Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 8013
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu xây dựng quy trình chẩn đoán ung thư vú bằng phương pháp siêu âm tự động 3 chiều kết hợp với siêu âm đàn hồi mô mềm tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng (13/05/2024)

Trên thế giới, ung thư vú là bệnh hay gặp trong các loại ung thư ở nữ giới. Bệnh ung thư vú là biểu hiện một tình trạng tăng trưởng không kiểm soát của tế bào và các khối u thường xuất phát từ các ống tuyến vú. Người ta ước tính từ một tế bào ung thư ban đầu phải mất 5 - 10 năm mới phát triển thành khối u có đường kính 1cm, kích thước có thể phát hiện được trên lâm sàng.

Ung thư vú được đề cập và quan tâm rất nhiều do bệnh có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao. Ở Việt Nam, theo thống kê dịch tễ học giai đoạn từ 2001 - 2007, ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ, với tỷ lệ 30/100.000 phụ nữ tại Hà Nội, 20/100.000 phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ tử vong do ung thư vú chiếm 6,3% chỉ đứng sau các loại ung thư gan, phổi, dạ dầy, cổ tử cung. Tỷ lệ mắc ung thư vú có xu hướng tăng rõ rệt: năm 1988 tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 17,9/100.000 dân, đến năm 1997 tỷ lệ này 21/100.000 dân và tăng lên 1,5 lần ở năm 2008 (32/100.000 dân). Hải phòng cũng như cả nước, tỷ lệ bệnh ung thư vú 21,5/100.000 dân, cao nhất trong số các loại ung thư ở phụ nữ. Trước thực trạng đó, từ tháng 11/2021-11/2023, PGS.TS Vũ Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cùng các cộng sự đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu xây dựng quy trình chẩn đoán ung thư vú bằng phương pháp siêu âm tự động 3 chiều kết hợp với siêu âm đàn hồi mô mềm tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng".

Quang cảnh Hội nghị tư vấn đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng.

Siêu âm tự động 3 chiều là phương pháp siêu âm có trường quan sát rộng, bao phủ toàn bộ thể tích vú, làm giảm thiểu rất nhiều khả năng bỏ sót tổn thương; khả năng cung cấp thêm hình ảnh tuyến vú trên mặt phẳng thứ 3 (mặt phẳng coronal), giúp đánh giá sự lan rộng tổn thương theo bề mặt tiếp xúc cơ thể mà siêu âm 2 chiều bằng tay không thể đánh giá được. Bên cạnh đó, phương pháp siêu âm này cung cấp khả năng siêu âm tự động và chuẩn hóa, bác sĩ hình ảnh không phải trực tiếp siêu âm cho bệnh nhân; hình ảnh siêu âm có thể được truyền đi dễ dàng, giúp hội chẩn từ xa trong trường hợp cần tham khảo ý kiến chuyên gia; hình ảnh dựng lại có thể lưu trữ nhiều năm, bao gồm cả hình ảnh về tổn thương và vùng nhu mô tuyến vú không bị tổn thương, có vai trò quan trọng phục vụ việc đối chiếu, đánh giá tổn thương cũ, tổn thương mới xuất hiện trong những lần kiểm tra sau của người bệnh.

Siêu âm đàn hồi mô mềm giúp đánh giá mức độ cứng - mềm và kích thước thật của khối u tổn thương trên siêu âm, giúp phân biệt được tổ chức lành tính và ác tính.

Sự kết hợp giữa hai kỹ thuật siêu âm trên mang lại nhiều thông tin quan trọng, giúp xem xét khối u tổn thương vú trên nhiều phương diện khác nhau, từ đó các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể nâng cao khả năng chẩn đoán chính xác tính chất ác tính của một khối u vú trên siêu âm. Tuy nhiên, trên thế giới chưa có nhiều nghiên cứu về sự kết hợp giữa hai kỹ thuật siêu âm này được công bố.

Bên cạnh nghiên cứu một số vấn đề lý thuyết, kinh nghiệm trong nước và nước ngoài, thực trạng chẩn đoán ung thư vú tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, Ban chủ nhiệm đề tài cũng xây dựng quy trình chẩn đoán ung thư vú bằng phương pháp siêu âm tự động 3 chiều kết hợp với siêu âm đàn hồi mô mềm (gồm 3 bước: lựa chọn bệnh nhân bằng phương pháp thăm khám và siêu âm quét vú tự động 3 chiều, siêu âm đàn hồi mô mềm đánh giá độ cứng của các tổn thương vú và phân loại nguy cơ ung thư cho từng tổn thương vú); Tổ chức thực nghiệm chẩn đoán ung thư vú theo quy trình đã được đề xuấtthực hiện kỹ thuật sinh thiết trên cơ sở kết quả siêu âm tự động 3 chiều kết hợp với siêu âm đàn hồi mô mềm.

