Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 23529
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Phòng bệnh cho cá giống (21/05/2024)

Trong quá trình ương nuôi, cá giống dễ nhiễm các bệnh như ký sinh trùng, vi khuẩn, nấm ... Do đó, người nuôi cần thực hiện tốt chế độ chăm sóc, cũng như có biện pháp quản lý địch hại để nâng cao tỷ lệ sống cho cá.

Nguyên nhân

Điều kiện ao: Do giai đoạn chuẩn bị, không cải tạo, xử lý ao ương, nguồn nước ao ương kỹ. Không bón vôi, hoặc bón không đúng loại vôi, bón không đủ liều, không phơi nắng sau bón vôi đủ thời gian theo kỹ thuật khuyến cáo...

Môi trường: Trong quá trình nuôi, môi trường thường xuyên biến động, tảo phát triển dày, làm pH biến động lớn giữa sáng, chiều, tối. Tảo nở hoa, suy tàn, lắng xuống đáy, tích lũy hữu cơ. Dẫn đến hình thành quá trình phân hủy hữu cơ, sinh khí độc như NH3,NO2, H2S... gây độc cho cá.

Chất lượng nước kém: Nguồn nước có vai trò quan trọng trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là đối với quá trình ương cá giống, nguồn nước phải đảm bảo được nhiều điều kiện khác nhau để hỗ trợ cá sinh trưởng và phát triển tốt. Vì vậy, nếu nguồn nước cấp cho ao ương cá có chứa chất độc hại đối với cá hoặc trong quá trình nuôi, chất lượng nước kém cũng là nguyên nhân khiến cá bị bệnh.

Thức ăn: Người nuôi lựa chọn thức ăn kém chất lượng, hoặc không gây đủ lượng thức ăn tự nhiên cho cá sẽ làm cho cá yếu, dễ bị mầm bệnh tấn công.

Phòng bệnh

Thực hiện đúng quy trình cải tạo ao nuôi. Nguồn nước lấy vào ao phải sạch. Ao quang đãng, xung quanh ao không có cây cối rậm rạp. Nước lấy vào ao ương phải qua túi lọc, lưới lọc, chắn cá tạp, địch hại, ngăn không cho vào ao ương. Sau khi lấy nước vào ao được 2 ngày, tiến hành sử dụng các sản phẩm diệt virus, vi khuẩn, nấm...có trong nguồn nước trước khi thả giống.

Cá giống còn nhỏ, sức đề kháng yếu nên dễ nhiễm bệnh. Ảnh: ST

Chọn cá giống khỏe mạnh, không bị xây xát, không dị hình. Để chọn mua giống có chất lượng, sạch bệnh nên đến các cơ sở sản xuất và cung ứng có uy tín nhiều năm, có điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật, địa chỉ rõ ràng không mua giống trôi nổi và phải được các cơ quan chức năng kiểm dịch, chứng nhận đảm bảo chất lượng.

Không thả cá quá nhỏ, không nên nuôi cá với mật độ quá dày.

Cá trước khi thả được tắm qua nước muối ăn (NACL) nồng độ 3% hoặc lodine 2ppm (2ml/m3 nước) trong vòng 5-10 phút để đề phòng dịch bệnh và giúp các vết thương do đánh bắt, vận chuyển mau lành.

Nên vận chuyển cá giống vào lúc thời tiết mát như buổi sáng, chiều mát hoặc ban đêm (đối với mùa hè) nhằm hạn chế tối đa quá trình hoạt động của cá. Vì vậy, sẽ giảm được quá trình tiêu hao lượng oxy hòa tan của cá trong nước khi vận chuyển. Trong điều kiện thời tiết vụ thu đông có thể vận chuyển cá giống vào ban ngày. Lưu ý, phải dùng nước sạch khi vận chuyển cá giống.

Cần “luyện cá” từ 1 - 2 ngày, tức là cho cá nhịn đói để hạn chế tối đa chất thải khi vận chuyển.

Khi nhốt cá trong bồn hoặc túi vận chuyển phải có máy sục khí hoặc tạo dòng nước chảy nhẹ bằng máy bơm tránh hiện tượng cá chết ngạt do thiếu oxy.

Có 2 phương pháp vận chuyển cá giống, đó là vận chuyển kín và chuyển hở. Tùy theo từng loại cá, kích thước cá, phương tiện vận chuyển mà người nuôi cá chọn phương pháp vận chuyển cho phù hợp nhằm giảm tỷ lệ chết của cá.

Thời vụ thả cá tốt nhất là tháng 3 - 4 hằng năm. Khi thả cá nên ngâm túi nilon đựng cá trong vào trong ao khoảng 15 - 20 phút để cá quen với môi trường, tránh hện tượng bị sốc. Sau đó, mở một đầu túi cho nước chảy từ từ vào, để cá tự bơi ra. Nếu có điều kiện, nên quây lưới mắt nhỏ vào một góc ao, thả cá giống vào đó, chăm sóc khoảng 20 - 30 ngày để cá quen dần với môi trường sống mới. Làm như vậy, tỷ lệ sống của cá sẽ cao hơn.

Mật độ ương 500 - 1.500 con/m2, tùy loài cá, điều kiện ao ương, trang thiết bị hỗ trợ, trình độ kỹ thuật, đảm bảo không gian đủ rộng cho cá con phát triển.

Thức ăn cho cá nên bổ sung vitamin tổng hợp, beta glucan, khoáng chất...

Trong quá trình ương nuôi, dùng vôi CaCO3, CaO, Zeolite, Yucca, vi sinh... điều tiết màu nước, giảm mật độ tảo, diệt tảo độc, giảm khí độc, làm sạch đáy ao ương.

Nếu cá có hiện tượng phân đàn, cần chủ động lọc cỡ, để cá phát triển đồng đều hơn.

Cho cá ăn vừa đủ, tránh cho ăn dư thừa, gây ô nhiễm nước. Theo dõi hoạt động bơi lội, di chuyển, đớp móng, ăn mồi...

Định kỳ hàng tuần, bắt cá, kiểm tra mang, vảy, nội quan...

Trong suốt quá trình ương nuôi cần theo dõi, quản lý các thông số môi trường nước của ao nuôi như nhiệt độ, pH, hàm lượng oxy hòa tan... được ổn định và nằm trong ngưỡng thích hợp. Định kỳ sử dụng các chế phẩm sinh học diệt khuẩn nấm và ký sinh trùng, giảm mầm bệnh hiện diện trong ao.

Thái Thuận

Ngày cập nhật: 20/5/2024

https://thuysanvietnam.com.vn/phong-benh-cho-ca-giong/