Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 7983
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu xây dựng, quản lý và sử dụng bộ mẫu sinh vật biển thuộc quần đảo Cát Bà (21/03/2024)

Theo nghiên cứu của tác giả Đỗ Công Thung cùng cộng sự vào năm 2017, tại quần đảo Cát Bà có hơn 1.700 loài sinh vật biển được xác định, tuy nhiên chỉ có 292 mẫu sinh vật biển (chưa được thống kê về số loài cùng hàng chục mẫu vật chưa xác định được tên khoa học) được trưng bày và lưu trữ tại Vườn Quốc gia Cát Bà. Đây là một con số rất hạn chế, chưa thể hiện được các nét đặc trưng về tài nguyên thiên nhiên, sinh vật biển của quần đảo. Với khu vực có địa hình, địa mạo và môi trường sống đa dạng như quần đảo Cát Bà, hệ sinh vật biển tại đây còn hứa hẹn nhiều ghi nhận mới, khám phá và phát hiện loài mới cho khoa học, phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường. Việc nghiên cứu xây dựng bộ mẫu sinh vật biển thuộc quần đảo Cát Bà là nền tảng phục vụ trực tiếp cho công tác lưu trữ, bảo tồn và quản lý sử dụng nguồn tài nguyên, thúc đẩy phát triển du lịch và thu hút đầu tư cho nghiên cứu khoa học nói chung. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn nêu trên, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã phê duyệt đề tài Nghiên cứu xây dựng, quản lý và sử dụng bộ mẫu sinh vật biển thuộc quần đảo Cát Bà, giao Viện Tài nguyên và Môi trường biển thực hiện trong 02 năm, từ năm 2021 đến năm 2023.

Triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu tiến hành đánh giá tổng quan và phân tích các thông tin hiện có về đa đạng sinh học vùng biển quần đảo Cát Bà. Thu thập, phân tích và đánh giá tổng quan các nguồn tài liệu nghiên cứu đã có từ trước tới nay có liên quan đến mục tiêu, các nội dung và đối tượng nghiên cứu như: số lượng các nhóm loài thực vật phù du (TVPD), động vật phù du (ĐVPD), động vật đáy (ĐVĐ), (thực vật ngập mặn) TVNM, cá, chân đầu, rong biển, thân mềm, da gai, giáp xác, giun nhiều tơ, nguồn giống, tổng số lượng loài các nhóm, các sinh cảnh làm cơ sở cho việc thực hiện các nội dung nghiên cứu chuyên môn và đề xuất một số giải pháp sử dụng và quản lý hợp lý bộ mẫu sinh vật biển thuộc quần đảo Cát Bà. Đã thống kê, xác định được tổng số 2.123 loài sinh vật biển tại vùng biển Cát Bà, thuộc 933 chi (giống), 519 họ được ghi nhận trong các công trình nghiên cứu khác nhau. Trong đó, có 68 loài thuộc danh sách các loài quý hiếm.

 

Thu thập mẫu do nhân dân đánh bắt và một số hang ngập nước tại quần đảo Cát Bà.

 

Hoạt động số hóa mẫu vật.

Nhóm nghiên cứu cũng lập đầy đủ danh mục thành phần loài sinh vật biển thuộc quần đảo Cát Bà đang trưng bày, lưu giữ tại Bảo tàng Hải dương học Đồ Sơn và Vườn Quốc gia Cát Bà theo các nhóm cá biển, động vật thân mềm, động vật giáp xác và rong biển. Bảo tàng Hải dương học Đồ Sơn đang lưu giữ khoảng 23.000 tiêu bản mẫu vật về sinh vật biển, và một số loại mẫu khác. Theo nghiên cứu, tại Vườn Quốc gia Cát Bà có tổng số 127 loài sinh vật biển, trong đó cá biển chiếm đa số với 104 loài, giáp xác 07 loài, động vật thân mềm 16 loài. Hầu hết mẫu vật không đạt mẫu hạng A do các nguyên nhân khác nhau như thiếu lý lịch mẫu, tên khoa học và điều kiện bảo quản.

Kết quả thu thập, phân tích mẫu sinh vật biển tại vùng biển thuộc quần đảo Cát Bà, đã thu thập được 1.200 mẫu vật, qua phân tích đã xác định được 806 loài sinh vật biển, thuộc 525 chi (giống), 311 họ khác nhau. Trong đó, có 14 mẫu vật sinh vật biển chưa xác định được tên khoa học theo danh pháp hai thành phần, thuộc 12 chi (giống) khác nhau. Thông qua kỹ thuật giải trình tự gen (DNA), đã định danh tên khoa học chính xác 14 loài (đạt 100%) các loài hiếm gặp, khó xác định qua so sánh hình thái. Lần đầu tiên ghi nhận loài rong Phyllymenia taiwanensis tại khu vực quần đảo Cát Bà. Tra soát, xác định được 76 loài sinh vật biển thuộc Sách đỏ Việt Nam, Danh mục Đỏ của IUCN và Danh mục CITES.

