Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5691
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu về xây dựng các hệ giá trị của một số quốc gia trên thế giới (15/10/2024)

Mỗi dân tộc, quốc gia, trải qua lịch sử tồn tại của mình đều hình thành những giá trị, hệ giá trị riêng làm nên bản sắc của dân tộc, giúp dân tộc đó tồn tại, phát triển và khẳng định sức mạnh của quốc gia, dân tộc. Lịch sử đã cho thấy bất cứ một quốc gia, dân tộc nào muốn tồn tại và phát triển được đều phải có nội lực, bản sắc riêng của mình. Bản sắc đó được kết kinh trong các hệ giá trị dân tộc. Các hệ giá trị của một dân tộc như những mạch ngầm tuôn chảy, giúp cho dân tộc có thể chống đỡ với mọi sự tác động không mong muốn từ bên ngoài, đồng thời duy trì, nuôi dưỡng sức mạnh bên trong của chính dân tộc đó. 

Với mục tiêu nghiên cứu xây dựng các hệ giá trị của một số quốc gia trên thế giới từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mục con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Năm 2022, Viện Triết học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu về xây dựng các hệ giá trị của một số quốc gia trên thế giới”.

Hệ giá trị của mỗi dân tộc được hình thành trong lịch sử lao động, đấu tranh và phát triển của mỗi dân tộc, không ngừng được tôi luyện, bổ sung, bồi đắp, đồng thời được chắt lọc, tiếp nhận từ những giá trị tốt đẹp của các dân tộc khác, trở thành nguồn tài nguyên vô giá, không chỉ là nguồn sức mạnh tinh thần, mà còn được chuyển hóa thành nguồn sức mạnh vật chất to lớn góp phần khẳng định vị trí, vai trò của dân tộc đó trong cộng đồng quốc tế.

Kết quả nghiên cứu tổng quan cho thấy, trong những nghiên cứu về hệ giá trị và xây dựng hệ giá trị của các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ đã cung cấp được những nét cơ bản nhất trong hệ giá trị của các quốc gia này. Hầu hết các giá trị đều được thể hiện trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, các giá trị cũng có tính đan xen, tương tác. Các quốc gia khác nhau cũng có sự khác biệt về thang bảng giá trị. Có một số giá trị đều được đề cập đến với mức độ quan tâm đáng kể. Điều này cho thấy có những giá trị chung cho tất cả các quốc gia song cũng có những giá trị riêng cho từng quốc gia đó. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy việc phân loại các giá trị cũng khá đa dạng. Nó tùy thuộc và mục đích của người nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu cũng không nhận thấy việc phân định tách bạch thành các hệ giá trị như hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình trong các nghiên cứu. So với các quốc gia, tình hình nghiên cứu tại Việt Nam về các quốc gia trên còn khá hạn chế. Các công trình nghiên cứu căn bản về quốc gia đó trong nước chưa nhiều, trong khi đó nhu cầu tìm hiểu, hiểu biết về các quốc gia đó hiện cũng là cấp bách khi Việt Nam đã có những giao thương về kinh tế cũng như những giao lưu về văn hóa, xã hội nhiều hơn so với giai đoạn cách đây 20-30 năm.

 

Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ là những quốc gia đã định hình được cơ bản hệ giá trị của mình và thực hành hệ giá trị trong quản lý và phát triển đất nước. Thực tiễn đó sẽ giúp Việt Nam có được kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và thực hành hệ giá trị của mình. Từ kết quả nghiên cứu đề tài đã rút ra một số kết luận sau:

- Tiếp cận hệ giá trị một cách toàn diện để phục vụ cho quản trị, phát triển đất nước và tăng cường vị thế của quốc gia đó trên trường quốc tế là một xu hướng của thế giới trong thế kỷ XXI. Cả 3 quốc gia khảo cứu đều cho thấy điều này.

- Tùy vào bối cảnh (địa lý, lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, tinh thần, tư tưởng) mà mỗi quốc gia sẽ có những sự lựa chọn các giá trị đặc trưng của mình. Đó có thể là những giá trị được phát triển từ truyền thống, song cũng có những giá trị mới. Dù có sự khác biệt về nội hàm của các giá trị được lựa chọn song chúng đều cho thấy đó là những giá trị điển hình của dân tộc, quốc gia đó. Sự lựa chọn các giá trị bị quy định bởi truyền thống song nó cũng thể hiện ý chí của dân tộc đó và được các nhà quản lý đất nước trực tiếp đưa lên thành mục tiêu phát triển đất nước.

- Trong cách thức xây dựng các hệ giá trị, nghiên cứu nhận thấy mỗi quốc gia có những cách thức riêng, song điểm chung là vai trò của Nhà nước, của các nhà lãnh đạo đất nước là hết sức quan trọng. Đây là chủ thể then chốt trong việc tập hợp ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc và là chủ thể trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc hiện thực hóa những giá trị này trên thực tiễn. Các nhà lãnh đạo của cả 3 quốc gia này đều ý thức rằng các giá trị của đất nước, dân tộc sẽ phải là “sức mạnh mềm” của dân tộc đó. Tuy nhiên, cách thức, cơ chế xây dựng có những điểm khác nhau.

