Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 18799 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu tín ngưỡng thờ Thành hoàng ở Kiến Thụy, Hải Phòng (16/04/2024)
Đề tài Nghiên cứu tín ngưỡng thờ Thành hoàng ở Kiến Thụy, Hải Phòng do Văn phòng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì, TS. Hoàng Văn Chung làm chủ nhiệm, hoàn thành báo cáo vào năm 2022. Triển khai đề tài, nhóm tác giả khái lược về tín ngưỡng Thành hoàng ở thành phố Hải Phòng nói chung và ở huyện Kiến Thụy nói riêng; làm rõ lịch sử hình thành và phát triển của tín ngưỡng Thành hoàng ở ba cộng đồng địa phương tại huyện Kiến Thụy (thôn Đại Trà xã Đông Phương, thôn Hòa Liễu xã Thuận Thiên và thôn Kim Sơn xã Tân Trào); làm sáng tỏ thực trạng, điểm chung và điểm đặc thù trong tín ngưỡng Thành hoàng tại ba cộng đồng địa phương này; phân tích chỉ ra những xu hướng biến đổi của tín ngưỡng này tại ba cộng đồng địa phương đã chọn; đề xuất một số khuyến nghị về chính sách đối với tín ngưỡng Thành hoàng ở huyện Kiến Thụy, Hải Phòng hiện nay.
Tế lễ ở đình Đại Trà, xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy.
Nghiên cứu cho thấy, nằm trong môi trường văn hóa đồng bằng Bắc bộ, tín ngưỡng Thành hoàng ở Kiến Thụy chia sẻ nhiều điểm chung với các địa phương khác. Điều này có thể thấy rõ trong tâm thức thần thánh hóa và tôn thờ các bậc tiền nhân có công khai mở và phát triển cộng đồng, trân trọng và vinh danh họ như cách để tiếp tục trao truyền các giá trị văn hóa, giáo dục thế hệ sau về đạo đức và lối sống, đồng thời tìm kiếm sự an toàn trong đời sống tinh thần và hoạt động sản xuất vật chất. Kiến trúc các công trình thờ cúng, sự bài trí không gian thờ cúng, quy trình thực hiện nghi lễ và mục đích tổ chức lễ hội, và các thiết chế tổ chức đời sống làng xã để củng cố tín ngưỡng Thành hoàng cơ bản là tương đồng. Quá trình phục hồi lại cơ sở thờ cúng và nghi lễ cùng lễ hội cũng đều gặp những khó khăn và thuận lợi giống nhau. Nhưng tín ngưỡng Thành hoàng và thực hành tín ngưỡng Thành hoàng ở Kiến Thụy còn thể hiện những nét đặc thù và độc đáo riêng có của mình. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự đặc thù đó có thể thấy ở lai lịch và công trạng của nhiều vị thần Thành hoàng được thờ vốn gắn với các yếu tố lịch sử, địa lý, môi trường tự nhiên và sinh kế của cư dân vùng đất cận duyên; các loại hình lễ hội, các truyền thống và tập tục phản ánh môi trường sống ấy; và đặc thù trong quá trình phục dựng và tái tạo nghi lễ và lễ hội cũng như cơ sở thờ cúng trong tương quan với nhận thức và việc thực thi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bởi các chính quyền địa phương. Nếu xét về tính độc đáo của lễ hội, thì lễ hội Minh thệ ở thôn Hòa Liễu (xã Thuận Thiên) hiện nay là lễ hội độc đáo nhất không chỉ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ mà còn ở trên phạm vi cả nước. Trong khi đó, lễ hội vật cầu ở thôn Kim Sơn (Tân Trào) cũng không có nhiều. Nếu lễ hội Pháo đùng ở Đại Trà (Đông Phương) được phục hồi đúng như trước đây sẽ là loại lễ hội hiếm có ở Việt Nam. Những lễ hội đều có sự đóng góp nhất định cho tính độc đáo của truyền thống văn hóa địa phương.
Miếu thờ Thành hoàng xây tự phát ở thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy.
