Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 45546
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học kỹ thuật và công nghệ

Nồng độ CO2 trong khí quyển tăng kỷ lục trong 800.000 năm qua (06/11/2017)

Lần cuối cùng Trái Đất có nồng độ CO2 tương đương mức "đỉnh" của năm 2016 là cách đây khoảng 3 - 5 triệu năm.

Theo Mirror, Tổ chức Thời tiết của Liên Hiệp Quốc vừa phát đi cảnh báo, nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển có tốc độ tăng kỷ lục trong năm 2016 - cao nhất trong 800.000 năm qua. Cụ thể, nồng độ CO2 trong khí quyển trung bình năm 2016 là 403,3 phần triệu (ppm), tăng so với mức 400 ppm của năm 2015.


Tốc độ tăng nồng độ CO2 trong khí quyển trong năm 2016 là cao kỷ lục so với 800.000 năm qua.

(Ảnh: Raplh Lee Hopkins). 

Lần cuối cùng Trái Đất có nồng độ CO2 tương đương mức "đỉnh" của năm 2016 là cách đây khoảng 3 - 5 triệu năm, khi nhiệt độ ấm hơn 2 - 3 độ C và mực nước biển cao hơn hiện nay 10 - 20m. Chỉ tính trong 70 năm qua, tỉ lệ tăng CO2 trong khí quyển đã cao gấp gần 100 lần so với thời kỳ cuối cùng của kỷ nguyên băng hà, WMO cho biết.

Từ năm 1990 đến nay, nhiệt độ trung bình trên toàn cầu đã nóng lên 40% do hiệu ứng khí nhà kính. Trong đó, chỉ tính riêng từ năm 2015 đến năm 2016 thì con số này đã chiếm 2,5%. Sự gia tăng dân số, phá rừng, công nghiệp hóa và sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch,... được cho là những nguyên nhân chính góp phần gây ra những hậu quả nói trên.

Erik Solheim, người đứng đầu Tổ chức Môi trường của Liên Hiệp Quốc nói: "Những con số này không biết nói dối. Chúng ta vẫn đang thải khí thải quá nhiều, và điều này cần phải được giải quyết. Trong vài năm gần đây, chúng ta đã sử dụng nhiều năng lượng tái tạo nhưng bây giờ, chúng ta phải tăng gấp đôi, gấp ba nỗ lực ấy".

"Chúng ta có rất nhiều giải pháp để giải quyết thách thức này. Trước mắt, những gì chúng ta cần làm là ý chí chính trị trên toàn cầu và phải cảm nhận được sự sốt sắng thật sự", Erik Solheim nói thêm.


Nồng độ CO2 tăng lên sẽ đi kèm hệ lụy là nhiệt độ Trái Đất tăng theo. (Ảnh: Gretty).

Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo, cần phải nhanh chóng cắt giảm CO2 và các khí nhà kính khác để tránh "sự gia tăng nhiệt độ đến mức nguy hiểm" mà có thể sẽ vượt giới hạn đã đề ra tới năm 2100. "Các thế hệ tương lai sẽ kế thừa một hành tinh khắc nghiệt hơn nhiều", Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nói.

"CO2 trong khí quyển vẫn còn trong khí quyển và trong các đại dương hàng trăm năm, thậm chí còn lâu hơn nữa. Trên lý thuyết, chúng ta sẽ phải đối mặt với một khí hậu nóng hơn và khắc nghiệt hơn trong tương lai", ông Petteri Taalas nói thêm.

Nguồn: Khoahoc.tv