Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 20360
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi cá rô phi thâm canh trong môi trường nước lợ bằng công nghệ Biofloc tại Hải Phòng (19/02/2024)

Nuôi trồng thủy sản là ngành sản xuất thực phẩm, tạo ra nhiều việc làm góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện dinh dưỡng, tạo ra tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sử dụng tốt hơn tài nguyên thiên nhiên. Một trong những chiến lược để cải thiện sản xuất nuôi trồng thủy sản và nâng cao tính bền vững là tập trung vào việc tăng cường sử dụng chất dinh dưỡng cho thức ăn chăn nuôi theo công nghệ khá phổ biến hiện nay là công nghệ Biofloc. Biofloc là từ viết tắt của từ tiếng anh Bioflocculation (kết bông sinh học). Biofloc trong công nghệ Biofloc (Bioflocculation Technology - BFT) dùng để chỉ tập hợp vật chất hữu cơ lơ lửng trong nước bao gồm tảo, động vật nguyên sinh và vi sinh vật, trong đó chiếm ưu thế là vi sinh vật dị dưỡng, được gắn kết với nhau bằng chất keo sinh học polyhydroxy alkanoat - PHA. Ứng dụng BFT sẽ làm giảm chi phí thức ăn nuôi cá và được coi là một giải pháp công nghệ sinh học mới góp phần phát triển ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, an toàn sinh học và thân thiện với môi trường.

Nhằm ứng dụng công nghệ BFT tăng cường hiệu quả nuôi trồng thủy sản tại Hải Phòng, trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác về Khoa học và Công nghệ giữa Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng với Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020, Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã triển khai đề tài Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi cá rô phi thâm canh trong môi trường nước lợ bằng công nghệ Biofloc tại Hải Phòng”.

Ao nuôi thực nghiệm.

Theo kết quả nghiên cứu kỹ thuật thành tạo Biofloc cho nuôi thâm canh cá rô phi trong môi trường nước lợ, việc tạo thành và duy trì biofloc không thấy có sự khác biệt lớn các ngưỡng độ mặn thí nghiệm (5 - 25‰). Cá rô phi là loài khả năng thích ứng rộng với độ mặn (0- 30‰). Theo các tài liệu cho thấy cá rô phi là loài rộng muối, có khả năng sống được trong môi trường nước nước ngọt, nước lợ và nước mặn có độ muối từ 0 - 40‰. Cá phát triển tốt nhất ở vùng nước có độ mặn dướỉ 5‰. Trong môi trường nước lợ (độ mặn 10 - 25‰) sản phẩm cá đạt chất lượng cao, thịt thơm ngon, mình dày, cá sinh trưởng tốt.

Trong môi trường nước lợ, ở các ngưỡng tỷ lệ C/N thí nghiệm đều có sự tạo thành và duy trì Biofloc. Thông qua các chỉ số môi trường, chỉ số thể tích FVI, thành phần dinh dưỡng, trong hạt Biofloc, đề nghị sử dụng tỷ lệ C/N từ 13,5 /1 - 14,5/1 để tạo và duy trì Biofloc trong ao nuôi cá rô phi nước lợ. Tuy nhiên, phụ thuộc vào đặc tính sinh học, tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá để quyết định chỉ tiêu thông số kỹ thuật tỷ lệ C/N để ứng dụng BFT nuôi cá rô phi.

Nuôi cá rô phi áp dụng BFT trong môi trường nước lợ với mật độ 6 con/m2 (NTI) cho các giá trị tốc độ sinh trưởng, tỷ lệ sống, hiệu quả sử dụng protein (PER) cao hơn so với mật độ nuôi 8 con/m2 (NT II), 10 con/m2 (NT III). Giữa mật độ 6 con/m2 và 8 con/m2 các giá trị này không có sự khác biệt lớn (P < 0,05). Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) ở nghiệm thức mật độ 6 con/m2 là 1,28; nghiệm thức mật độ 8 con/m2 là 1,27; nghiệm thức mật độ 10 con/m2 là 1,38 và nghiệm thức đối chứng là 1,56. Như vậy, nuôi cá rô phi bằng BFT, có FCR thấp hơn so với công nghệ nuôi hiện nay đang áp dụng tại Hải Phòng. Từ các kết quả nghiên cứu, đề xuất mật độ cá rô phi nuôi bằng BFT trong môi trường nước lợ 6 - 8 con/m2. Tuy nhiên, để mở rộng áp dụng BFT ở quy mô sản xuất, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi phù hợp, nâng cao kỹ năng thực hành, giám sát và phản ứng nhanh với những diễn biến tiêu cực trong hệ thống nuôi ngoài thực tiễn.

