Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 7841
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Những biện pháp hạn chế hao hụt lươn trong giai đoạn đầu thả giống (02/07/2018)

              Hiện nay, lươn đang được nhiều địa phương phát triển nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là vào mùa nước lũ về có nguồn lươn giống dồi dào. Tuy nhiên, theo thực tế của nhiều hộ nuôi lươn, ở giai đoạn đầu thả giống, lươn bị hao hụt nhiều do con giống chủ yếu dựa vào giống tự nhiên, nên gây thiệt hại khá lớn cho bà con. Để khắc phục hiện trạng trên, bà con có thể tham khảo một số biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hao hụt lươn ở giai đoạn đầu thả giống như sau:

1. Khâu vận chuyển:

- Nên dùng vật dụng trơn láng để chứa lươn và cho thêm một ít nước nhằm giảm xây sát.

- Bố trí thêm giá thể như rau dừa, lục bình để che mát và tạo chỗ chú ẩn cho lươn. Chiều cao lớp lươn vận chuyển không quá 20cm. Vì quá cao, lớp lươn phía dưới bị đè và khó tiếp xúc được với oxy để hô hấp. Không nên vận chuyển lươn trong những vật dụng kín, bề mặt tiếp xúc nhỏ, lươn khó tiếp xúc với oxy để hô hấp. 

2. Khâu chọn giống:

- Nên chọn con giống có màu vàng sẫm, vì loại này có sức sống và tăng trưởng tốt nhất.

- Cỡ giống thả tốt nhất từ 40 - 60 con/kg. Giống quá nhỏ, lươn khó chăm sóc, dễ chết, thời gian nuôi kéo dài. Giống lớn (10 - 20 con/kg), khi mua, bà con nên lưu ý nguồn giống, vì cỡ giống này lươn hay bị chết sau khoảng một tháng nuôi do bị giãn cột sống lúc bị đánh bắt. 

3. Khâu thuần dưỡng: 

- Từ khâu đánh bắt và vận chuyển đến mô hình nuôi, có thể cơ thể lươn bị nhiều xây sát. Do đó, trước khi thả vào bể thuần dưỡng, phải tắm lươn. Pha thuốc tắm: 10 lít nước + 2 chén muối hột + 1 muỗng canh Oxytetra, hòa tan tắm từ 20- 30 kg giống, thời gian tắm là 1 phút rồi cho lươn vào bể dưỡng. 

- Bể dưỡng có thể bằng nilon, mật độ dưỡng là 4-6 kg/m2, chiều sâu nước là 0,1 -0,2m. Trong bể dưỡng đặt nhiều giá thể như: Lục bình, rau muống, rau dừa… Trong bể dưỡng có thể pha thêm 1 viên tiêu cam (dạng sủi) + 2g nước biển gói Orol cho một bể dưỡng từ 10 - 15m2, hòa tan tạt đều bể dưỡng. Ngâm đến chiều thay nước mới. Sáng hôm sau thay nước và tiếp tục ngâm tiêu cam và nước biển gói, chiều thay nước. Xử lý liên tục từ 3-5 ngày. Thời gian dưỡng từ 5 - 7 ngày tùy theo nguồn giống. Khi không còn thấy lươn yếu, lươn chết mà bơi lội nhanh nhẹn thì có thể thả vào bể nuôi. Lưu ý: Trong suốt thời gian dưỡng, tuyệt đối không cho lươn ăn. 

- Giai đoạn đầu thả giống, lươn thường bị bệnh sốc môi trường (còn gọi là bệnh sốt nóng). Biểu hiện bệnh là lươn xáo trộn trong bể, quấn vào nhau, tiết nhiều nhớt, lươn ngoi đầu lên thở. Những con nặng, đầu sưng phồng lên, xuất huyết và chết hàng loạt. Để phòng bệnh này nên tắm lươn trước khi dưỡng, mực nước từ 0,1 - 0,2m. Trong bể bố trí nhiều giá thể và phải thay nước ít nhất là 2 lần/ngày. 

- Nếu áp dụng tốt các biện pháp này, bà con sẽ giảm được hao hụt lươn trong giai đoạn đầu thả giống. Từ đó góp phần nâng cao năng suất lươn thương phẩm.     

Nguồn: Khuyến nông Tiền Giang