Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 38527 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học và sản xuất
Nghiên cứu và phát triển một số giống bông kháng sâu mới tại Điện Biên và Sơn La (25/12/2024)
Vùng trồng bông phía Bắc bao gồm các tỉnh miền núi như Thanh Hóa, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên … được xác định là vùng có nhiều tiềm năng về khí hậu, đất đai và lao động cho phát triển cây bông vải. Trong đó đáng chú ý nhất là tiềm năng về đất đai và lao động. Tại đây, cây bông vải đang được sản xuất phụ thuộc nước trời, diện tích được phân bố rải rác theo từng tiểu vùng sinh thái đã tạo nên những vùng trồng bông mang tính đặc trưng của mỗi địa phương. Chính nhờ có tính chất đặc trưng này mà trong nhiều năm qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn duy trì được một số vùng trồng bông khá ổn định, tiêu biểu như hai tỉnh Điện Biên và Sơn La.
Để đẩy mạnh phát triển vùng trồng bông tại hai địa điểm này, nhóm nghiên cứu của KS. Vũ Văn Bộ tại Công ty Cổ phần Bông và phát triển nông nghiệp Công nghệ cao đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu và phát triển một số giống bông kháng sâu mới tại Điện Biên và Sơn La” trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2021.
Mục tiêu của đề tài là xác định một số giống bông kháng sâu mới có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái và tập quán canh tác tại tỉnh Sơn La và Điện Biên; và hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác cho giống bông giới thiệu.
Sau khi đánh giá và chọn lọc các giống bông kháng sâu mới tại Sơn La và Điện Biên, nhóm nghiên cứu đã xác định được hai giống có khả năng kháng sâu xanh cao, kháng rầy xanh trung bình là VN17-3 và VN17-4, cho năng suất thực thu đạt trên 2.500kg/ha, đồng thời có hiệu quả kinh tế cao hơn đối chứng VN01-2 lần lượt là 22,01; 42,95% tại Sơn La và 25,4; 31,9% tại Điện Biên.
Trong 3 năm từ năm 2019 đến năm 2021, đề tài đã nhân được tổng cộng 77,1 kg hạt giống của các dòng/giống bố mẹ và 222,4 kg hạt lai với chất lượng đáp ứng TCVN 8547:2011. Thời vụ thích hợp đối với giống bông VN17-4 trồng tại Sơn La và Điện Biên là thời vụ chính (đầu tháng 5). Tại thời vụ này, năng suất bông hạt thực thu đạt được từ 2.676 - 2.709 kg/ha và lãi thuần đạt từ 7,53 - 7,894 triệu đồng/ha.
- Mật độ trồng thích hợp đối với giống bông VN17-4 tại Sơn La và Điện Biên là 6,0 vạn cây/ha. Ở mật độ này, năng suất bông hạt thực thu đạt từ 2.993 – 3.093 kg/ha và lãi thuần đạt từ 12,5 - 13,6 triệu đồng/ha, đồng thời % lãi thuần đạt cao nhất (16,7 – 38,0%).
- Mức liều lượng phân bón thích hợp nhất cho giống bông VN17-4 tại Sơn La và Điện Biên là 120N + 60P2O5 + 90K2O/ha. Bón phân với liều lượng này cho năng suất bông hạt thực thu từ 2.908 - 2.967 kg/ha, lãi thuần từ 10,881 - 11,532 triệu đồng/ha và % lãi thuần so với đối chứng đạt 36,1 - 38,0%.
- Phun PIX 2 lần: lần 1 vào giai đoạn 50% số cây có nụ đầu tiên (30 ngày sau khi gieo) với liều lượng 150 lít/ha; lần 2 sau lần một 15 ngày với liều lượng 300 lít/ha (PIX được hoà tan trong nước với nồng độ 25ml/100 lít nước) cho năng suất thực thu bông hạt cao nhất (3.032 - 3.136 kg/ha), lãi thuần cao nhất (11,801 - 12,407 triệu đồng/ha) và % lãi thuần so với đối chứng cũng cao nhất (170,3 - 211,4%).
- Mô hình trồng giống bông lai VN17-4 đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20,22 đến 20,76% so với mô hình đối chứng trồng giống bông lai VN01-2 và đáp ứng mục tiêu đặt ra của đề tài (hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với mô hình đối chứng).
Kết quả nghiên cứu không chỉ đáp ứng những yêu cầu khoa học giúp những giống bông tốt sớm được bổ sung vào cơ cấu giống của vùng sản xuất nguyên liệu bông mà còn có ý nghĩa chiến lược cho các nhà đầu tư sản xuất bông vải trong nước chuẩn bị tốt những yếu tố đầu vào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khi mở rộng quy mô sản xuất./.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20389/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)
Ngày cập nhật: 17/12/2024
https://www.vista.gov.vn/vi/news/ket-qua-nghien-cuu-trien-khai/nghien-cuu-va-phat-trien-mot-so-giong-bong-khang-sau-moi-tai-dien-bien-va-son-la-10431.html
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh (09/12/2024)
- Phòng bệnh ký sinh trùng trên cá bớp (25/11/2024)
- Tôm bị mềm vỏ sau mưa: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả (12/11/2024)
- Môi trường mang thai của heo nái hậu bị ảnh hưởng tới sự phát triển trí não ở heo (30/10/2024)
- Bệnh lưỡi xanh: Cơ chế lây truyền và các biện pháp phòng ngừa (15/10/2024)