Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 20327
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng ozone và tia cực tím xử lý nước trong nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus Vannamei) ba giai đoạn tại Hải Phòng (11/03/2024)

Nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hiện đang phổ biến ở Hải Phòng. Tuy nhiên, sự gia tăng diện tích nuôi, đa dạng hóa đối tượng nuôi và việc thâm canh hóa nghề nuôi tôm sử dụng giống sinh sản nhân tạo ở mật độ cao, thức ăn công nghiệp, sự di nhập tôm giống và tôm bố mẹ… đã dẫn đến sự xuất hiện và lây lan của nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt là bệnh do virus gây ra. Việc thay nước thường xuyên không chỉ tăng chi phí sản xuất mà còn tăng nguy cơ bùng phát mầm bệnh, gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường xung quanh. Trong bối cảnh nghề nuôi tôm chịu nhiều tổn thất nặng nề bởi nhiều tác động do dịch bệnh và nguồn nước cấp cho ao nuôi không đảm bảo, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã thực hiện đề tài cấp thành phố "Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng ozone và tia cực tím xử lý nước trong nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus Vannamei) ba giai đoạn tại Hải Phòng" từ năm2021-2023.

Nghiên cứu tiến hành đánh giá khả năng diệt khuẩn của ozone với các nồng độ và thời gian xử lý khác nhau. Kết quả cho thấy, sử dụng ozone với nồng độ 0,4 mg/l và thời gian xử lý 240 giây có nhiều ưu điểm trong cải thiện chất lượng nước và có hiệu quả cao trong khử trùng nguồn nước, đặc biệt là vi khuẩn Vibrio spp. gây bệnh cho tôm nuôi. Nghiên cứu đánh giá khả năng diệt khuẩn của tia cực tím (đèn UV) với các lưu lượng nước bơm khác nhau cho kết quả, UV có hiệu quả cao trong tiêu diệt vi khuẩn Vibrio spp. gây bệnh cho tôm, đặc biệt là khi bơm nước với lưu lượng 3,4 m/h/bóng đèn. Về khả năng diệt khuẩn kết hợp giữa ozone và tia cực tím đối với nước sử dụng trong ương, nuôi tôm thẻ chân trắng, kết quả cho thấy hàm lượng TAN, NO2-, H2S và COD sau khi được cấp qua đèn UV kết hợp với ozone lần lượt giảm đến 92,9%, 92,4%, 20,4% và 44,8%. Mật độ vi khuẩn tổng số và Vibrio spp. giảm đến 100%. Từ kết quả trên, nghiên cứu tiến hành thiết kế lắp đặt thiết bị ozone, UV xử lý nước phù hợp điều kiện nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn và dự thảo mô hình ứng dụng ozone và tia cực tím xử lý nước trong nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn.

Máy tích hợp UV/Ozone.

Đề tài cũng tiến hành thực nghiệm mô hình ứng dụng ozone và tia cực tím xử lý nước trong nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn vụ Xuân Hè và Thu Đông với diện tích nuôi 11.300m2; trong đó diện tích ao ương giai đoạn 1 là 500m2/2ao/vụ (250m2/ao); diện tích ao nuôi giai đoạn 2 là 1.400m2/4ao/2 mật độ/vụ (350m2/ao/mật độ/vụ); diện tích ao nuôi thương phẩm giai đoạn 3 là 3.400m2/4ao/2 mật độ/vụ (850m2/ao/mật độ/vụ); diện tích ao chứa lắng (sẵn sàng) 3.000m2.

Tại vụ Xuân Hè, giai đoạn 1 nuôi với mật độ 1.500 con/m2 cho tỷ lệ sống 93,5-95%; cỡ thu hoạch 1,12-1,17g/con; hệ số thức ăn 1,08; đạt 100-115% mục tiêu. Giai đoạn 2 nuôi với mật độ 400 và 550 con/m2; tỷ lệ sống 91,75-92,25%; cỡ thu hoạch 10,25-11,25g/con; hệ số thức ăn 0,85-0,87; đạt 100-110% mục tiêu. Giai đoạn 3 nuôi với mật độ 150 và 200 con/m2, tỷ lệ sống 87-88%, cỡ thu hoạch 25,04-27,75g/con; hệ số thức ăn 0,725-0,74; năng suất 23,49-28,25 tấn/ha/vụ; đạt 100-113% mục tiêu. Trong cả quá trình nuôi thực nghiệm, mô hình cho tỷ lệ sống từ 74,67-75,95%; năng suất đạt 86-110 tấn/ha/năm (gối 4 vụ); hệ số thức ăn 1,195 và 1,23 đạt 110-140% mục tiêu. Giá thành sản xuất tôm thương phẩm từ 95.850 - 98.000 đồng/kg, cho lãi ròng từ 337.198.000 - 338.934.000 đồng.

