Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 53153
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá bống tro (Bathygobius fuscus Ruppell, 1830) ở Hải Phòng (11/09/2024)

Cá bống tro thương phẩm là một trong những đối tượng dễ tiêu thụ với giá thành tương đối ổn định, nhu cầu thị trường lớn. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nguồn lợi đối tượng này đang có xu hướng suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân do hiện tượng khai thác quá mức, môi trường bị ô nhiễm, sử dụng ngư cụ khai thác mang tính chất hủy diệt và nhận thức của người dân về chính sách bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn hạn chế. Xuất phát từ sức ép về hiện trạng khai thác nguồn lợi tự nhiên, nhu cầu thị  trường, việc tác động khoa học kỹ thuật để hạn chế phụ thuộc nguồn lợi tự nhiên, chủ động được nguồn thực phẩm từ đối tượng này là cần thiết.

Khảo nghiệm thực tế cho thấy, cá bống tro là loài hoàn toàn có khả năng nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo bởi cá có sức sống tốt (sống trong môi trường rộng muối, rộng nhiệt,...).Ở vùng ven biển Hải Phòng, loài cá bố tro phân bố rộng khắp từ vùng cửa sông ven biển đến các ao đầm nước mặn, nước lợ. Với tiềm năng diện tích mặt nước lớn, việc phát triển kỹ thuật nuôi loài cá bống tro ở Hải Phòng sẽ tạo ra nguồn sản phẩm lớn cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Chính vì vậy, thành công trong sinh sản và nuôi thương phẩm đối tượng này sẽ giúp người dân phát triển nghề nuôi hải sản, tận dụng được diện tích ao đầm bỏ hoang do tình hình dịch bệnh từ các đối tượng nuôi truyền thống, qua đó giảm áp lực khai thác nguồn lợi tự nhiên. Trước thực tế đó, Viện Nghiên cứu Hải sản chủ trì thực hiện đề tài Nghiên cứu xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá bống tro (Bathygobius fuscusRuppell, 1830) ở Hải Phòng; ThS.NCS. Lại Duy Phương làm chủ nhiệm.

Nghiên cứu tiến hành thu thập thông tin liên quan tới sản xuất và nuôi thương phẩm cá bống tro và thực nghiệm xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo cá bống tro. Việc thực nghiệm sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá bống tro được triển khai tại trại sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản Ngọc Sơn, Đồ Sơn, Hải Phòng. Nghiên cứu nuôi vỗ cá bố mẹ có khối lượng ≥ 30g/con, cá khoẻ mạnh, không trầy xước, không dị hình; mật độ nuôi vỗ 15 con/m2 (30 con/kg), tỷ lệ đực/cái là 1/1; bể nuôi vỗ cá bố mẹ có thể tích 6m3, độ cao mực nước 0,5-0,8m, đáy bể có lớp bùn dày từ 3 - 5cm, chỗ trú ẩn là ống nhựa có Ф90 hoặc ngói đỏ. Cá cái khi đưa vào nuôi vỗ, các cá thể được lựa chọn có tuyến sinh dục giai ở giai đoạn IV. Cá bố mẹ được cho ăn 5-7% khối lượng thân, chia làm 2 lần/ngày (tỷ lệ 50:50), thời gian cho ăn vào sáng sớm và chiều tối (loại bỏ thức ăn thừa sau 1-2h cho ăn). Bể nuôi vỗ từ 1-5 ngày được thay nước hàng ngày 30% lượng nước, sau 5-7 ngày thay 100%. Thời gian nuôi vỗ từ 15-20 ngày, tiến hành kiểm tra định kỳ tỷ lệ thành thục của cá bống tro. Kết quả nuôi vỗ cho thấy, việc cho cá ăn theo tỷ lệ 60% cá tạp + 20% mực + 20% tôm với độ mặn 15‰ đạt tỷ lệ thành thục đạt cao nhất ở cá cái 81,11 ± 1,1% và cá đực 84,4 ± 1,5%. Tỷ lệ đẻ cao nhất tại nghiệm thức sử dụng LHRHa (40µg) + HCG (1.000IU) + 1 viên DOM)/kg, đạt trung bình 60,00±6,67%. Đây cũng là nghiệm thức có thời gian hiệu ứng thuốc nhanh nhất, trung bình 46±2,6h. Trong 3 nghiệm thức sử dụng giai lưới, ống nhựa và tấm nhựa trắng làm vật bám cho trứng, nghiệm thức sử dụng ống nhựa có tỷ lệ đẻ cao nhất, trung bình đạt 71,11±5,09%. Nghiên cứu cũng cho thấy, khi ấp trứng cá bống tro ở độ mặn 15‰ với ngưỡng nhiệt độ 300C cho tỷ lệ nở cao nhất đạt 76,8±2,3%.

