Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 9726
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể “Trứng vịt Chấn Hưng” cho sản phẩm trứng vịt của huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng (08/09/2020)

Đây là tên nhiệm vụ KH&CN do Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng chủ trì thực hiện từ tháng 10/2018 đến tháng 9/2020, được Hội đồng KH&CN tư vấn, đánh giá, nghiệm thu tại Sở KH&CN chiều 07/9/2020. PGS.TS Đan Đức Hiệp - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố là Chủ tịch Hội đồng.

Trứng vịt Chấn Hưng được dán nhãn và tiêu thụ qua kênh phân phối.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Trứng vịt Chấn Hưng”, Ban Chủ nhiệm nhiệm vụ xây dựng mô hình quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu; tổ chức vận hành mô hình; phát triển sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể theo chuỗi giá trị; từ đó đánh giá hoàn thiện mô hình và đề xuất giải pháp triển khai.

Theo báo cáo, sản xuất trứng vịt là sinh kế chính của 8/22 xã của huyện Tiên Lãng. Mặc dù “Trứng vịt Chấn Hưng” được xác lập quyền bảo hộ nhãn hiệu từ tháng 11/2015, Hội Nông dân huyện Tiên Lãng là chủ sở hữu nhãn hiệu, 200 tổ chức/cá nhân thành viên ghi danh sử dụng nhãn hiệu với sản phẩm đăng ký là trứng vịt tươi, nhưng nhãn hiệu chưa được đưa vào khai thác, sử dụng. Với thị trường tiêu thụ cạnh tranh cao, việc quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu là điều cần thiết nhằm nâng cao danh tiếng, giá trị và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nhóm tác giả dự án đã thực hiện xây dựng mô hình quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu với các nhiệm vụ quản lý: chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm mang nhãn hiệu, thực hiện quy định kỹ thuật sản xuất sản phẩm, sử dụng nhãn hiệu của các tổ chức cá nhân. Quản lý nhãn hiệu và chất lượng sản phẩm được phân theo 3 cấp: quản lý cơ sở, quản lý nội bộ, quản lý bên ngoài trên cơ sở sử dụng hệ thống các công cụ quản lý (tiêu chuẩn cơ sở của sản phẩm; quy định mẫu nhãn hiệu; hệ thống nhận diện thương hiệu; quy định kỹ thuật sản xuất sản phẩm; quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu; quy trình cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu; quy định kiểm soát nhãn hiệu; hệ thống sổ sách theo dõi quá trình sản xuất và sử dụng nhãn hiệu; sổ tay sử dụng nhãn hiệu; hệ thống truy xuất nguồn gốc QR-code đã được xây dựng, thống nhất với các chủ thể có liên quan và ban hành để phục vụ việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu).

Sau khi xây dựng mô hình, nhóm tác giả dự án triển khai vận hành mô hình với các hoạt động: tăng cường năng lực quản lý và sử dụng nhãn hiệu; xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu; hỗ trợ thẩm định và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu; hỗ trợ kiểm soát nhãn hiệu và chất lượng sản phẩm; hỗ trợ xử lý thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu. Theo đó, nhiệm vụ đã tổ chức 18 lớp tập huấn cho các đối tượng hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, cán bộ quản lý của UBND các xã trong khu vực địa lý, cán bộ của Hội Nông dân huyện và xã về nâng cao năng lực sản xuất an toàn, năng lực phát triển thị trường, thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến, quản lý và sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu tập thể, xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu; tổ chức các hội nghị phổ biến, tập huấn về xây dựng hồ sơ đăng ký sử dụng nhãn hiệu, hỗ trợ thẩm định hồ sơ đăng ký sử dụng nhãn hiệu theo quy trình. Với 15 hồ sơ đăng ký, Chủ sở hữu nhãn hiệu tiến hành các hoạt động thẩm định và quyết định cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho 3 chủ đơn vị gồm: Hợp tác xã kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Chiêu Viên; Trang trại sản xuất trứng vịt Vũ Văn Long; Cơ sở sản xuất và kinh doanh trứng vịt Bùi Thanh Sang. Kết quả kiểm soát nhãn hiệu và chất lượng sản phẩm tại 3 cơ sở được cấp phép sử dụng nhãn hiệu cho thấy: tỷ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ sở “Trứng vịt Chấn Hưng” có thể sử dụng nhãn hiệu đạt 60-94% khối lượng sản phẩm; tỷ lệ sản phẩm sử dụng nhãn hiệu để thương mại hóa đạt từ 8-45% khối lượng sản phẩm. Trong đó, hình thức tổ chức sản xuất gắn với kinh doanh sản phẩm có tỷ lệ sản phẩm sử dụng nhãn hiệu cao nhất 45% tại cơ sở sản xuất và kinh doanh trứng vịt Bùi Thanh Sang. Trong quá trình vận hành mô hình, không có trường hợp nào bị thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu. Từ kết quả trên, Ban chủ nhiệm dự án đã xây dựng 01 hướng dẫn chung về kiểm soát nhãn hiệu “Trứng vịt Chấn Hưng” để áp dụng và mở rộng.

Nhằm tạo dựng hình ảnh sản phẩm “Trứng vịt Chấn Hưng” đối với người tiêu dùng và chinh phục người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, nhóm tác giả tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm mang nhãn hiệu theo chuỗi giá trị với việc: thiết kế và sản xuất các công cụ quảng bá sản phẩm, xây dựng phương án phát triển thị trường cho sản phẩm mang nhãn hiệu, xác định và thử nghiệm các kênh phân phối, theo dõi và đánh giá các kênh phân phối, xây dựng kế hoạch phát triển thị trường và liên kết theo chuỗi giá trị. Với hàng loạt các hoạt động này, 3 cơ sở được cấp phép sử dụng nhãn hiệu đã ký hợp đồng với công ty tiêu thụ, mở các cửa hàng tiêu thụ sản phẩm, phát triển kênh phân phối bán hàng online tại thị trường Hải Phòng, Hà Nội, Hạ Long với giá bán trứng vịt tại một số nơi tăng 200 đồng/quả. Điều này khẳng định thành công mà dự án mang lại.

Nhằm hoàn thiện và phát triển dự án sau nghiệm thu, Hội đồng KH&CN đề nghị Ban Chủ nhiệm bổ sung, chỉnh sửa một số thông tin về căn cứ pháp lý; bổ sung yếu tố lịch sử, truyền thống (sự kiện, câu chuyện văn hóa, lịch sử, sự tích) vào tài liệu quảng bá, tiếp thị; bổ sung kiến nghị đăng ký; bổ sung nhãn hiệu tập thể cho trứng vịt lộn và trứng muối; đưa riêng quy trình kiểm soát chung cho cả 3 cấp độ kiểm soát bên ngoài, nội bộ và cơ sở…

An Nhiên