Mô hình thực nghiệm ứng dụng ozone và tia cực tím nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn vụ Thu Đông có mật độ nuôi từng giai đoạn tương tự vụ Xuân Hè. Kết quả giai đoạn 1, tỷ lệ sống của tôm đạt từ 92,5-93%; cỡ thu hoạch 0,91-0,92g/con; hệ số thức ăn 1,19-1,25; đạt 100% mục tiêu. Giai đoạn 2 có tỷ lệ sống 89,5-91,3%; cỡ thu hoạch 9,9-9,01g/con; hệ số thức ăn 0,85-0,86; đạt 100-105% mục tiêu. Giai đoạn 3 đạt tỷ lệ sống 87-87,3%; cỡ thu hoạch 25-25,1g/con; hệ số thức ăn 0,79-0,86; năng suất 21-27,9 tấn/ha/vụ; đạt 100-116% mục tiêu. Suốt cả quy trình, tỷ lệ sống của tôm đạt từ 70,77-71,21%; năng suất đạt 86-110 tấn/ha/năm (gối 4 vụ); hệ số thức ăn 1,25 và 1,28; đạt 110-140% mục tiêu. Với giá thành sản xuất 1 kg tôm thương phẩm là 107.491- 115.014 đồng, cho lãi ròng từ 293.367.000 - 332.624.000 đồng. 

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm từ hai vụ cho thấy, cùng áp dụng một quy trình, cùng địa điểm nhưng kết quả năng suất, tỷ lệ sống và hiệu quả kinh tế của vụ Xuân Hè cao hơn Thu Đông. Trong quá trình nuôi, nhờ có các biện pháp quản lý, chăm sóc kịp thời nên môi trường ao nuôi ổn định, không xảy ra dịch bệnh.

Sơ đồ vận hành hệ thống ao nuôi.

Ban chủ nhiệm đã hoàn thiện mô hình ứng dụng ozone và tia cực tím xử lý nước trong nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn tại Hải Phòng với thời vụ 2 vụ/năm, vụ Xuân Hè và vụ Thu Đông nếu nuôi gối vụ có thể nuôi 3-4 vụ (lượt nuôi)/năm. Diện tích ao chứa lắng, ao sẵn sàng, xử lý nước, chất thải… và công trình phụ trợ 50-55% tổng diện tích; diện tích ao nuôi 45-50%. Toàn bộ khu xử lý nước đầu vào được lót bạt đáy 100% và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Nước được bơm từ mương cấp vào ao chứa qua ống lọc có gắn túi lọc 2 lớp đến khi đạt mức tối đa sức chứa của ao chứa thì dừng, để lắng 2-3 ngày, bơm vào ao sẵn sàng 10-12h, sau đó bơm vào ao ương nuôi qua hệ thống ozone và UV.

Tại khu vực ương nuôi tôm theo quy trình 3 giai đoạn, giai đoạn 1 mật độ nuôi là 1.500 con/m2, cỡ giống PL12, thức ăn sử dụng là thức ăn công nghiệp của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, sau từ 20-25 ngày, trọng lượng tôm đạt khoảng 1.000 - 1.200 con/kg, tiến hành chuyển sang ương nuôi (giai đoạn 2). Giai đoạn 2 nuôi với 02 mật độ khác nhau 400 và 550 con/m2, ở vụ Xuân Hè và gối vụ Hè Thu có thể nuôi ở 2 mật độ nhưng vụ Thu Đông và vụ Đông chỉ nên nuôi giai đoạn 2 ở mật độ  con/m2; khi trọng lượng tôm đạt từ 90 - 110 con/kg, chuyển sang nuôi tôm thương phẩm (giai đoạn 3). Giai đoạn 3 nuôi với 2 mật độ khác nhau 150 và 200 con/m2, thời gian nuôi 40-50 ngày, cỡ thu hoạch 30-35 g/con. Trong hệ thống nuôi này, các ao được lót bạt 100%, có hố xi phong, hệ thống cung cấp ô-xy, mái che,... nhằm đảm bảo điều kiện cho tôm nuôi phát triển tốt nhất, hạn chế tác động của thời tiết, dịch bệnh. Việc quản lý môi trường trong quá trình nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh.

Với quy trình này, nhóm nghiên cứu đề xuất áp dụng với các cơ sở nuôi thương phẩm có nguồn nước, điều kiện tự nhiên và cơ sở vật chất phù hợp nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng theo Quy chuẩn QCVN 02-19:2014/BNNPTNT quy định những điều kiện về địa điểm nuôi; cơ sở hạ tầng (ao nuôi, ao chứa/lắng...); hoạt động nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng; nước thải; lao động kỹ thuật của các cơ sở nuôi tôm sú, tôm chân trắng.

Ứng dụng ozone và tia cực tím xử lý nước nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn có nhiều ưu điểm như: ao ương có diện tích nhỏ, dễ quản lý, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi, hạn chế ô nhiễm và sức tải môi trường cũng như đồ phì dưỡng trong quá trình nuôi tôm, giảm dịch bệnh và hệ số thức ăn; tốc độ sinh trưởng và phát triển của tôm nhanh, kích cỡ thu hoạch lớn, tăng số lần nuôi tôm trong năm (có thể nuôi gối được 4 lần/năm), tăng năng suất và sản lượng tôm, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng ổn định, bền vững. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.