Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 11095
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học xã hội và Nhân văn

Ngữ âm tiếng Việt - công trình mẫu mực về tính sư phạm và giá trị thực tiễn (13/02/2012)

Bức tranh toàn cảnh về âm tiết tiếng Việt

Theo đánh giá của Hội đồng xét tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2010, Công trình là một đóng góp xuất sắc cho khoa học, có ảnh hưởng sâu rộng đối với giới nghiên cứu tiếng Việt và các ngôn ngữ cùng loại hình, làm phong phú thêm cho ngữ âm học. Điểm mới của công trình được thể hiện ở việc lấy âm tiết làm điểm xuất phát để phân tích âm vị học, phân bậc cấu trúc âm tiết và sử dụng các hiện tượng láy từ, từ láy, nói lái,... như các quy tắc hình âm vị học để phân tích âm tiết thành các thành tố cấu tạo.

GS.TS. Mai Ngọc Chừ - Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Công trình là một bức tranh toàn cảnh, toàn diện và hệ thống về tất cả những vấn đề liên quan đến âm tiết tiếng Việt. Tác giả đã tập hợp và phân tích tất cả các quan điểm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về âm tiết tiếng Việt và đưa ra những đánh giá có sức thuyết phục đối với từng quan điểm. Người viết đã làm sáng tỏ được bản chất của âm tiết tiếng Việt và các ngôn ngữ cùng loại hình đơn lập, đó là âm tiết là vỏ ngữ âm của hình vị. Sau khi phân tích, đánh giá các giải pháp và tiếp thu kết quả nghiên cứu của người đi trước, tác giả đã đưa ra quan điểm riêng của mình về cấu trúc âm tiết tiếng Việt và các hệ thống âm vị học của tiếng Việt. Quan điểm này, về cơ bản cho đến nay được nhiều người chấp nhận.

Nội dung cuốn sách là cấu trúc âm vị học tiếng Việt. Tác giả đã làm sáng tỏ một vấn đề quan trọng, đó là trong tiếng Việt, ranh giới của âm tiết trùng với ranh giới của hình vị và lấy âm tiết làm điểm xuất phát phân tích âm vị học. Căn cứ vào thái độ của người bản ngữ qua việc cấu tạo từ, phép lặp từ, vần thơ, nói lái mà thấy âm tiết tiếng Việt gồm 3 bộ phận là thanh điệu, âm đầu và vần. Trong vần lại có những yếu tố nhỏ hơn là âm đệm, âm chính, âm cuối. Đây là lần đầu tiên sách đưa ra một mô hình âm tiết 5 thành phần và chia ra 2 bậc.

Một giáo trình mẫu mực về tính sư phạm và giá trị thực tiễn

Công trình Ngữ âm tiếng Việt có tính ứng dụng cao trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam và người nước ngoài học tiếng Việt, dạy trẻ khiếm thính, xây dựng chữ viết cho các dân tộc thiểu số, xây dựng ký tự Việt trong công nghệ thông tin; được sử dụng làm giáo trình của nhiều trường đại học và là công trình được trích dẫn nhiều nhất. Từ khi ra đời cho đến nay (1977), sách Ngữ âm tiếng Việt đã được dùng trong tất cả các trường đại học và là cơ sở lý luận cho việc viết sách và dạy ghép vần ở trường phổ thông.

Ở Việt Nam, tất cả các sinh viên, học viên cao học, NCS khi làm luận văn, luận án về ngữ âm đều coi cuốn sách là “cẩm nang” của mình. Nhiều nhà nghiên cứu khi xem xét các ngôn ngữ dân tộc ở Việt Nam cũng đã tìm đọc Ngữ âm tiếng Việt của GS.TS.NGND. Đoàn Thiện Thuật. Cuốn sách có thể coi là một giáo trình mẫu mực về tính sư phạm. Dù được biên soạn cách đây hơn 30 năm nhưng những điều được trình bày trong sách vẫn không bị lạc hậu, trái lại vẫn có giá trị khoa học và thực tiễn cao. Có thể kiểm định điều này bằng cách so sánh nội dung của bản in gần đây nhất với bản in đầu tiên, tác giả gần như không sửa gì. Điều đó chứng tỏ sức sống lâu bền của công trình.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Lợi- Viện Ngôn ngữ học: tính ứng dụng thực tiễn của công trình này là rất lớn, đó là nghiên cứu bệnh học liên quan đến thanh quản, những trường hợp các em không nói được… hay ứng dụng của công trình trong công nghệ thông tin: nhận diện giọng nói, nhận dạng tiếng Việt…

Công trình Ngữ âm tiếng Việt của GS.TS. Đoàn Thiện Thuật là một đóng góp xuất sắc cho khoa học, có ảnh hưởng sâu rộng đối với giới nghiên cứu tiếng Việt và các ngôn ngữ cùng loại hình, đồng thời làm phong phú thêm cho ngữ âm học vốn được xây dựng chủ yếu trên cơ sở ngữ liệu Ấn - Âu.

GS.TS.NGND Đoàn Thiện Thuật là một giáo sư có uy tín, ông hiểu rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu không phải để lấy thành tích hay danh vị mà quan trọng hơn cả là phải hướng đến mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy, đào tạo.

GS Thuật tâm sự: “Phải gắn bó lâu năm, tôi mới nhận ra rằng Ngôn ngữ học là một ngành khoa học chứa đựng nhiều điều thú vị. Nó có những ứng dụng hiệu quả trong y tế, trong kỹ thuật, công nghệ, trong nghệ thuật biểu diễn (điện ảnh, sân khấu, thanh nhạc), nghệ thuật sáng tác (thi ca, tiểu thuyết). Tôi đã có những thể nghiệm, tôi yêu quý, trân trọng khoa học ngôn ngữ và kiên quyết bác bỏ quan niệm cho rằng ngôn ngữ học chỉ là một bộ phận trong nghiên cứu văn học. Vì đề cao tính ứng dụng của các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ mà trong suốt mấy chục năm qua tôi đã lặn lộn với những đề tài phục vụ thực tế, phục vụ xã hội. Tôi cũng đã dùng những đề tài ấy để kết hợp nghiên cứu và đào tạo. Những công trình như “Xác định tiếng chuẩn của ngôn ngữ Tày Nùng” (1966 - 1970) hay “Ngôn ngữ trẻ em” (1971-1974) mà tôi đã bỏ công sức cùng với đồng nghiệp và học trò theo đuổi trong một thời gian dài là minh chứng cho quan điểm về nghiên cứu và đào tạo của tôi”.

Nguồn: Đại biểu nhân dân