Kết quả phân tích các dữ liệu thu thập được cho thấy, tín ngưỡng Thành hoàng vẫn có vị trí quan trọng trong bức tranh đa sắc màu của đời sống tôn giáo dân gian vùng đất cận duyên hải Kiến Thụy vốn đang trên lộ trình đô thị hóa. Vai trò ấy biểu hiện ở vị trí khó có thể phủ nhận trong đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng cư dân; làm điểm tựa hay chỗ dựa về tâm lý cho cư dân trước những diễn biến phức tạp, khó lường của đời sống; và như một phương thức mà thế hệ cao tuổi sử dụng để tái kết nối các thành viên của cộng đồng, vốn giờ đây thường xuyên sinh sống hay làm việc xa quê hương. Nhiều người dân vẫn tiếp tục tin vào sự linh thiêng của vị thần họ thờ và điều này thể hiện qua sự thờ cúng đều đặn cũng như qua lan truyền, chia sẻ những câu chuyện về sự linh ứng của thần. Thành công hay thất bại, gặp thuận lợi hay khó khăn trong cuộc sống, cũng được họ lý giải một phần qua niềm tin, thái độ và sự đóng góp về tiền bạc và lao động cho việc thờ cúng thần Thành hoàng ở đình làng. Có thể thấy, tín ngưỡng Thành hoàng ở Kiến Thụy hiện đang vận động và chịu tác động của những xu thế hay quá trình mâu thuẫn nhau, mà tại đó các nhân tố quan trọng lại mưu cầu những mục đích không đồng nhất. Trong các quá trình tái thiêng hóa và thế tục hóa, ta đều có thể thấy sự tham gia và thể hiện vai trò, dù ở các mức độ khác nhau, của cả nhân tố chính quyền và người dân địa phương. Vấn đề đặt ra là các quá trình này có tác động khác nhau, trong nhiều trường hợp đặt tín ngưỡng Thành hoàng vào tình thế khó khăn. Quá trình tái thiêng hóa khôi phục lại và có thể nâng cao thêm tính thiêng cho thần và nơi thần ngự trị. Nhưng khi trở nên thái quá, nó lại dễ đẩy tín ngưỡng theo những niềm tin tầm thường, nhấn mạnh sự cầu xin vì lợi ích trần tục, do đó lại khôi phục những gì từng bị phê phán là mê tín, kém văn minh. Quá trình thế tục hóa nếu dấn thân quá sâu, chẳng hạn như “kịch bản hóa” hay “sân khấu hóa” lễ hội, sẽ đúc khuôn tín ngưỡng Thành hoàng thành một công cụ để hiện thực hóa những mục tiêu và chức năng thế tục, do đó lại dẫn đến hệ lụy không mong đợi, chẳng hạn như làm gia tăng tính phàm tục mà giảm đi tính thiêng liêng. Mặt khác, các địa phương đều phải tháo gỡ những khó khăn nảy sinh khi vừa muốn bảo tồn văn hóa truyền thống lại vừa phải ưu tiên cho phát triển kinh tế. Trong khi đó, quá trình phục dựng tín ngưỡng Thành hoàng và lễ hội đang chịu tác động từ quá trình di sản hóa các di tích tôn giáo, tín ngưỡng đã diễn ra trên phạm vi cả nước suốt vài thập niên qua. Quá trình này vừa di sản hóa di tích thờ cúng vừa di sản hóa nghi lễ và lễ hội. Khi di sản hóa, một mặt, nghi lễ và lễ hội bị quan phương hóa, kịch bản hóa và thậm chí là chính trị hóa. Mặt khác, di sản hóa diễn ra với di tích đi cùng phân loại, xếp hạng và điều này hợp pháp hóa quyền bảo vệ di tích từ phía chính quyền. Theo nhiều cách khác nhau, di sản của tín ngưỡng dân gian nói chung và di sản của tín ngưỡng Thành hoàng nói riêng đang bị tách rời dần ra quyền quyết định và sự sở hữu của cộng đồng cư dân địa phương. Điều này có tác động không ít đến tâm tư, tình cảm, trách nhiệm của họ. Nhưng cộng đồng dân cư địa phương phục dựng và tái tạo cơ sở thờ cúng thần Thành hoàng và nghi lễ cùng lễ hội còn vì trách nhiệm với tổ tiên, với các thế hệ tiếp nối, và để tìm kiếm bảo hộ, che chở từ vị thần được tôn thờ cho cả cộng đồng. Như vậy, quá trình tái tạo truyền thống thờ thần Thành hoàng gặp những vướng mắc với quá trình di sản hóa tín ngưỡng Thành hoàng, mà tại đó trong nhiều trường hợp cộng đồng dân cư thấy mình bất lực và lạc lõng với chính những di sản ông cha để lại cho mình. Quá trình tái tạo truyền thống diễn ra với tín ngưỡng Thành hoàng cũng gặp khó khăn khi mà quá trình đô thị hóa đang và sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Đô thị hóa tạo ra một bối cảnh sống mới mẻ với những thiết chế có thể nói là hiện đại. Nó sẽ tác động mạnh mẽ đến những thiết chế tồn tại trong cộng đồng dân cư trước khi đô thị