Qua sàng lọc 11.830 bệnh nhân nữ đến khám bệnh lý tuyến vú, nhóm nghiên cứu lựa chọn được 120 bệnh nhân có độ tuổi trung bình 46,9 ± 11,6 tuổi, thấp nhất 18 tuổi, cao nhất 82 tuổiđáp ứng đủ tiêu chuẩn có khối u vú đồng ý tham gia, hoàn thiện theo quy trình nghiên cứu. Trong đó, nhóm tuổi hay gặp từ 40 - 49 tuổi chiếm tỷ lệ 43,4% và nhóm tuổi ít gặp nhất dưới 30 tuổi, tương ứng với tỷ lệ 8,3%.

Đa số bệnh nhân trong nghiên cứu đến khám bệnh do sờ thấy khối u ở tuyến vú 2 bên tương ứng chiếm tỷ lệ 49,1%. Bệnh nhân đến khám bệnh theo định kỳ cũng chiếm tỷ lệ cao 42,5%. Bệnh nhân đến khám bệnh do các nguyên nhân khác như đau vú, chảy dịch núm vú hoặc có cả dấu hiệu đau và sờ thấy khối u tuyến vú đều có tỷ lệ rất thất (từ 1,7 - 5,0%).Tỷ lệ bệnh nhân trong nghiên cứu sống ở thành thị chiếm 51,7% và nông thôn (48,3%).

Dựa trên hình ảnh siêu âm tự động 3 chiều, khối u tuyến vú tìm thấy thuộc vú bên phải có tỷ lệ 53,3% cao hơn thuộc vú bên trái (46,75%). Tuy nhiên sự chênh lệch này không nhiều.Đa số khối u nằm ở nửa trên tuyến vú, trong đó vị trí 1/4 trên ngoài có tỷ lệ 50,8% và vị trí 1/4 trên trong có tỷ lệ 31,7%.Khối u nằm ở nửa dưới tuyến vú có tỷ lệ thấp, vị trí 1/4 dưới ngoài chiếm tỷ lệ 11,7% và vị trí 1/4 dưới trong có tỷ lệ 5,8%.

Đa số bệnh nhân trong nghiên cứu có khối u có kích thước <2cm chiếm tỷ lệ 51,7%. Khối u kích thước lớn nhất >5cm chiếm tỷ lệ rất thấp (5,8%).Kích thước trung bình của khối u là 2,3±1,2cm. Trong đó khối u nhỏ nhất có kích thước 0,7cm và khối u lớn nhất có kích thước 6,2cm.Khối u hình bầu dục có tỷ lệ hay gặp nhất (chiếm 66,7%). Hình khối u không đều có tỷ lệ 30,8%.

Phần lớn khối u tuyến vú có trục lớn song song với mặt da tương ứng với tỷ lệ 86,7%. Khối u có trục lớn không song song với mặt da chỉ chiếm tỷ lệ 13,3%.Đa số khối u của bệnh nhân trong nghiên cứu có mép, bờ được giới hạn rõ chiếm tỷ lệ 63,3%. Khối u có mép, bờ không được giới hạn rõ có tỷ lệ 36,7%.Bờ tua gai là loại hay gặp nhất, chiếm tỷ lệ 31,8% khi không xuất hiện cùng loại bờ nguy cơ khác, 18,2% khi xuất hiện cùng với bờ không rõ ràng, mơ hồ và 2,3% khi xuất hiện cùng với bờ gập góc, có góc cạnh.Bờ không rõ ràng, mơ hồ là loại gặp nhiều thứ 2, chiếm tỷ lệ 13,6% khi không xuất hiện cùng loại bờ nguy cơ khác, 6,8% khi xuất hiện cùng với bờ đa cung nhỏ và 4,6% khi xuất hiện cùng với bờ gập góc, có góc cạnh.

Hầu hết khối u của bệnh nhân trong nghiên cứu có cấu trúc giảm âm trên siêu âm quét vú tự động 3 chiều (93,3%). Những cấu trúc âm đẳng âm, không đồng nhất, phức hợp nang và tổ chức có tỷ lệ rất thấp 0,8-4,2%.Đặc điểm âm vang phía sau khối u không thay đổi (không có đặc điểm phía sau) chiếm tỷ lệ rất cao (92,5%). Tỷ lệ xuất hiện bóng cản phía sau khối u là 5,0%.

Khối u có tính chất lan tỏa theo ống tuyến của bệnh nhân trong nghiên cứu có tỷ lệ 10,8%. Đa số khối u không có biểu hiện lan tỏa theo ống tuyến trên hình ảnh siêu âm quét vú tự động 3 chiểu (89,2%).Bệnh nhân có khối u xuất hiện hình ảnh vôi hóa trong khối chiếm tỷ lệ 32,5%. Không có bệnh nhân nào có khối u xuất hiện hình ảnh vôi hóa bên ngoài khối và vôi hóa trong ống tuyến.

Bệnh nhân có khối u xuất hiện hình ảnh dấu hiệu Halo và biến dạng cấu trúc xung quanh có tỷ lệ tương ứng là 20,0% và 4,2%.Dấu hiệu giãn ống dẫn và da co rút có tỷ lệ thấp (1,7% và 0,8%). Không có bệnh nhân biểu hiện dầy da trên siêu âm quét vú tự động 3 chiều.

