Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 44467
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát an ninh nguồn nước quốc gia (30/10/2024)

Theo tổ chức Global Water Partnership (GWP): “An ninh nguồn nước là việc bảo đảm mọi người có khả năng tiếp cận nguồn nước an toàn với chi phí hợp lý cho cuộc sống khoẻ mạnh, trong khi vẫn bảo đảm môi trường tự nhiên được bảo vệ và phát triển”. Nói một cách dễ hiểu, an ninh nguồn nước giải quyết các vấn đề "quá ít", "quá nhiều" và "quá bẩn" trong quản lý nước. Đây là những vấn đề mà nhiều người phải đối mặt và quản lý nước tốt nên giải quyết hoặc ít nhất là giảm bớt. Nhưng, an ninh nguồn nước còn nhiều hơn thế này. Nó là về việc giảm thiểu các rủi ro liên quan đến nước, chẳng hạn như lũ lụt và hạn hán, giải quyết các xung đột nảy sinh từ các tranh chấp về nguồn nước chung và giải quyết căng thẳng giữa các bên liên quan khác nhau, những người cạnh tranh cho một nguồn tài nguyên hạn chế.

 Nhằm xác lập được hệ thống tiêu chí, chỉ số và phương pháp đánh giá, giám sát an ninh nguồn nước lưu vực sông và quốc gia từ đóđề xuất các giải pháp để đánh giá, giám sát và biện pháp quản lý an ninh nguồn nước quốc gia. Năm 2022, Cục Quản lý tài nguyên nước đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt triển khai đề tài cấp Bộ: Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát an ninh nguồn nước quốc gia”. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phân tích thứ bậc AHP và phân tích đa tiêu chí MCA tính toán các trọng số, điểm các đối tượng đánh giá với cái nhìn từ mọi khía cạnh đối với thách thức an ninh nguồn nước, hỗ trợ ra quyết định ở nhiều lĩnh vực thuộc lĩnh vực tài nguyên nước nói riêng và ngành Tài nguyên và Môi trường nói chung.

Bản đồ phân chia tiểu lưu vực phục vụ đánh giá an ninh nguồn nước.