Trường hợp Trung Quốc: Đảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa có vai trò then chốt, là người khởi xướng, định hướng và ban hành chính sách xây dựng và phát triển các hệ giá trị. Các tổ chức chính trị xã hội và tổ chức xã hội có vai trò hỗ trợ đắc lực và nhân dân hưởng ứng. Trung Quốc cũng tiến hành những nghiên cứu sâu về nhu cầu, quan niệm của người dân trước khi đề xuất các hệ giá trị. Đối với Trung Quốc, hệ giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa là trục chính xuyên suốt. Quốc gia này tuy không phân tách một cách độc lập tương đối các hệ giá trị: hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị/chuẩn mực con người nhưng rõ ràng trong mỗi phương diện đều có những nội dung khá cụ thể về nội hàm, biểu hiện giá trị, đặc trưng. Mà điểm chung và cũng là “điểm tựa” cho các hệ giá trị này chính là hệ giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa. Hệ giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa được cụ thể hóa, được hiện thực hóa trong từng phạm vi, từng khía cạnh quan trọng của đời sống xã hội. Việc thực hành các giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa cũng vì vậy mà được đánh giá thông qua từng địa hạt quốc gia, văn hóa, gia đình và con người. Là một quốc gia có nhiều nét tương đồng, giao thoa kinh tế, chính trị, văn hóa…với Việt Nam nên quá trình xây dựng và thực hành hệ giá trị của Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo cũng như rút kinh nghiệm. Trước tiên phải kể đến đó là bài học quan trọng về chủ trương, quan điểm trong xây dựng hệ giá trị, về quyết tâm chính trị của những nhà lãnh đạo đất nước, về sự lựa chọn các giá trị và việc thực hành, phổ biến rỗng rãi các hệ giá trị trên tinh thần pháp điển hóa những nội dung cụ thể vào cuộc sống.

Trường hợp Nhật Bản: Trong vai trò của Nhà nước có vai trò quan trọng của các Chính trị gia. Nhật Bản không có những văn bản mang tính hành chính về xây dựng hệ giá trị song họ đều có những Chính sách, Chương trình ở đó luôn tích hợp các biện pháp, phương thức xây dựng, bảo vệ các giá trị và lan tỏa các giá trị Nhật Bản ra thế giới. Vai trò của các tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản trong việc đưa các giá trị Nhật Bản ra thế giới rất quan trọng. Họ là những chủ thể trực tiếp làm cầu nối, thúc đẩy, lan tỏa các giá trị này ra thế giới. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng chiếm vị trí quan trọng trong quá trình này thông qua các hoạt động kinh tế của họ. Nhật Bản cũng tiến hành nghiên cứu bài bản và sâu về nguyện vọng, xu hướng biến đổi giá trị trong từng giai đoạn một cách thường xuyên. Nghiên cứu xây dựng các hệ giá trị của Nhật Bản qua việc lựa chọn các giá trị và hệ giá trị quốc gia, văn hóa, con người, gia đình; cách thức xây dựng hệ giá trị; từ đó rút ra những kinh nghiệm cho Việt Nam. Có thể thấy, Nhật Bản có một bối cảnh rất đặc biệt cả về phương diện địa lý, chính trị, văn hóa và kinh tế, ở đó có những nét tương đồng với Việt Nam song những điểm nổi bật nhất vẫn là từ một nước bại trận trong chiến tranh, Nhật Bản đã vươn lên thành một quốc gia có sự phát triển thần kỳ về kinh tế, đồng thời vẫn giữ vững, phát triển và lan tỏa được bản sắc dân tộc ra thế giới.

Trường hợp nước Mỹ: Nhà nước không trực tiếp ra những mệnh lệnh hành chính về xây dựng, phát triển các giá trị Mỹ song tất cả các Chính trị gia, đặc biệt là Tổng thống luôn ý thức sâu sắc vấn đề này. Có thể nói, trong tất cả các diễn văn, phát biểu quan trọng, những người đứng đầu quốc gia đều viện dẫn đến các giá trị Mỹ. Trong thực thi, Mỹ có cả một hệ thống phức hợp các chính sách, chiến lược nhằm truyền bá và nâng tầm ảnh hưởng các giá trị Mỹ với thế giới, các giá trị Mỹ thực sự là “sức mạnh mềm” của quốc gia này. Các nhà khoa học Mỹ nghiên cứu rất sâu và thường xuyên về các vấn đề liên quan đến giá trị, văn hóa từ đó đưa ra các khuyến cáo về quan niệm, nhu cầu, sự biến đổi và những thách thức đối với giá trị Mỹ. Các kết quả nghiên cứu luôn được Chính phủ, các tổ chức hiệp hội Mỹ và người dân quan tâm. Bên cạnh đó nghiên cứu cũng cho thấy một chiều cạnh khác mà nước Mỹ đang phải đối mặt khi xây dựng, duy trì, tiếp tục phát triển những giá trị của dân tộc mình. Nghiên cứu việc xây dựng, giữ gìn và phát huy các hệ giá trị của đất nước này không chỉ cho chúng ta hiểu sâu về văn hóa Mỹ, giá trị Mỹ, về những căn nguyên, nền tảng hình thành nên các giá trị Mỹ cũng như cách thức mà người Mỹ xây dựng, giữ gìn, phát triển các giá trị của họ. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng hoặc Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.