Kiểm tra cá thương phẩm.

Về lựa chọn một số giải pháp phù hợp ương nuôi ấu trùng cá bống tro từ cá bột lên cá giống cấp 2 cho kết quả, tỷ lệ sống cao nhất ở nghiệm thức ăn gồm: 5% tảo + 35% luân trùng + 20% copepoda + 30% artemia + 10% thức ăn tổng hợp với 8 ngày ương đạt 61,8 ± 2,6% và 16 ngày ương đạt 12,4±0,5%, chiều dài cá đạt 1-1,2 cm/con. Giai đoạn ương cá hương lên cá giống cấp 1 sử dụng thức ăn 5% tảo N.oculata + 20% copepoda + 65% artemia + 10% thức ăn tổng hợp với mật độ ương 10con/l cho tỷ lệ sống đạt cao nhất sau 16 ngày ương nuôi là 62,5±0,5% và chiều dài cá đạt 2-2,2 cm/con. Giai đoạn ương từ giống cấp 1 lên giống cấp 2 đạt tỷ lệ sống cao nhất đạt 62,2±0,8% khi sử dụng thức ăn là 100% cá tạp với mật độ ương 2con/l và chiều dài cá đạt 3,5-4,0 cm/con. Mật độ ương nuôi 10 con/ lít cho tỷ lệ sống cao nhất, đạt 18,4±1,1%. Nghiên cứu đã chọn nghiệm thức ở mật độ 10con/lít với thức ăn 100% cá tạp để tiến hành thực nghiệm sản xuất nhân tạo giống giai đoạn giống cấp 2. Kết quả thực nghiệm, tỷ lệ thành thục của cá đạt 81,1%, tỷ lệ đẻ của cá bống tro bố mẹ cao nhất trung bình 74,8%. Thực nghiệm ấp trứng cá bống tro ở ngưỡng nhiệt 300C với độ mặn 15‰ cho tỷ lệ nở sau 90-105 giờ đạt trung bình là 76,5% với tỷ lệ thụ tinh là 82,4%. Giai đoạn ương cá bột lên cá hương, kết quả thực nghiệm cho tỷ lệ sống đạt 14,6%; giai đoạn ương cá hương lên cá giống cấp 1, tỷ lệ sống đạt 63,2%. Lợi nhuận thu được tính đến giai đoạn này đạt 1,6 triệu đồng/1 vạn con giống.