Kết quả nghiên cứu, phân tích, đánh giá các yếu tố tác động, ảnh hưởng tới đảm bảo an ninh nguồn nước tại Việt Nam cho thấy: Phân bổ nước không đều theo không gian và thời gian. Tài nguyên nước mặt phân bố không đều theo không gian giữa các lưu vực sông, các vùng, lưu vực sông Cửu Long có tỷ lệ lớn nhất, chiếm 56,2% tổng lượng nước mặt trên toàn quốc, tương ứng tổng lượng dòng chảy khoảng 474,1 tỷ m3, tiếp đó là lưu vực sông Hồng - Thái Bình với tỷ lệ 18%, tương ứng với tổng lượng dòng chảy khoảng 148,3 tỷ m3, lưu vực sông Đồng Nai là 4,7% tương ứng khoảng 40 tỷ m3, lưu vực sông Cả với 2,8%, tương ứng với khoảng 23,9 tỷ m3, và lưu vực sông Mã là 2,3% tương tứng với khoảng 19,7 tỷ m3. Lưu vực sông Cái Ninh Hòa có tỷ lệ dòng chảy nhỏ nhất trên toàn quốc, chiếm tỷ lệ 0,09% tương ứng với tổng lượng dòng chảy khoảng 0,766 tỷ m3; Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.Với xu thế biến đổi lượng mưa trong những năm tới, dự báo xu thế diễn biến dòng chảy năm trên các lưu vực sông cho thấy: thời kỳ 2021-2030, dòng chảy trung bình năm của hầu hết các lưu vực sông có thể tăng từ 2-18% so với dòng chảy trung bình năm thời kỳ 1980-2020, ngoại trừ lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng giảm 2%, lưu vực sông Hồng - Thái Bình giảm 1% và đồng bằng sông Cửu Long. Thời kỳ 2031-2050, dòng chảy năm trên các lưu vực sông vẫn có xu thế tăng, có thể tăng đến 1-16% so với thời kỳ 1980-2020, ngoại trừ lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng giảm 3%, lưu vực sông Trà Khúc giảm 3% và đồng bằng sông Cửu Long giảm 1%; Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế vượt bậc, quá trình đô thị hóa nhanh, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, gia tăng các hoạt động xả nước thải nhất là các loại hình nước thải không được xử lý đúng quy chuẩn, kỹ thuật,… đã và đang tác động và gây sức ép ngày càng lớn, trầm trọng đến cả về số lượng và chất lượng nguồn nước các các sông, suối và các tầng chứa nước, đặc biệt là các nguồn nước phục vụ để sản xuất nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt; Tài nguyên nước phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông liên quốc gia, phần lớn các hệ thống sông lớn của Việt Nam đều là các sông xuyên biên giới mà Việt Nam là quốc gia ở hạ nguồn; Khả năng tiếp cận nước sạch, an toàn với chi phí hợp lý cho sản xuất, sinh hoạt còn chưa cao. Cả nước có khoảng 4.500 hệ thống cấp nước tập trung lớn, nhỏ cho cả đô thị và nông thôn với tổng công suất cấp nước thiết kế đạt khoảng 10,9 triệu m3/ngày, khai thác thực tế khoảng 8,3 triệu m3/ngày, trong đó khai thác nước mặt chiếm khoảng 87%, nước ngầm khoảng 13%; tỷ lệ dân cư được cung cấp nước tập trung ở đô thị đạt 80%, ở nông thôn đạt 62%. Trên 88,5% số dân nông thôn đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, (trong đó 51% sử dụng nước đạt Quy chuẩn 02:2009/BYT của Bộ Y tế), với khoảng 44% dân số nông thôn (29 triệu dân) được cấp nước từ công trình cấp nước tập trung, 56% dân số nông thôn (36,4 triệu dân) sử dụng công trình cấp nước quy mô hộ gia đình; Mâu thuẫn, xung đột trong sử dụng nước của các ngành, địa phương; Giá trị kinh tế sử dụng nước ở các lưu vực sông điển hình cho kết quả cao nhất là chăn nuôi là 472.602,74 đồng/m3 trên lưu vực sông Sesan, thấp nhất là trồng lạc tại lưu vực sông Vệ với giá trị chỉ đạt dao động từ 1,456 – 2,453 VNĐ/m3; Áp lực phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu nước gia tăng, mâu thuẫn khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương còn phổ biến

Dựa trên tổng quan trên thế giới và tại Việt Nam về tiêu số, chỉ số theo dõi đánh giá phục vụ mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước và dựa trên Đề án Đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia do bộ Tài nguyên quốc gia chủ trì với thống kê 18 chỉ tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ Nhà nước về quản lý tài nguyên nước quốc gia. Nhóm nghiên cứu xây dựng nội dung nhằm phục vụ dựa trên đề án trên với mục tiêu xây dựng bộ tiêu chí, chỉ số, phương pháp xoay quanh 21 chỉ số đánh giá an ninh nguồn nước. Nhóm nghiên cứu tổng hợp với 6 khía cạnh chính với 21 chỉ số thành phần dựa trên đặc điểm tình hình khai thác sử dụng nước, đặc điểm nguồn nước… sử dụng bộ chỉ số đánh giá an ninh nguồn nước quốc gia gồm các chỉ số như sau:

- Nhóm an ninh nguồn nước cho hộ gia đình: Chỉ số WSI số 1 về Mức độ số dân đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh

- Nhóm an ninh nguồn nước cho nền kinh tế: Chỉ số WSI số 2 về Năng lực khai thác, sử dụng của các công trình thủy lợi vừa và nhỏ; Chỉ số WSI số 3 về Các cơ sở sản xuất công nghiệp có giải pháp tái sử dụng nước, giảm thiểu tối đa thất thoát, lãng phí nước; Chỉ số WSI số 4 về Các hồ chứa thủy điện lớn được bổ sung nhiệm vụ tham gia phòng lũ, cấp nước cho hạ du và điều tiết vận hành theo thời gian thực; Chỉ số WSI số 5 về Hiệu quả sử dụng nước trong ngành nông nghiệp; Chỉ số WSI số 6 về Hiệu quả sử dụng nước trong ngành công nghiệp; Chỉ số WSI số 7 về Hiệu quả sử dụng nước trong ngành năng lượng.

