Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 16488
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và đời sống

Người trẻ từng mắc ung thư chịu gánh nặng tâm lý lâu dài (10/07/2025)

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan-Hoa Kỳ, những người sống sót sau ung thư được chẩn đoán trong giai đoạn vị thành niên và thanh niên thường gặp phải các triệu chứng trầm cảm và lo âu kéo dài trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, chỉ có các triệu chứng lo âu là có xu hướng ổn định khi họ lớn tuổi hơn.

 

Phát hiện này được công bố trong một nghiên cứu mới trên tạp chí JAMA Network Open, làm sáng tỏ những khó khăn về sức khỏe tâm thần kéo dài mà những người được chẩn đoán mắc ung thư trong độ tuổi từ 15 đến 39 phải đối mặt.

Tại Hoa Kỳ, hiện có hơn 2,1 triệu người trưởng thành sống sót sau ung thư từng được chẩn đoán khi còn trẻ. Mặc dù gánh nặng tâm lý trong quá trình điều trị đã được ghi nhận rộng rãi, nhưng quỹ đạo sức khỏe tâm thần về lâu dài của nhóm bệnh nhân này khi họ bước vào độ tuổi trung niên và cao tuổi vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Với số lượng người trẻ sống sót sau ung thư ngày càng tăng, nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng trong việc nhận diện và giải quyết các thách thức dai dẳng để cải thiện chất lượng sống của họ, các tác giả cho biết.

Tác giả nghiên cứu, phó giáo sư Anao Zhang cho biết: “Chúng tôi muốn nhấn mạnh sự cần thiết của việc hỗ trợ tâm lý liên tục cho nhóm đối tượng đặc biệt này”.

Zhang và các cộng sự đã sử dụng dữ liệu đại diện toàn quốc từ nghiên cứu Health and Retirement Study với gần 40.000 người tham gia, tương đương hơn 100 triệu người Mỹ trên 50 tuổi. Họ được chia thành ba nhóm: người từng mắc ung thư ở tuổi vị thành niên/thanh niên, người mắc ung thư khi đã trưởng thành, và người không có tiền sử ung thư. Các đối tượng được khảo sát về tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo âu.

Kết quả từ các mô hình theo dõi triệu chứng theo thời gian cho thấy một đường cong hình chữ U rõ rệt đối với các triệu chứng trầm cảm trong suốt cuộc đời. Những người sống sót sau ung thư khi còn trẻ có mức độ trầm cảm cao hơn rõ rệt, cho thấy tác động kéo dài từ những trải nghiệm ung thư để lại dấu ấn tâm lý sâu sắc.

Ngược lại, các triệu chứng lo âu có xu hướng ổn định theo thời gian, cho thấy có khả năng nhóm này phát triển được khả năng thích nghi hoặc phục hồi.

So với những người được chẩn đoán mắc ung thư khi đã trưởng thành hoặc không có tiền sử ung thư, những người sống sót sau ung thư ở tuổi trẻ có sức khỏe tâm thần tồi tệ nhất khi bước vào độ tuổi trung niên và cao tuổi. Khi còn trẻ, họ phải đối mặt với những thách thức đặc biệt như vấn đề sinh sản, tổn thương tim do điều trị nhiễm độc tim (cardiotoxicity), và độc tính tài chính (financial toxicity).

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng các bác sĩ điều trị ung thư cần nhận thức rõ hơn về gánh nặng tâm lý kéo dài ở nhóm người bệnh này, đặc biệt khi họ bước sang tuổi trung niên và cao tuổi./.

Đ.T.V (NASTIS), theo https://medicalxpress.com/news/, 2025

Ngày cập nhật: 26/06/2025

https://www.vista.gov.vn/vi/news/khoa-hoc-xa-hoi/nguoi-tre-tung-mac-ung-thu-chiu-ganh-nang-tam-ly-lau-dai-11518.html