Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 30025
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Phòng, trị bệnh sưng phù đầu ở lợn (17/04/2019)

Bệnh thường xảy ra khi thời tiết thay đổi thất thường, làm giảm sức đề kháng của lợn, tỷ lệ tử vong cao.

1. Nguyên nhân

Do vi khuẩn Escherichia coli gây ra... Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng nhiều đạm, ít chất xơ, thay đổi thức ăn đột ngột, lợn ăn quá nhiều... là những yếu tố tạo điều kiện cho bệnh xảy ra.

2. Đặc điểm dịch tễ

Bệnh xảy ra chủ yếu trên lợn sau cai sữa, nhưng cũng có thể xảy ra ở lợn lớn hơn, khoảng 2 - 3 tháng tuổi. Lợn bị bệnh thường là những lợn to nhất đàn, ăn khỏe. Những lợn này, ngay sau khi cai sữa, do đói và ham ăn, chúng thường ăn rất nhiều, vượt quá khả năng tiêu hóa của đường ruột, dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn E. coli có sẵn trong đường ruột, phát triển mạnh, tiết ngoại độc tố verotoxin xâm nhập vào máu, lên não gây phù và triệu chứng thần kinh.

3. Triệu chứng

- Thể tối cấp tính: Bệnh diễn biến rất nhanh, lợn có hội chứng thần kinh như đi lảo đảo, co giật, rên la rồi lăn ra chết đột ngột. Đặc biệt, lợn bệnh chỉ tăng nhiệt độ so với lợn khỏe khoảng 0,50C (40 - 40,50C). Ở thể này, lợn bị chết 100% trong thời gian bị bệnh từ một đến hai ngày.

- Thể cấp tính: Lợn thể hiện rõ hội chứng phù thũng như: Sưng mọng hai mí mắt, làm cho mắt luôn nhắm nghiền, hầu sưng thũng; Hai bên má lợn xuống đến cổ cũng đều phù thũng; Da lợn vàng bủng và niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu. Lợn thường chết sau hai đến năm ngày sau khi phát bệnh, tỷ lệ chết khoảng 60 - 70%.

4. Bệnh tích

Lợn chết nhanh nên ít giảm khối lượng, tích nước dưới da, tím ở ngực, máu đặc và sẫm màu. Dạ dày, ruột chứa đầy thức ăn không tiêu, thành ruột xuất huyết nặng. Viêm màng phổi và viêm phổi nặng; Gan, lách sưng tụ huyết, xuất huyết; Hạch ruột, hạch bẹn, mí mắt, lỗ tai, mặt, thanh quản thủy thũng.

5. Phòng bệnh

- Luôn giữ chuồng trại, máng ăn, máng uống sạch sẽ, khô ráo; Thức ăn, nước uống hợp vệ sinh, nhằm giảm khả năng vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể lợn. Thường xuyên sát trùng và tẩy uế chuồng trại bằng hóa chất Benkocid, Iodine hoặc vôi bột...

-Tập cho lợn ăn sớm vào tuần thứ hai bằng thức ăn dễ tiêu hóa.

- Tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho lợn con bằng các thuốc trợ sức, trợ lực, men vi sinh… Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất. Không thay đổi đột ngột thức ăn.

- Khi cai sữa, nên giữ lợn con ở lại chuồng và chuyển lợn mẹ sang chuồng khác. Trong khẩu phần ăn của lợn, luôn có hàm lượng thức ăn thô xanh 25 - 40%, không nên cho lợn ăn quá nhiều tinh bột, chất đạm.

- Phòng bệnh bằng cách trộn kháng sinh vào thức ăn hoặc nước uống khi chuyển mục đích nuôi, thay đổi chuồng trại hoặc khi mới nhập lợn về... Sử dụng một trong các loại kháng sinh sau: Amoxgen: 2 - 2,5 g/10 kg trọng lượng/ngày; Norfacoli: 1 g/5 - 7 kg trọng lượng/ngày. Thực hiện 3 ngày liên tục.

- Sử dụng vaccine phòng bệnh giúp tạo miễn dịch đầy đủ.

6. Trị bệnh

- Vi khuẩn E.Coli sinh ngoại độc tố nhiễm vào máu nên việc điều trị kém hiệu quả. Do đó, cần theo dõi và phát hiện bệnh sớm. Khi trong đàn thấy một số con ốm (có biểu hiện triệu chứng lâm sàng) thì cần tách ngay ra khỏi đàn.

- Ngừng cho ăn thức ăn giàu tinh bột. Cùng đó, cần tăng khẩu phần thức ăn rau xanh, chất xơ, có thể trộn thêm kháng sinh vào thức ăn. Đảm bảo chuồng trại luôn khô ráo, ấm áp.

- Tiến hành tiêm cho toàn đàn lợn chưa có dấu hiệu lâm sàng và những con đang ốm: Kháng thể Ecoli tiêm 1 lần/ngày, trong vòng 2 - 3 ngày. Sau đó, tiêm kháng sinh Genorfcoli: 2 mg/10 kg trọng lượng, tiêm bắp thịt. Kết hợp tiêm bổ sung thuốc bổ trợ: điện giải, Vitamin C, B-Complex.

Nguồn: Tạp chí Người chăn nuôi