- Nhóm an ninh nguồn nước cho đô thị:Chỉ số WSI số 8 về Lượng nước thất thoát trong quá trình chuyển dẫn; Chỉ số WSI số 9 về Phạm vi phục vụ của các hệ thống thoát nước đô thị, thoát nước mưa.

- Nhóm an ninh nguồn nước cho môi trường và hệ sinh thái: Chỉ số WSI số 10 về Các sông liên tỉnh được công bố dòng chảy tối thiểu; Chỉ số WSI số 11 về Các đoạn sông liên tỉnh chảy qua các khu dân cư tập trung, khu công nghiệp được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải; Chỉ số WSI số 12 về Hạ lưu các hồ chứa lớn được kiểm soát, công bố dòng chảy tối thiểu; Chỉ số WSI 13 về Khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thốngxử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; Chỉ số WSI số 14 về Nước thải tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Chỉ số WSI số 15 về Nước thải tại các làng nghề được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Chỉ số WSI số 16 về Nước thải đô thị sau xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được tái sử dụng; Chỉ số WSI số 17 về Nâng cao phát triển nguồn sinh thủy; Chỉ số WSI số 18 về Nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm được xử lý, phục hồi, phục vụ cấp nước, bảo vệ môi trường sinh thái.

- Nhóm an ninh nguồn nước liên quan đến thảm họa từ nước: Chỉ số WSI số 19 về ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

- Nhóm an ninh nguồn nước liên quan đến giám sát nguồn nước: Chỉ số WSI số 20 về Kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước; Chỉ số WSI số 21 về Lưu vực sông lớn, quan trọng có hệ thống quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến.

Đề tài đã Xác lập bộ chỉ số và chỉ số tổng hợp đánh giá an ninh nguồn nước quốc gia và của lưu vực sông và đã áp dụng thành công cho lưu vực sông Đồng Nai. Kết quả đánh giá các chỉ số an ninh nguồn nước cho lưu vực sông Đồng Nai với mức chỉ số an ninh nguồn nước trung bình trên lưu vực là đạt 0,57 (hệ số đã quy đổi không thứ nguyên) đạt mức trung bình trên toàn lưu vực, vùng hạ lưu lưu vực sông Đồng Nai ở mức căng thẳng, chịu áp lực cao về an ninh nguồn nước.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất giải pháp đánh giá, giám sát an ninh nguồn nước ở Việt Nam, gồm có: Nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, các bên liên quan trong trong đánh giá, giám sát an ninh nguồn nước ở Việt nam; Các giải pháp liên quan đến yêu cầu cơ sở dữ liệu đánh giá an ninh nguồn nước; Các giải pháp đánh giá, giám sát an ninh nguồn nước cấp quốc gia ở Việt Nam; Các giải pháp đánh giá, giám sát an ninh nguồn nước cấp lưu vực sông ở Việt Nam.

Việc xây dựng được các chỉ số đánh giá an ninh nguồn nước có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong quản lý tài nguyên nước nói chung, đặc biệt là trong công tác quy hoạch, phân bổ tài nguyên nước đảm bảo tính bền vững trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này, trong công tác nghiên cứu khoa học công nghệ sẽ có những nghiên cứu sâu hơn đối với lĩnh vực tài nguyên nước, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một gia tăng và ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên nước. Phục vụ trực tiếp cho công tác sửa đổi Luật tài nguyên nước 2012 (nội dung an ninh tài nguyên nước), bên cạnh đó kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ định hướng làm cơ sở cho việc ban hành văn bản hướng dẫn lập quy hoạch phân bổ nguồn nước trên các lưu vực sông. Hướng dẫn nội dung, trình tự thiết lập phương trình tính toán hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường để đưa ra các nội dung liên quan đến các hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái cạn kiệt nguồn nước. Từ đó, việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước được phát triển bền vững, góp phần thực hiện Nhiệm vụ Xây dựng quy hoạch tài nguyên nước trên các lưu vực sông.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng hoặc Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.