hóa, trong đó có tôn giáo, tín ngưỡng, và có thể định hình lại cả phương diện niềm tin, thực hành nghi lễ, cho đến tổ chức cộng đồng tín đồ. Trong khi đó tín ngưỡng Thành hoàng xuất phát trên nền tảng và gắn bó với thiết chế tổ chức đời sống cư dân theo làng xã xa xưa. Thiết chế làng xã là môi trường dung dưỡng cho tín ngưỡng Thành hoàng và ngược lại tín ngưỡng Thành hoàng cũng củng cố, gia tăng sức mạnh cho các thiết chế làng xã. Giờ đây, đô thị hóa tác động ngày càng sâu sắc đến cách tổ chức đời sống gia đình và cộng đồng ở các địa phương mà nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát. Sự xa rời sinh kế dựa vào chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp, lối sống thích ứng với tính di động và mô hình làm ăn xa nhà, xu thế tích tụ và đầu cơ đất đai, xu hướng đầu tư cho sản xuất và kinh doanh hàng hóa, và tư duy về sức mạnh của đồng tiền cũng như quan hệ với người có quyền lực trong giải quyết mọi khó khăn mà cuộc sống đặt ra. Tình hình này có thể là nguồn cội của những khó khăn, vướng mắc, cản trở sự vận hành một cách sống động và giàu ý nghĩa của tín ngưỡng Thành hoàng trong bối cảnh sống đô thị tất yếu sẽ định hình. Sự phục hồi tín ngưỡng Thành hoàng đã đi cùng với những cải biên trong thực hành nghi lễ và tổ chức lễ hội. Hiện tượng này nằm trong xu thế chung của Hải Phòng nói riêng và cùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Một trong những hệ quả là tín ngưỡng này đã hình thành những động năng mới, đồng thời biểu hiện những chức năng và giá trị mới. Nhìn sự phục hồi qua lăng kính của lý thuyết Tái tạo truyền thống, có thể thấy những phục hồi và cải biên, khi đạt sự ổn định sau quá trình đủ dài lặp đi lặp lại, sẽ trở thành những truyền thống mới, do đó chúng sẽ còn tiếp tục đẩy xa hơn sự biến đổi của tín ngưỡng Thành hoàng. Nhưng sự biến đổi ấy có tính tất yếu, là cái cộng đồng địa phương phải thực hiện và đồng thời phải chấp nhận. Trong đặc thù ở Kiến Thụy nói riêng, những thay đổi này là hợp lý và cần thiết bởi chúng đáp ứng tốt hơn nhu cầu đậm tính tôn giáo dân gian của người dân trong khi điều kiện đời sống kinh tế và văn hoá của họ đã có sự cải đổi mạnh mẽ. Không phải càng nghèo khó, người ta càng viện cầu đến thần linh. Ở đây, khi có điều kiện kinh tế tốt hơn, người ta lại đầu tư nhiều hơn cho hoạt động thờ cúng. Những thay đổi này cũng phản ánh nỗ lực thích ứng niềm tin và thực hành thờ cúng thần Thành hoàng làng với bối cảnh xã hội giờ đây chịu tác động mạnh mẽ của các quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đô thị hoá. Trong những vấn đề đang đặt ra từ quá trình phục hồi và thích ứng này, đáng chú ý là nhu cầu rất lớn nhưng chưa được đáp ứng và giải quyết tốt trong bảo tồn, tôn tạo và nâng cấp cơ sở thờ cúng thần Thành hoàng và về không gian cần thiết cho tổ chức các lễ hội cộng đồng. Chưa địa phương nào trong diện khảo sát của đề tài đã có được một giải pháp đồng bộ và hoàn chỉnh cho các hoạt động này. Bên cạnh đó, có sự “vênh” giữa phục dựng và cải biên nghi lễ và lễ hội để đáp ứng chính nhu cầu của cộng đồng dân cư địa phương và đáp ứng nhu cầu của xã hội bên ngoài. Đáng chú ý là có nhiều nhân tố và quá trình đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng, tìm cách định hình và định hướng tín ngưỡng Thành hoàng ở hiện tại và trong tương lai.
Từ nhận diện và phân tích các vấn đề đặt ra, nhóm nghiên cứu đã nêu một số khuyến nghị về chính sách đối với Thành phố Hải Phòng nói chung, với huyện Kiến Thụy nói riêng để có thể bảo vệ tốt hơn các di sản của tín ngưỡng Thành hoàng; đồng thời phát huy những giá trị tốt đẹp, ý nghĩa, cũng như những vai trò, chức năng quan trọng của tín ngưỡng ấy.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng hoặc Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát... (30/10/2024)
- Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh... (23/10/2024)
- Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng... (21/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)