa ra đó là: (1) tính sáng tạo (trọng số cao nhất); (2) hiệu quả kinh tế; (3) tác động xã hội; (4) tính thương mại hóa, tiềm năng thị trường. Đổi mới sáng tạo là việc tạo ra và ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. Đổi mới sáng tạo không chỉ nằm trong tư duy, mà còn bao gồm cả việc ứng dụng tư duy đó vào thực tế. Đổi mới sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trên thị trường, vì chúng tạo ra những thay đổi khác biệt và hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả trong việc giải quyết những vấn đề của khách hàng.

Hình thức tôn vinh, vinh danh hiện nay về cơ bản cũng khá đa dạng và có những điểm gần với các hình thức trên thế giới, tuy nhiên cần đi vào thực chất hơn, quan tâm đến triết lý của việc vinh danh, tôn vinh; quan tâm đến con người đồng thời quan tâm đến sản phẩm được vinh danh. Ngoài hình thức xét chọn theo hội đồng (hội đồng khoa học, hội đồng chuyên ngành....) cần bổ sung thêm các hình thức khác như bình chọn công khai trên các trang thông tin điện tử như là một kênh tham khảo, nên có sự tổng kết các giải thưởng trong 5-10 năm qua đã và đang hoạt động, giảm bớt các giải thưởng mang tính chất hình thức, trùng lặp, tăng tính liên kết giữa khối nhà nước và tư nhân trên mọi mặt.

Bên cạnh việc hoàn thiện các tiêu chí được sử dụng trong các cơ chế giải thưởng hiện nay, thì Việt Nam cần có danh hiệu cho các nhà khoa học cũng giống như các ngành nghề khác. Nhà nước nên đưa vào danh mục đề xuất tiêu chí để các nhà khoa học đạt được các danh hiệu như “ nhà khoa học ưu tú”, “nhà khoa học nhân dân”, bên cạnh các danh hiệu chung chung như “tri thức KH&CN tiêu biểu”, “điển hình lao động sáng tạo KH&CN", "tài năng trẻ KH&CN". Các danh hiệu này cho các nhà khoa học cũng được xét tặng theo các tiêu chí nhất định và được Hội đồng thì đua và khen thưởng quốc gia công bố với thời hạn 3 năm một lần vào ngày khoa học công nghệ Việt Nam (18/5) nhằm tôn vinh các nhà KHCN&DMST của Việt Nam. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin, Thống kê Khoa học và Công nghệ./.