Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 33427 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học và sản xuất
Phòng trừ sâu cắn lá ngô (26/11/2015)
Qua nghiên cứu các nhà chuyên môn cho biết, có tới hai loài sâu cắn lá trên cây ngô, đó là: Sâu cắn lá nõn và sâu cắn gié. Chúng thường gây hại nhiều từ khi cây ngô có từ 4 - 6 lá cho đến khi cây sắp trỗ cờ.
Sau đây là một số đặc điểm của hai loài sâu này:
1. Sâu cắn lá nõn:
Con trưởng thành dài khoảng 14-18 mm, sải cánh rộng khoảng 25-30 mm, đầu mầu nâu tro. Cánh trước mầu nâu nhạt hoặc nâu vàng, hoạt động vào ban đêm, thích mùi chua ngọt. Mỗi con cái có thể đẻ vài trăm trứng, cá biệt trên 1.000 trứng.
Trứng hình bầu dục, mới đẻ mầu trắng sữa, sau chuyển sang mầu nâu. Sau khi đẻ khoảng một tuần lễ thì trứng nở.
Sâu non tuổi nhỏ cắn phá các phần non như lá nõn, hoa đực (lúc chưa trỗ). Sâu non tuổi lớn gặm khuyết lá, ăn trụi cả phần thân non, chui vào bắp non ăn hạt.
Sâu non thường hoạt động vào ban đêm, ban ngày ẩn nấp trong lá nõn, bẹ lá... Sâu thường gây hại nhiều các vụ ngô đông xuân và xuân.
2. Sâu cắn gié:
Con trưởng thành dài khoảng 16-20 mm, sải cánh rộng khoảng 40-50 mm, thân mầu nâu tro hoặc nâu vàng nhạt, hoạt động vào ban đêm, thích mùi chua ngọt. Mỗi con cái có thể đẻ vài trăm trứng.
Trứng hình bánh bao, đường kính khoảng 0,5-0,7 mm. Lúc mới đẻ có mầu vàng tươi sáng, sau chuyển dần sang mầu vàng đậm, trước khi nở có mầu tím than.
Ban ngày sâu non ẩn nấp trong lá nõn, ban đêm bò ra cắn phá. Khi còn nhỏ sâu ăn khuyết lá, khi lớn sâu có thể ăn trụi cả lá chỉ để lại gân chính, khi cây ngô trỗ cờ phun râu, sâu gây hại cờ và râu ngô. Sâu thường gây hại nhiều vụ ngô đông xuân.
3. Để phòng trị sâu có kết quả, cần tiến hành một số biện pháp sau:
- Tổ chức đốt đèn bắt sâu non vào ban đêm.
- Dùng bẫy bả chua ngọt thu hút con trưởng thành vào bẫy để tiêu diệt. Cách làm như sau:
Chuẩn bị bả chua ngọt: Dùng 4 phần mật (đường đen) trộn với 4 phần dấm, một phần rượu và một phần nước, khuấy kỹ để dung dịch này tan đều. Cho vào can nhựa, bình nhựa… đậy kín, chờ 3-4 ngày sau, khi thấy dung dịch bốc mùi chua ngọt, trộn thêm thuốc trừ sâu, với liều lượng cứ 100 phần dung dịch chua ngọt cho thêm một phần thuốc trừ sâu Gà nòi 95SP hoặc Padan 95SP.
Đặt bẫy bả: có hai cách:
+ Cách thứ nhất: Cho bả vào chậu sành, chậu nhựa..., mỗi chậu khoảng 0,25-0,5 lít. Dùng 3 cây que cắm chéo, cột trên đầu lại, tạo thành một cái giá treo chậu bả, chậu bả treo ở độ cao cách mặt tán lá ngô khoảng 0,5 m, nơi đầu gió. Mỗi ha đặt 7-10 chậu, mỗi tuần thay bả mới một lần. Ban ngày nhớ đậy nắp chậu đựng bả lại, ban đêm mới mở nắp.
+ Cách thứ hai: Lấy một đoạn gốc rạ dài 40-50 cm, bó một đầu lại thành từng bó lớn cỡ một chẹn tay (một đầu xòe ra), mỗi bó cắm trên một cọc tre dài khoảng 12 m. Nhúng bó rạ vào dung dịch bả chua ngọt, rồi cắm trên ruộng ngô. Mỗi ha cắm khoảng 10-15 bó. Cứ 3-5 ngày nhúng lại bó rạ vào dung dịch bả một lần.
- Thường xuyên kiểm tra ruộng ngô để phát hiện sớm khi sâu vừa mới nở và phun xịt thuốc kịp thời. Về thuốc, có thể sử dụng một trong các lọai thuốc trừ sâu như: Vifast 5ND; SecSaigon 50EC; Vi-BT 16000WP; Biocin 16WP; Cardan 95SP; Cyperan10EC…/.
Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Hà Nội
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh (09/12/2024)
- Phòng bệnh ký sinh trùng trên cá bớp (25/11/2024)
- Tôm bị mềm vỏ sau mưa: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả (12/11/2024)
- Môi trường mang thai của heo nái hậu bị ảnh hưởng tới sự phát triển trí não ở heo (30/10/2024)
- Bệnh lưỡi xanh: Cơ chế lây truyền và các biện pháp phòng ngừa (15/10/2024)
- Một số kỹ thuật úm gà con (01/10/2024)