Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 17778 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Tin KH & CN trong nước
Phát hiện thực vật họ Thu hải đường ở Quảng Trị (25/11/2024)
Sau 6 tháng tìm kiếm, các nhà khoa học phát hiện thực vật Thu hải đường hoa thưa tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.
Thông tin được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho biết chiều 18/11. Loài thực vật họ Thu hải đường (Begoniaceae), có tên Thu hải đường hoa thưa (Begonia laxiflora) do các nhà khoa học từ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (IEBR), Viện Điều tra, Quy hoạch rừng và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đakrông, tỉnh Quảng Trị phát hiện. Đây là kết quả của đợt điều tra bổ sung danh mục thực vật, các loài nguy cấp, quý hiếm tại khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông thực hiện từ tháng 12/2023 đến tháng 6/2024 với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).
Thu hải đường hoa thưa phát hiện tại Quảng Trị. Ảnh: Nhóm dự án cung cấp
Thu hải đường hoa thưa (Begonia laxiflora) được phát hiện mọc trên các sườn dốc đá granite ven suối. Loài này được phân biệt với các loài Thu hải đường khác bởi các cụm hoa dài và quả nang không lông. Loài thực vật mới này được cho là đặc hữu của Việt Nam, bổ sung quan trọng vào đa dạng sinh học phong phú của dãy núi Trường Sơn.
Ông Trương Quang Trung, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đakrông, tỉnh Quảng Trị chia sẻ việc phát hiện loài thực vật mới trong Khu Bảo tồn là minh chứng cho cam kết lâu dài về việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học tại khu vực. Khu bảo tồn quyết tâm bảo vệ các loài thực vật quý hiếm và hệ sinh thái độc đáo của Việt Nam, đóng góp vào việc duy trì di sản thiên nhiên cho các thế hệ mai sau.
Ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học, do tổ chức WWF thực hiện, kỳ vọng phát hiện nhiều loài thực vật và động vật mới tại dãy Trường Sơn trong những năm tới và tiếp tục tăng cường bảo vệ những khu vực rừng này.
Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông (Quảng Trị) được thành lập từ năm 2002 với tổng diện tích tự nhiên là 37.640 ha. Tại đây có 597 loài thực vật, 45 loài động vật, trong đó có 4 loài thú, 4 loài chim đặc hữu duy nhất có ở Việt Nam. Khu vực này là nơi giao lưu của các loài thực vật Bắc Nam và khu vực Đông Dương. Đây cũng chính là nơi ghi nhận về sự có mặt của loài gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), có giá trị bảo tồn cao và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều loại động thực vật ở đây có tên trong sách đỏ Việt Nam như Sao la, Mang Trường Sơn, Chà vá chân nâu, Voọc, Lim xanh... Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông với đặc trưng sinh thái lá rộng, thường xanh trên đất thấp và được tổ chức Bảo tồn chim thế giới xếp vào vùng chim quan trọng./.
Gia Chính
Ngày cập nhật: 18/11/2024
https://vnexpress.net/phat-hien-thuc-vat-ho-thu-hai-duong-o-quang-tri-4817439.html
- Việt Nam lần đầu thí điểm công nghệ xử lý rác không phát thải (25/12/2024)
- Học sinh làm robot cào muối (09/12/2024)
- Tiến sĩ Việt theo đuổi con đường bào chế thuốc thông minh (12/11/2024)
- Tạo cơ chế thu hút nguồn lực cho nghiên cứu, phát triển (30/10/2024)
- Hơn 50 triệu tài liệu tái hiện chặng đường khoa học công nghệ (15/10/2024)