Mô hình nuôi cá rô phi nước lợ bằng BFT.

Ứng dụng BFT nuôi cá rô phi trong môi trường nước lợ giúp cho hiệu quả làm sạch môi trường tốt hơn, các yếu tố môi trường luôn được điều chỉnh, kiểm soát, đảm bảo nằm trong giới hạn cho phép, giảm thiểu thay nước đóng góp quan trọng trong việc sử dụng tài nguyên nước, giảm ô nhiễm môi trường. Nuôi cá rô phi bằng BFT sẽ nuôi được với mật độ cao và cho năng suất lớn hơn hệ thống nuôi thông thường. Ứng dụng công nghệ BFT nuôi cá rô phi cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với ao không áp dụng BFT, lợi nhuận ròng cao hơn từ 5,8 - 6 lần, tỷ suất lợi nhuận cao hơn từ 2,93 - 3,78 lần. Trong hệ thống BFT cá sử dụng biofloc như là một nguồn thức ăn giúp giảm hệ số thức ăn (FCR), hiệu quả sử dụng thức ăn tăng lên, tăng năng suất sản lượng cá nuôi, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận so với công nghệ nuôi các rô phi đang áp dụng.

Bên cạnh đó, đề tài cũng xây dựng được quy trình kỹ thuật ứng dụng công nghệ Biofloc (BFT) nuôi thâm canh cá rô phi trong môi trường nước lợ, được mô tả cụ thể, chi tiết, rõ ràng, với các chỉ tiêu kỹ thuật của quy trình như sau: Mật độ cá nuôi 6 con/m2;  Thời gian nuôi:  >150 ngày/vụ; Cỡ cá thu hoạch: >500g/con; Tỷ lệ sống >90%; Năng suất nuôi: >30 tấn /ha; Hệ số thức ăn: 1,22 - 1,3; Môi trường ao nuôi được kiểm soát nằm trong giới hạn cho phép. Quy trình đã được Cục sở hữu trí tuệ ra quyết định số 17677w/QĐ -SHTT ngày 11/11/2020 về việc chấp nhận đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, số đơn 2-2020-00506, vượt chỉ tiêu so với đăng ký. 02 mô hình nuôi thâm canh cá rô phi thương phẩm ứng dụng BFT trong môi trường nước lợ tại Hải Phòng (vượt 01 mô hình so với đăng ký), với quy mô sản xuất, các chỉ tiêu của mô hình: Mô hình 1: 1200 m2, mô hình 2: 2000 m2; mật độ cá nuôi 6 con/m2; Năng suất cá nuôi mô hình 1 đạt 37 tấn/ha, mô hình 2 đạt 33 tấn/ha; Hệ số thức ăn (FCR), ở mô hình 1 là 1,22; mô hình 2 là 1,29; Lợi nhuận đạt từ 300 - 400 triệu/ha. Lợi nhuận và hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi theo mô hình nuôi hiện nay tại địa phương; Lợi nhuận ròng tính theo 1 ha cao hơn 2,7 - 3,5 lần; Tỷ suất lợi nhuận  tăng cao hơn từ 1,7 - 2,1 lần; Lợi nhuận biên tăng từ 1,4 - 1,7 lần. Bên cạnh đó, công nghệ này giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do kiểm soát được các chất hữu cơ gốc ni-tơ (NH3, NO2..) trong ao. Cá rô phi thương phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ tiêu của các mô hình vượt so với đăng ký. Kết quả nghiên cứu mở ra hướng đi mới, hiệu quả hơn cả về kinh tế và môi trường trong nuôi trồng thủy sản của Hải Phòng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.