Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 37380
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Những lưu ý trong sản xuất rau vụ hè thu (18/06/2013)

Vụ hè thu, thời tiết thường có nhiều bất lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây rau màu (nắng nóng, mưa nhiều). Vì vậy, để giảm thiểu những tác hại, rủi ro trên cây trồng do thời tiết gây ra, bà con cần chú ý và có những biện pháp kĩ thuật tác động sao cho phù hợp và hiệu quả trong tất cả các khâu của mùa vụ.

1. Làm đất

 Cần chú ý cày hết tầng đất canh tác để lên luống được cao giúp thoát nước tốt khi gặp mưa bão. Làm đất vừa phải, không nên bừa kĩ làm đất quá nhỏ sẽ dễ bị dí rẽ khi có mưa to kéo dài. Nạo vét các rãnh luống thường xuyên rồi ấp lên má luống. Đồng thời, cần đào 2 hố thoát nước kích thước (1x1x1)m ở hai góc ruộng. Khi có úng lụt xảy ra nước sẽ dồn xuống hố nhanh hơn, nông dân có điều kiện múc nước từ hố đổ ra mương máng. Cần tăng cường bón lót bằng phân hữu cơ hoai mục để đất được tơi xốp, thông thoáng hơn.

 Với những vùng đất chuyên canh rau màu, cần bắt buộc áp dụng biện pháp xử lý đất trồng lúc làm đất. Vì đất chuyên canh rau màu thường tồn tại nhiều mầm bệnh (nấm, vi khuẩn), gặp thời tiết mưa nhiều, chúng sẽ dễ dàng phát sinh và gây hại rau màu. Cách xử lý: dùng thuốc gốc đồng như Copper citrat, Copper oxychloride, Boocdo 1%, Coc 85, Batocide… hoặc bón 20-25 kg vôi bột (đối với đất chua) khi cày vỡ. Tốt nhất, nên sử dụng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma trộn lẫn phân để bón lót và tưới thúc định kì sẽ hạn chế được rất nhiều sự phát sinh gây hại của nấm gây thối rễ và vi khuẩn héo xanh. Ngoài ra, trên những chân đất có nhiều sâu nhất là sâu xám gây hại cần xử lý đất bằng thuốc hạt Diazan với lượng 0,5-1 kg/sào Bắc bộ. 

2. Bón phân

 Đầu vụ hè thu, thường có nhiều trận mưa lớn dễ gây thất thoát phân bón do bị rửa trôi, nhất là phân đạm. Vì vậy, nên lựa chọn phân tổng hợp NPK để bón lót cho rau màu là tốt nhất. Nên lựa chọn mua các loại phân tổng hợp giàu kali (16-16-8, 13-13-13+TE…) để tăng sức chống chịu cho cây rau. Đồng thời cần bổ sung thêm mỗi sào khoảng 1-1,5 kg phân bón gốc siêu vi lượng (trộn đều với phân NPK bón lót) hoặc phun định kì các chế phẩm phân vi lượng qua lá trong cả vụ để cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi.

 Nếu sau khi đưa cây con ra ruộng sản xuất gặp thời tiết mưa nhiều, mưa kéo dài cần phun bổ sung một lượng kali trắng (K2SO4) vào thân lá (25 g kali/bình 18l), chế phẩm phân vi lượng bón lá kết hợp với thuốc phòng bệnh chết thắt thân cây con như Validacin, Fujimin,… để giảm thiểu lượng cây con bị chết.

 Phân bón lót cần phải trộn đều vào đất trước khi gieo hạt. Trộn phân bón với đất trước khi gieo sẽ tránh sự gây thương tổn do phân gây ra và hạn chế thất thoát phân bón do bị bay hơi và rửa trôi.

 Phân chuồng dùng để bón lót phải hoai mục. Vì phân chưa hoai chứa nhiều vi sinh vật có thể cạnh tranh dinh dưỡng với cây con và gây độc cho rễ cây trong quá trình phân tiếp tục phân huỷ.