Về kết quả cung cấp thông tin đàn hồi mô, nghiên cứu cho thấy, theo thang điểm phân loại độ cứng mô Tsukuba, tổn thương tuyến vúmức điểm 3 chiếm tỷ lệ cao nhất (33,3%). Tỷ lệ thấp nhất là tổn thương có mức điểm 4 (11,7%).Tổn thương mật độ mô trung gian chiếm tỷ lệ cao nhất (50,8%). Tổn thương mật độ mô mềm chiếm tỷ lệ 15,0%.Đánh giá mức độ tổn thương trên siêu âm đàn hồi định lượng, đa số tổn thương có mật độ mô trung gian và mật độ mô cứng tương ứng với tỷ lệ 45,8% và 37,5%, tổn thương có mật độ mô mềm là 16,7%. 

Sau khi phân loại BI-RADS hiệu chỉnh dựa trên sự kết hợp siêu âm tự động 3 chiều và siêu âm đàn hồi mô mềm cho thấy, có sự xuất hiện của tổn thương tuyến vú BI-RADS 2 (0% ác tính) với tỷ lệ 7,5%.Tổn thương tuyến vú BI-RADS 3 (nhiều khả năng lành tính ((≤ 2% ác tính), cần theo dõi định kỳ bằng siêu âm) chiếm tỷ lệ cao nhất tương ứng là 51,7% (tăng so với ban đầu).Tổn thương tuyến vú BI-RADS 4a (3-10% ác tính) có tỷ lệ thấp nhất 2,5%.Tổn thương tuyến vú nghi ngờác tính các mức độ trung bình cần tiến hành sinh thiết tổn thương như: BI-RADS 4b (11-50% ác tính), BI-RADS 4c (51-94% ác tính) có tỷ lệ mắc tương ứng là 9,1%, 14,2%. Tổn thương tuyến vú có khả năng ác tính cao (³ 95% nguy cơ ác tính) và cần tiến hành sinh thiết tổn thương là BI-RADS 5 chiếm 15,0%.

Sinh thiết kim lõi dưới hướng dẫn của siêu âm.

Nghiên cứu cũng tiến hành kiểm chứng quy trình chẩn đoán ung thư vú bằng phương pháp siêu âm tự động 3 chiều kết hợp với siêu âm đàn hồi mô mềm bằng phương pháp sinh thiết kim lõi dưới hướng dẫn của siêu âm, lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm mô bệnh học. Kết quả xét nghiệm mô bệnh học cho thấy, trong 120 mẫu bệnh phẩm của 120 bệnh nhân thì 44 trường hợp là ung thư tương ứng tỷ lệ 36,7% và 76 trường hợp lành tính tương ứng tỷ lệ 63,3%.Phương pháp kết hợp này cho giá trị chẩn đoán có độ nhạy 93,2%, độ đặc hiệu 89,5%, giá trị dự báo dương tính 83,7%, giá trị dự báo âm tính 95,8% và độ chính xác 90,8%.

Như vậy, so với giá trị chẩn đoán ung thư vú khi sử dụng độc lập phương pháp siêu âm tự động 3 chiều (độ nhạy 93,2%, độ đặc hiệu 71,1%, giá trị dự báo dương tính 65,1%, giá trị dự báo âm tính 94,7% và độ chính xác là 79,2%) thì sự bổ sung của siêu âm đàn hồi mô mềm đã tạo nên một phương pháp kết hợp có độ đặc hiệu và độ chính xác tăng lên rõ rệt: độ đặc hiệu tăng từ 71,1% lên 89,5% và độ chính xác tăng từ 79,2% lên 90,8% mà không làm thay đổi độ nhạy cao của phương pháp siêu âm tự động 3 chiều (93,2%). Kết quả này mang lại rất nhiều lợi ích cho người khám bệnh và bác sĩ chẩn đoán hình ảnh: số lượng người đi khám có khối u lành tính chỉ sử dụng một phương pháp siêu âm tự động 3 chiều có kết quả nghi ngờ ác tính (do độ nhạy cao mà độ đặc hiệu thấp) thì khi sử dụng thêm kỹ thuật siêu âm đàn hồi mô mềm sẽ giảm xuống tương đương với việc giảm những can thiệp không đáng có cho người đi khám bệnh lý tuyến vú.

Sự kết hợp của siêu âm tự động 3 chiều và siêu âm đàn hồi mô mềm còn giúp bác sĩ chẩn đoán hình ảnh xác định chính xác vị trí có mật độ mô cứng (khả năng ung thư cao) trên toàn diện khối u tổn thương, từ đó chọn được điểm sinh thiết phù hợp nhất, tránh bỏ sót tổn thương ung thư, giảm tỷ lệ âm tính giả.

Kết quả nghiên cứu của đề tàicó khả năng ứng dụng trong lâm sàng chẩn đoán ung thư vú tại các cơ sở y tế Hải Phòng và các tỉnh lân cận; là cơ sở giúp các nhà khoa học trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, sản phụ khoa tham khảo về chẩn đoán ung thư vú, đồng thời là căn cứ giúp ngành Y tế Hải Phòng triển khai mở rộng phối hợp kỹ thuật siêu âm vú tự động 3 chiều và siêu âm đàn hồi mô mềm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn thành phố. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng./.