Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 6662
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Nghiên cứu luận cứ khoa học phục vụ tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại thành phố Hải Phòng đến năm 2025 (12/10/2019)

Đây là tên nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp thành phố, được Hội đồng KH&CN tư vấn, đánh giá, nghiệm thu chiều 12/10/2019 tại Sở KH&CN thành phố Hải Phòng. Nhiệm vụ do Hội Khoa học Phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Hải Phòng (gọi tắt là Hội) chủ trì thực hiện; TS. Nguyễn Văn Thuận - Nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Chủ tịch Hội làm chủ nhiệm.

Đại diện ban chủ nhiệm nhiệm vụ báo cáo kết quả trước Hội đồng KH&CN.

Theo báo cáo của đại diện nhóm nghiên cứu, hiện nay, CMCN 4.0 được nhắc đến ở khắp mọi nơi, tuy nhiên, nhiều người chưa thực sự hiểu rõ bản chất của cuộc cách mạng này. Dựa theo quan điểm của GS. Klaus Schwab - người sáng lập và là Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới: “cách mạng công nghiệp 4.0 đang nảy nở từ cách mạng lần 3, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học (ranh giới giữa thực và ảo)”, nhóm nghiên cứu tiến hành đánh giá thực trạng, phân tích những cơ hội, thách thức khi tiếp cận CMCN 4.0 đối với sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Nghiên cứu cho thấy, Hải Phòng đã có những ứng dụng từ thành tựu của CMCN 4.0 vào sản xuất và đời sống, tuy nhiên các ứng dụng này còn ở mức sơ khai, đơn giản, chưa xuất hiện các ứng dụng sâu và chưa hình thành các ngành kinh tế mới dựa trên các điểm bùng phát của CMCN 4.0; Trong quá trình tiếp cận CMCN 4.0, Hải Phòng có những mặt chậm hơn các địa phương khác và lạc hậu so với thế giới, cần phải tập trung “lợi thế người đi sau” để đi tắt, đón đầu, rút kinh nghiệm để nhanh chóng tiếp cận CMCN 4.0 thành công; tuy nhiên cũng cần đề phòng khả năng “đi tắt, đón đầu” thất bại và nguy cơ tụt hậu cao hơn; Hải Phòng tiếp cận CMCN 4.0 với điểm xuất phát tương đối thấp, khi chưa hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thiếu vốn đầu tư; đây là những khó khăn vô cùng lớn để thực hiện các nhiệm vụ đưa Hải Phòng trở thành trọng điểm kinh tế của cả nước, trong bối cảnh tiếp cận CMCN 4.0 và tình hình diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang; CMCN 4.0 đặt ra một loạt các vấn đề về nguồn nhân lực; cần cải tạo nguồn lao động kỹ thuật cao, một loạt các tri thức tiếp thu, nghiên cứu và làm chủ các công nghệ mới; đồng thời phải giải quyết vấn đề dư thừa lao động phổ thông bị thất nghiệp bởi tự động hóa và sử dụng rô-bốt….

Từ đó, nhóm tác giả đề xuất 13 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tiếp cận cuộc CMCN 4.0 tại Hải Phòng đến năm 2025, gồm: Tiếp cận CMCN 4.0 để góp phần đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế thành phố; Giải quyết việc làm trong bối cảnh thất nghiệp công nghệ do CMCN 4.0; Đổi mới hoạt động của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0; Phát huy mặt tích cực, chủ động khắc phục, hạn chế những tác động tiêu cực của CMCN 4.0 đến xã hội và cá nhân; Đổi mới hoạt động KH&CN để tiếp cận CMCN 4.0 một cách hiệu quả; Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0; Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, bảo đảm kỹ thuật cho tiếp cận CMCN 4.0 hiệu quả; Xây dựng chính quyền kiến tạo trong kỷ nguyên số; Góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng trong bối cảnh an ninh phi truyền thống của CMCN 4.0; Xây dựng thành phố thông minh, giải pháp quan trọng để tiếp cận CMCN 4.0 thành công; Một số giải pháp về cơ chế, chính sách phục vụ tiếp cận CMCN 4.0; Nguồn lực đầu tư và tài chính phục vụ tiếp cận CMCN 4.0 và Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức để tiếp cận CMCN 4.0.

Theo đánh giá của Hội đồng KH&CN, đề tài có giá trị khoa học, có tính mới, đảm bảo tính khách quan và tương đối phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nên có tính khả thi cao. Kết quả của đề tài nếu được ứng dụng trong thực tế sẽ là cơ sở khoa học để lãnh đạo thành phố và các sở, ngành tham khảo trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách, biện pháp tiếp cận và khai thác các lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới.

Phúc Anh