Về kết quả chế tác, xây dựng bộ mẫu sinh vật biển thuộc quần đảo Cát Bà, đã chế tác và xây dựng thành công 500 mẫu đủ điều kiện, tiêu chuẩn trưng bày và hơn 1.500 vật mẫu phục vụ công tác nghiên cứu. Xây dựng 806 phiếu hồ sơ lý lịch và phiếu thuyết minh, đồng thời số hóa phiếu thuyết minh qua mã QR code, cho phép tra cứu thông tin về vị trí, bảo quản, trưng bày, tài liệu… của hiện vật một cách nhanh chóng và chính xác. Mẫu vật độc đáo (mẫu Cá heo không vây - Neophocaena phocaenoides G. Cuvier, 1829) đã được trưng bày phục vụ khách tham quan tại Phòng Trưng bày, Vườn Quốc gia Cát Bà.

CSDL bộ mẫu các loài thực vật ngập mặn thuộc quần đảo Cát Bà.

Trên cơ sở các nghiên cứu trên, đề tài cũngxây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) và phần mềm quản lý CSDL bộ mẫu các loài sinh vật biển thuộc quần đảo Cát Bà. Dữ liệu về các loài sinh vật biển sau khi được phân tích, xử lý, đánh giá, phân loại đã được biên mục và cập nhật vào CSDL bộ mẫu sinh vật biển thuộc quần đảo Cát Bà. Phần mềm quản lý CSDL bộ mẫu sinh vật biển thuộc quần đảo Cát Bà là một sản phẩm công nghệ cao, phục vụ cho việc quản lý, nghiên cứu, bảo tồn và khai thác bền vững nguồn tài nguyên
sinh vật biển đa dạng và phong phú của Hải Phòng.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất 05 kịch bản trưng bày các sinh vật biển thuộc quần đảo Cát Bà theo các chủ đề khác nhau như: Cây phát sinh chủng loại, Đa dạng sinh học, Chuỗi thức ăn, Hệ sinh thái và Nhóm sinh vật. Mỗi chủ đề sẽ giúp người xem hiểu rõ hơn về quá trình tiến hóa, sự đa dạng, sự tương tác và phân bố của các loài sinh vật biển, cũng như giá trị và vai trò của chúng đối với con người và môi trường. Xây dựng được phần mềm không gian triển lãm ảo 3600, cho phép người xem tiếp cận trực quan 500 mẫu sinh vật biển dưới dạng mô hình 3D và hình ảnh 2D. Phần mềm này cũng có thể tương tác với người dùng, cung cấp các thông tin chi tiết về lý lịch và thuyết minh bộ mẫu… để tăng hứng thú và nhận thức về bảo vệ và khai thác bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển.
02 nhóm giải pháp quản lý và sử dụng hợp lý bộ mẫu sinh vật biển thuộc quần đảo Cát Bà được nhóm nghiên cứu đề xuất bao gồm: Nhóm giải pháp cấp thiết trước mắt (Giải pháp quản lý và sử dụng kết quả nghiên cứu về hiện trạng tài nguyên sinh vật biển thuộc quần đảo Cát Bà; Giải pháp quản lý và sử dụng bộ mẫu sinh vật biển thuộc quần đảo Cát Bà; Giải pháp quản lý và sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu và không gian triển lãm ảo bộ mẫu sinh vật biển thuộc quần đảo Cát Bà); Nhóm giải pháp quản lý, sử dụng bền vững lâu dài (Giải pháp về tổ chức, quản lý; Giải pháp về kỹ thuật; Giải pháp khai thác, sử dụng và phát triển bộ mẫu; Giải pháp đổi mới trưng bày bảo tàng, phát huy giá trị hiện vật). Các giải pháp bao trùm các khía cạnh then chốt của việc quản lý, sử dụng hiệu quả và phát triển các sản phẩm của đề tài.

Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học quan trọng cho công tác quản lý đa dạng sinh học, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển tại quần đảo Cát Bà; là nguồn dẫn liệu hữu ích cập nhật cho hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học; cung cấp số liệu tin cậy để lập báo cáo định kỳ về hiện trạng đa dạng sinh học và phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường của thành phố Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, các sản phẩm của đề tài gồm: bộ mẫu sinh vật biển, bộ CSDL số và không gian triển lãm ảo về bộ mẫu sinh vật biển thuộc quần đảo Cát Bà có ý nghĩa cao trong thực tiễn sử dụng, đặt nền tảng phục vụ trực tiếp cho công tác lưu trữ, bảo tồn và quản lý sử dụng nguồn tài nguyên, thúc đẩy phát triển du lịch và thu hút đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.