Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 4075
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu xây dựng quy trình phẫu thuật lấy sỏi đường mật có sử dụng ống soi mềm (16/11/2023)

Tại khoa Phẫu thuật Tiêu hoá - Bệnh viện Việt Tiệp, nội soi tán sỏi đường mật trong mổ được triển khai lần đầu vào tháng 5/2019 và thu được kết quả khả quan. Tuy nhiên, để triển khai kỹ thuật một cách có hệ thống và hiệu quả, cần có một nghiên cứu xây dựng quy trình phẫu thuật phù hợp với điều kiện tại Bệnh viện nhằm phát triển mạnh kỹ thuật này trong thời gian tới, giúp tăng chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Nguyễn Văn Thương - Phó Trưởng khoa Khoa Phẫu thuật tiêu hoá làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài Nghiên cứu xây dựng quy trình phẫu thuật lấy sỏi đường mật có sử dụng ống soi mềm tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp” trong thời gian 01 năm, từ tháng 4/2022 đến tháng 4/2023.

Để đạt tỷ lệ sạch sỏi cao, các bác sĩ sẽ linh hoạt sử dụng nhiều phương tiện lấy sỏi khác nhau.

Đề tài bao gồm nghiên cứu, đánh giá thực nghiệm quy trình trên 44 bệnh nhân có tuổi trung bình là 65,5 ±13,7 tuổi, nhóm ≥ 60 tuổi chiếm 59,1%. Tỷ lệ bệnh nhân nam là 54,5%, nữ 45,5%. Các triệu chứng lâm sàng bệnh nhân thường gặp là đau bụng hạ sườn phải, sốt, vàng da; 53,3% bệnh nhân có tam chứng Charcot điển hình (là ba triệu chứng điển hình của viêm đường mật do sỏi mật bị tắc nghẽn, theo thứ tự lần lượt gồm đau quặn mật, sốt và vàng da - PV). 17 bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật, thủ thuật điều trị sỏi mật, trong đó chủ yếu là lấy sỏi đường mật, dẫn lưu Kehr, trong đó có 2 bệnh nhân mổ trên 3 lần. Đa số bệnh nhân có xét nghiệm bạch cầu, bilirubin toàn phần trong máu và men gan tăng, phản ánh tình trạng viêm đường mật và tắc mật. Trên chẩn đoán hình ảnh, 38,6% bệnh nhân có sỏi ống mật chủ đơn thuần và 61,4% có sỏi mật trên gan phối hợp; đường kính ống mật chủ giãn trung bình là 16,5±5,5mm; 27,3% có sỏi túi mật phối hợp, 4,5% có hẹp đường mật, 4,5% có áp xe đường mật, 2,3% có hẹp đoạn thấp ống mật chủ.

Một trong những yếu tố để đạt tỷ lệ sạch sỏi cao là linh hoạt sử dụng nhiều phương tiện lấy sỏi khác nhau. Tại các phẫu thuật này, nhóm nghiên cứu thực hiện được phối hợp giữa mổ mở, tiến hành lấy sỏi lớn, sỏi to dễ lấy ở ống mật chủ, sau đó tiến hành cho ống soi vào đường mật, đánh giá và lấy những sỏi ở trên cao. Kỹ thuật này sẽ rút ngắn thời gian điều trị nhưng vẫn đảm bảo kết quả.

Việc lựa chọn kiểu xung và cường độ trong quá trình tán sỏi được nhóm nghiên cứu thực hiện qua nhiều mức độ. Người soi đường mật phải có kinh nghiệm phối hợp động tác nhịp nhàng, tránh nguy cơ gây thủng thành đường mật do các xung lệnh mục tiêu chạm vào thành của ống đường mật. 

Quy trình phẫu thuật mở lấy sỏi đường mật kết hợp nội soi ống mềm tán sỏi cho 44 bệnh nhân cho kết quả khả quan. Đối với kỹ thuật mổ, có 19 trường hợp phải gỡ dính trong mổ. Tất cả các bệnh nhân đều được mở ống mật chủ lấy sỏi đường mật tối đa bằng mirizzi trước khi nội soi đường mật. 100% trường hợp nội soi thấy sỏi trong đường mật, sỏi đường mật trên gan chiếm tỷ lệ 72,7%. 13,6 % bệnh nhân có tổn thương hẹp đường mật trên gan. 65,9% bệnh nhân được tán sỏi điện thủy lực phối hợp lấy sỏi bằng rọ. Thời gian phẫu thuật trung bình là 125± 24 phút. Các phẫu thuật/ thủ thuật đi kèm với nội soi đường mật gồm cắt túi mật, nong cơ oddi, sinh thiết đường mật. Có 02 trường hợp tai biến chảy máu đường mật, được cầm máu tốt bằng nước muối ấm. Tất cả các bệnh nhân trong nghiên cứu đều được siêu âm lại sau mổ 4-5 ngày và sau 10-14 ngày bằng cách chụp đường mật qua Kehr để đánh giá tình trạng sạch sỏi. Kết quả cho thấy, tỷ lệ sạch sỏi theo quan sát bằng ống soi mềm là 86,4%, bệnh nhân hết đau, hết sốt, vàng da giảm, không có biến chứng; 5/44 bệnh nhân sót sỏi và biến chứng nhẹ sau mổ; 1 bệnh nhân có kết quả kém do có tổn thương ác tính ở đường mật.

Đại diện Ban chủ nhiệm báo cáo kết quả trước Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu đề tài tổ chức tại Sở Khoa học và Công nghệ.

Sau mổ, 100% bệnh nhân đều dùng kháng sinh tĩnh mạch trên 7 ngày, tất cả các trường hợp đều đáp ứng tốt với thuốc giảm đau paracetamol. Có 02 trường hợp biến chứng nhiễm khuẩn vết mổ chiếm 45%, 01 trường hợp có rò mật cung lượng thấp đáp ứng điều trị nội khoa. Tại thời điểm ngày thứ 21 sau mổ, có 3/44 bệnh nhân hẹp khít đường mật, 01 bệnh nhân tán sỏi qua kehr sau mổ 1 tháng.

Từ kết quả nghiên cứu và thực nghiệm, nhóm tác giả đã xây dựng quy trình lấy sỏi đường mật có sử dụng ống soi mềm gồm 06 bước và các thì kỹ thuật trong mổ, gồm: Khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán; Hội chẩn và lên kế hoạch điều trị; Chuẩn bị trước phẫu thuật; Phẫu thuật với 7 thì (Mở bụng, đánh giá tổn thương, bộc lộ ống mật chủ, lấy sỏi bằng mirizzi, đánh giá và xử trí tổn thương đường mật bằng ống soi mềm, đặt dẫn lưu đường mật, đóng bụng); Chăm sóc và theo dõi sau mổ; Xử trí sót sỏi sau mổ qua đường hầm Kehr.

Việc phẫu thuật lấy sỏi đường mật có sử dụng ống soi mềm là phương pháp điều trị mới, hạn chế xâm lấn, giúp đảm bảo chức năng tiêu hóa và đẩy nhanh quá trình phục hồi cho bệnh nhân. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.