 Ở các lần bón thúc cho rau hè thu nên áp dụng biện pháp bón vùi kết hợp với xới xáo sẽ tốt hơn là biện pháp tưới thúc. 

* Lưu ý: Tuyệt đối không đổ phân bón trực tiếp vào gốc cây khi bón thúc. Việc làm này không những cây không hút được nhiều dinh dưỡng mà còn làm tăng mật độ vi khuẩn và nấm tập trung ở vùng gốc rễ tấn công cây trồng.

 Lượng phân thúc nên chia thành nhiều lần để bón và chú ý tăng lượng kali ở mỗi lần bón để giúp cây cứng cáp hơn. Với các cây họ bầu bí rất hay bị bệnh nứt thân chảy nhựa trong vụ hè thu (nhất là giai đoạn cây đang phát triển thân lá, cần bổ sung thêm kali và canxi cho cây bằng cách phun kali trắng (liều lượng như trên) kết hợp với phân bón lá Hi-canxi.

 3. Che phủ

 Một số cây rau màu (cà chua, dưa hấu, dưa lê…) nhất thiết phải có vật liệu che phủ luống (màng phủ nông nghiệp) để hạn chế cỏ dại, giảm bức xạ nhiệt, chống úng cho cây… 

4. Kích thích đậu quả 

Vụ hè thu, do nắng lắm, mưa nhiều nên cây trồng rất khó đậu quả. Vì vậy, cần sử dụng các chất điều tiết sinh trưởng để kích thích đậu quả cho các cây trồng lấy quả. Ví dụ phun chất đậu quả cho cà chua khi cây ra hoa trong điều kiện thời tiết nhiệt độ ban đêm trên 220C.

 5. Một số lưu ý khác 

- Với những cây gieo trong vườn ươm, nếu thời tiết thuận lợi cho phép thì nên đưa cây con ra ruộng sản xuất sớm hơn so với vụ xuân hè để giảm thiểu sự tổn thương bộ rễ cho cây khi đánh, tỉa, cây sẽ ít bị “chột” sau khi cấy chuyển. Ví dụ, với cây dưa, nên đưa ra ruộng sản xuất khi cây mới nhú lá thật đầu tiên.

 - Cần phun thuốc phòng bệnh cho rau màu hè thu sau mỗi đợt mưa kéo dài hay mưa to để ngăn chặn vi khuẩn và nấm có trong đất trồng tấn công gây hại rau màu. Các loại thuốc phun phòng bệnh nên sử dụng các loại thuốc gốc đồng. Không nên sử dụng các loại thuốc kháng sinh đặc trị bệnh để phun phòng vì làm như vậy sẽ tăng thêm tính kháng thuốc của vi sinh vật.

 - Mùa hè thời tiết nắng nóng kèm theo mưa to sẽ thúc đẩy cho một số loại nấm chuyên tính như thán thư, lở cổ rễ, chết rũ, nứt thân chảy nhựa… gây hại cây rau màu. Nông dân cần chú ý thăm đồng thường xuyên để sớm phát hiện bệnh hại và phun trừ kịp thời.

 - Khi cây rau đã bị bệnh, cần hạn chế tưới nước và tuyệt đối không bón đạm cho cây lúc này, vì sẽ càng làm tăng thêm mức trầm trọng của bệnh. Sử dụng các loại thuốc kháng sinh đặc trị để trừ bệnh ngay khi bệnh chớm xuất hiện. Nếu bệnh nặng, cần nhổ bỏ và tiêu hủy các cây bị bệnh nặng ra khỏi đồng ruộng để hạn chế lây lan. 

- Cần theo dõi thường xuyên dự báo thời tiết của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương và địa phương để có những biện pháp ứng phó kịp thời với những bất lợi của thời tiết xảy ra.

 Nguồn: khuyennongvn.gov.vn