Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 7392 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học kỹ thuật và công nghệ
Quốc tế huy động 15,5 tỷ USD giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng (11/08/2023)
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+).
Việt Nam là nước thứ ba, sau Nam Phi và Indonesia thông qua Tuyên bố JETP với các nước trong và ngoài Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Thực hiện tuyên bố này, các đối tác cam kết huy động số tiền ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3-5 năm tới để giải quyết nhu cầu chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.
Thông tin trên vừa được công bố tại Hội thảo tham vấn về dự thảo “Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP), do Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức, diễn ra chiều 11/8, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho hay Tuyên bố JETP là nỗ lực chung của Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Đan Mạch và Na Uy, sau hơn một năm đàm phán.
Thông qua JETP, Việt Nam mong muốn sẽ tạo ra khuôn khổ hợp tác các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng; thu hút đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nâng cấp hạ tầng lưới điện.
Cùng với đó, Việt Nam cũng phát triển trung tâm năng lượng tái tạo và hình thành ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; thúc đẩy lưu trữ và sử dụng cácbon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện gió ngoài khơi.
Hướng tới một nền kinh tế xanh, cácbon thấp. (Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+).
Tham gia tuyên bố, các đối tác cam kết huy động số tiền ban để giải quyết nhu cầu chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam, trong đó có 7,75 tỷ USD do Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại.
Ngoài ra, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế.
Số tiền cho giai đoạn tiếp theo có thể cao hơn nếu Việt Nam sử dụng tốt các khoản huy động ban đầu và đáp ứng các điều kiện của các đối tác quốc tế và các định tế tài chính quốc tế.
“Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP ở Việt Nam,” ông Thành nhấn mạnh.
Về phía đối tác, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam - bà Ramla Khalidi khẳng định thành công của Việt Nam trong việc vạch ra lộ trình rõ ràng hướng tới một nền kinh tế xanh, cácbon thấp và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu không chỉ là điều cấp thiết đối với sự thịnh vượng của Việt Nam, mà còn là trường hợp thử nghiệm để chứng minh hiệu quả của hành động chung toàn cầu.
Trong vài tháng qua, UNDP đã hỗ trợ chuẩn bị Đề án JETP của Việt Nam và bản thảo số 0 của kế hoạch huy động nguồn lực.
“Chúng tôi rất mong sẽ nhận được hướng dẫn, đầu vào và ý kiến đóng góp từ các cơ quan Chính phủ liên quan, các thành viên IPG và các đối tác để lập ra được một kế hoạch toàn diện và khả thi để thực hiện trong 3-5 năm tới,” bà nói.
Theo bà Ramla Khalidi, thành công của quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ phụ thuộc vào khả năng huy động đủ nguồn tài chính. (Ảnh: Vietnam+).
Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cũng nhấn mạnh thành công của quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ phụ thuộc vào khả năng huy động đủ nguồn tài chính.
Theo bà Ramla Khalidi, việc huy động ban đầu đối với nguồn tài chính 15,5 tỷ USD của các thành viên IPG và GFANZ rất đáng khích lệ, song đây mới chỉ là một phần nhỏ trong nhu cầu chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Bởi, riêng các khoản đầu tư cần thiết để phát triển năng lượng đến năm 2030 đã cần nguồn vốn 135 tỷ USD.
“Vì thế, để xúc tác và mở khóa các nguồn lực, cải cách chính sách, giảm rủi ro và tài chính đổi mới sáng tạo sẽ giữ vai trò sống còn. Bước tiếp theo là cần thành lập và vận hành các Nhóm Công tác kỹ thuật tại các bộ chủ chốt, nhằm xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động của họ trong 3-5 năm tới,” bà Ramla Khalidi nói.
Về phía UNDP, bà Ramla Khalidi cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với tất cả các bộ chủ chốt của Chính phủ, các đồng chủ tịch và thành viên của IPG, GFANZ, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ để đảm bảo thực hiện thành công JETP./.
Hùng Võ (Vietnam+)
Ngày cập nhật: 11/8/2023
https://www.vietnamplus.vn/quoc-te-huy-dong-155-ty-usd-giup-viet-nam-chuyen-doi-nang-luong/888567.vnp
- Trung Quốc phát triển radar laser có thể 'mò kim dưới biển' (16/12/2024)
- Bơm nhiệt CO2 lớn nhất thế giới có thể sưởi cho 25.000 hộ (09/12/2024)
- Neuralink thử nghiệm điều khiển cánh tay robot bằng ý nghĩ (02/12/2024)
- Trung Quốc khởi động cỗ máy siêu trọng lực mạnh nhất thế giới (25/11/2024)
- Nhà máy năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới (18/11/2024)
- Xe điện mặt trời có thể chạy 1.600 km (12/11/2024)