Nghiên cứu nuôi thương phẩm cá bống tro bằng nguồn giống nhân tạo được thực hiện trên 3 ao với tổng diện tích 1.200m2, sử dụng 03 loại thức ăn, trong đó: ao 1 (100% cá tạp), ao 2 (50% cá tạp+50% công nghiệp) ao 3 (100% công nghiệp). Các yếu tố môi trường nước ao nuôi như: nhiệt độ trung bình cao nhất (26,7 ± 0,30C) vào tháng 5 và thấp nhất (23,2 ± 0,20C) vào tháng 1; pH dao động từ 7,5 đến 8,5 và dao động không vượt quá 0,5 trong ngày trong suốt quá trình nuôi; hàm lượng ôxy hòa tan trong nước dao động từ 4,2mg/l đến 6,3 mg/l và trung bình đạt 5,5 ± 0,3 mg/l ở cả 3 ao nuôi; độ trong của cả 3 ao nuôi đều nằm trong ngưỡng thích hợp dao động từ 31cm đến 50cm và trung bình đạt 38,6 ± 0,5cm (bảng 24), yếu tố độ mặn được kiểm soát tốt trong cả thời gian nuôi nên chỉ dao động trong khoảng 14‰ đến 17‰. Kết quả nuôi, tăng trưởng về chiều dài của cá bống tro nuôi thương phẩm sau 6 thángở ao 1, ao 2 và ao 3 tương ứng là 16,2±0,06cm/con; 15,8±0,05cm/con; 15,0±0,04 cm/con.Tốc độ sinh trưởng tuyệt đối trung bình DLG (cm/ngày) của chiều dài cá bống tro cao nhất là ao 1 tương ứng đạt 0,068 cm/ngày; 2 ao còn lại có tốc độ sinh trưởng thấp hơn lần lượt là ao 2 đạt 0,066 cm/ngày và thấp nhất là ao 3 đạt 0,061cm/ngày. Tốc độ sinh trưởng tương đối SGRL (%/ngày) của chiều dài cá bống tro ao 1, ao 2 và ao 3 lần lượt tương ứng là 0,777 %/ngày; 0,763%/ngày; 0,734%/ngày.Cá bống tro tăng trưởng về khối lượng ao 1 đạt cao nhất tương ứng là 41,2 ± 0,8g/con; kế tiếp là ao 2 cho kết quả tăng trưởng về khối lượng cá bống tro tương ứng là 37,0 ± 0,06 g/con và thấp nhất là ao 3 đạt 30,1 ± 0,07g/con. Tốc độ sinh trưởng tuyệt đối trung bình DWG (g/ngày) sau 6 tháng nuôi thương phẩm cá bống tro trong ao đầm nước lợ lần lượt ở các ao 1, ao 2, ao 3 tương ứng là 0,223 g/ngày; 0,199 g/ngày và 0,161 g/ngày. Tốc độ sinh trưởng tương đối SGRW (%/ngày) của khối lượng cá bống tro ở ao 1, ao 2, ao 3 lần lượt là 2,013%/ngày, 1,953%/ngày, 1,838%/ngày. Về tỷ lệ sống cá bống tro thương phẩm, ao 1 đạt 66,8%; ao 2 đạt 66,0% và thấp nhất là ao 3 đạt 60,8%. Tính toán hiệu quả kinh tế, nhóm nghiên cứu nhận thấy, sau thời gian nuôi 6 tháng với cùng một giá bán thì ao 1 cho tổng thu nhập kinh tế cao nhất, sau khi trừ các khoản chi của từng ao nuôi thì lợi nhuận thu được từ các ao 1, ao 2, ao 3 lần lượt là 8.025.000 đồng; 6.150.000 đồng; 1.800.000 đồng. Như vậy, mô hình nuôi ao 1 sử dụng 100% thức ăn là cá tạp cho năng suất cao nhất đạt 4 tấn/ha/vụ đạt mức lợi nhuận 200 triệu đồng/ha/vụ, mô hình ao 2 thức ăn sử dụng 50% + 50% công nghiệp cho năng suất đạt 3,6 tấn/ha/vụ đạt mức lợi nhuận 150 triệu đồng/ha/vụ, và thấp nhất là ao 3 sử dụng 100% công nghiệp cho năng suất đạt 2,7 tấn/ha/vụ đạt mức lợi nhuận 45 triệu đồng/ha/vụ. Từ kết quả nghiên cứu trên, Ban chủ nhiệm đề tài xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá bống tro ở Hải Phòng.

Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, mô hình nuôi cá bống tro thương phẩm ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế còn giúp cho người nuôi lựa chọn thêm đối tượng mới nhằm cải thiện môi trường ao nuôi thông qua việc nuôi luân canh giúp kìm hãm tình hình dịch bệnh giữa các đối tượng nuôi giúp cho người dân ổn định cuộc sống và duy trì ổn định nghề nuôi thương phẩm. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng./.