Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 63212 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học và sản xuất
Phòng trừ ruồi vàng hại quả (19/05/2014)
Ruồi hại quả là đối tượng gây hại rất nguy hiểm đối với sản xuất nông nghiệp nước ta. Ruồi gây rụng quả hàng loạt hoặc ảnh hưởng đến chất lượng quả.
Ruồi hại quả có ở tất cả các vùng và gây hại trên hầu hết các loại cây ăn quả và rau ăn quả có ở nước ta, đặc biệt trên các cây cam, nhãn, vải, mận, roi, ổi, hồng xiêm,…hay rau ăn quả như bí xanh, dưa, cà, mướp, mướp đắng,…
1. Đặc điểm sinh học ruồi hại quả:
- Ruồi trưởng thành to hơn ruồi nhà, có màu vàng, cánh trong, khi đậu 2 cánh giang ngang vuông góc với thân. Thời kỳ quả gần chín ruồi tập trung nhiều dưới tán lá, đậu trên mặt quả, dùng ống đẻ trứng chích sâu vào trong thịt quả đẻ trứng. Ruồi có thể sống từ 20 - 40 ngày.
- Ruồi cái đẻ trứng từng ổ dưới lớp vỏ quả, mỗi ổ có từ 1- 40 trứng. Các vết chích để trứng bằng đầu kim hơi lõm xuống, sau 2 - 3 ngày có nâu sẫm dễ nhìn thấy bằng mắt thường. Trứng hình quả chuối màu trắng.
- Sâu non (dòi): Trứng nở thành dòi (đầu nhọn đít bằng) ăn phần thịt quả. Quả bị hại thối nhũn từng phần và thường bị rụng, khi bửa quả ra thấy dòi màu trắng đục. Thời gian sâu non khoảng 8-10 ngày, sau đó búng ra ngoài chui xuống đất để hoá nhộng. Quả cam rụng do ruồi
- Nhộng: Nằm dưới mặt đất ở độ sâu 2-3cm, có màu nâu. Thời gian nhộng từ 7-10 ngày, sau đó vũ hoá thành ruồi.
2. Biện pháp phòng trừ ruồi hại quả:
- Bao bọc quả: Dùng một số loại giấy tốt bao gói từng quả (không nên dùng túi nilon, đảm bảo cho quả bao vẫn hô hấp được). Thời gian bao bọc quả sau thời kỳ quả lớn.
- Biện pháp vệ sinh đồng ruộng: Thu nhặt và tiêu huỷ các quả thối, rụng bị ruồi hại, có tác dụng hạn chế lớn số lượng ruồi hại quả.
- Thu hoạch quả sớm: chọn thời điểm thích hợp nhất thu hoạch quả, không nên để quả quá chín trên cây, hạn chế tác hại của ruồi.
- Dùng bả:
+ Dùng Metyl Eugernol pha với 5% Nalet để làm bả diệt ruồi đực. Cách làm như sau: Dùng một mảnh vải nhỏ (chiều rộng 2cm, chiều dài 10cm) nhúng hỗn hợp thuốc đã pha theo tỷ lệ nói trên, treo vào các cành nhỏ dưới tán cây. Phía trên bả cần che mảnh nilon khoảng 15cm x 15cm để tránh mưa. Mùi này giống mùi con cái tiết ra để dẫn dụ ruồi đực đến giao phối nên khi chúng kéo đến sà vào bả bị ngộ độc chết hàng loạt do thuốc Nalet. Trứng do ruồi cái đẻ ra không thể thụ tinh thì không nở ra sâu non. Mỗi héc ta treo 4-5 bả, cách 1 tuần thay bả một lần. Cần treo bả ngay từ đầu vụ đến sau khi đã thu hoạch xong một tháng nhằm hạn chế sự phát triển của ruồi cho những năm sau.
+ Phun hỗn hợp bằng bả Ento-Pro 150DD và Sofri protein 10DD:
Cách pha: Pha 100 ml Ento-pro + 0,1g (thuốc) Rigell 800 WG + 0,8 đến 1lít nước.
Cách phun:
Đối với cây ăn quả: Mỗi cây phun 1 điểm, mỗi điểm phun 1m2 dưới tán lá cách mặt đất 1,5 - 2 m.
Đối với rau ăn quả: cách một luống phun 1 luống khoảng cách điểm phun từ 4-5 m.
Lượng phun: 50 ml hỗn hợp/điểm, phun trước thu hoạch rộ 1,5 - 2 tháng đến thu hoạch xong, phun định kỳ 5- 7 ngày/lần, mỗi vụ quả phun 6-10 lần.
Thời gian phun tốt nhất là từ 8-10 giờ sáng, tránh phun vào những ngày mưa chế phẩm sẽ không có tác dụng hấp dẫn và diệt ruồi.
Chú ý: không nên phun trực tiếp lên quả và nên phun đồng loạt với diện tích lớn nhiều hộ sản xuất cùng tham gia.
Giai đoạn phun chế phẩm cho các loại rau quả: Đối với mướp, mướp đắng, bầu bí: nên phun ngay sau khi hoa thụ phấn; với thanh long, ổi, mận, roi: phun 20 ngày sau đậu quả; với nhãn, xoài, cam quýt: phun 2 tháng sau khi đậu quả.
+ Dùng thuốc dẫn dụ “Vizubon-D”: Trong hộp thuốc có 2 chai, khi sử dụng mở nắp 2 chai (đổ hết chai thuốc diệt ruồi vào chai chất dẫn dụ, đậy nắp kín, lắc đều). Sau đó dùng vải tẩm 1-2ml hỗn hợp thuốc đã trộn, treo lên cây, treo từ 2-3 bẫy cho 1.000m2, cứ 7 -10 ngày tẩm lại thuốc một lần, treo bẫy cách mặt đất từ 1,5 – 2 m ở chỗ râm mát, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào bẫy làm giảm hiệu lực của thuốc (cách làm bẫy như nêu ở trên).
Nguồn: Cục Bảo vệ thực vật
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh (09/12/2024)
- Phòng bệnh ký sinh trùng trên cá bớp (25/11/2024)
- Tôm bị mềm vỏ sau mưa: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả (12/11/2024)
- Môi trường mang thai của heo nái hậu bị ảnh hưởng tới sự phát triển trí não ở heo (30/10/2024)
- Bệnh lưỡi xanh: Cơ chế lây truyền và các biện pháp phòng ngừa (15/10/2024)
- Một số kỹ thuật úm gà con (01/10/2024)