Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 42785 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học và sản xuất
Quy trình thâm canh mạ dược trong vụ mùa (15/06/2016)
Kinh nghiệm lưu truyền từ xa xưa “tốt giống tốt má, tốt mạ tốt lúa” của nhà nông đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Để có ruộng lúa tốt, ngoài tiền đề là giống tốt, phải có mạ tốt, kết hợp với một số kỹ thuật canh tác khác...
Ruộng mạ được coi là tốt, các cây mạ phải khỏe, sạch bệnh, có 1 - 2 nhánh con (mạ ngạnh trê) và không quá tuổi. Để đạt được các yêu cầu này, nhà nông cần thâm canh mạ theo quy trình dưới đây:
1. Chọn giống tốt
- Nên chọn mua các giống đã gieo cấy đạt năng suất, chất lượng tốt tại địa phương và phụ cận.
- Kiểm tra để tránh mua phải lô hạt giống nhiễm sâu bệnh, mối mọt, tỷ lệ nảy mầm thấp.
- Mạ dược thâm canh cần gieo thưa. Lượng giống đưa vào ngâm ủ từ 17 - 20kg gieo/ 1 sào (360m2) sẽ đủ cấy 1,2 - 1,5 mẫu lúa.
2. Ngâm ủ
- Trước khi đưa giống vào ngâm ủ, cần thử tỷ lệ nảy mầm đạt trên 90% là được. Đổ hạt giống vào dung dịch nước muối tỷ trọng 1,13 (hòa tan 2,3kg muối với 10 lít trong nước sạch, thả quả trứng gà thấy nổi 1/4 là được), hớt bỏ hạt lửng lép, giữ lại toàn bộ số hạt chìm. Vớt thóc để ráo, đưa vào ngâm trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh) để diệt trừ nấm bệnh.
- Với các giống lúa thuần: Nếu là giống cách vụ, ngâm hạt giống trong nước sạch 24 – 30 giờ, sau 12 - 15h vớt giống đãi chua, thay nước. Nếu là giống liền vụ, ngâm giống 40 - 48 giờ, cách 10 - 12 giờ vớt đãi chua giống và thay nước 1 lần.
- Các giống lúa lai: Giống chuyển vụ ngâm nước 12 - 16 giờ, cách 3 - 4 giờ thay nước, đãi chua 1 lần. Giống quá vụ ngâm nước 6 - 8 giờ, cách 3 - 4 giờ thay nước đãi chua 1 lần.
* Kiểm hạt giống no nước:
- Nhìn qua vỏ trấu, phân biệt được rõ nội nhũ, phôi nhũ và ngoài vỏ trấu thấy mép hạt thóc hơi sưng lên là đạt yêu cầu. Nếu giống chưa no nước phải tiếp tục ngâm cho đến khi giống hút no nước.
- Khi lúa giống đã ngâm đủ thời gian và no nước, vớt ra đãi chua chuyển sang các vật dụng chứa đựng bằng tre (thúng, rá) hoặc bao dứa mỏng không tráng nilon rồi che đậy nhẹ. Thời gian ủ thúc mầm từ 24 - 30 giờ (giống lúa thuần), 12 - 16 giờ (giống lúa lai), giống nảy mầm chiều dài bằng ½ hạt thóc thì đem đi gieo.
3. Dược mạ
- Chọn các chân ruộng cao, đất cát pha, thịt nhẹ, tưới tiêu chủ động. Gieo cấy vụ mùa nên có ruộng chuyên mạ. Đất cần ruộng cày lồng ngâm ngả kỹ nhuyễn trước gieo mạ 10 - 15 ngày, kết hợp bón lót 300 - 500kg phân chuồng hoai + 12 - 15kg lân supe.
- Khi gieo mạ bừa đan phẳng lại ruộng, chờ cho nước trong, rút kiệt, vét rãnh, lên luống rộng 1,2 - 1,5m, dài hết ruộng, dùng đòn ống trang cho mặt luống phẳng dốc về 2 bên rãnh luống, rồi tiến hành gieo mạ.
4. Gieo mạ
- Cần theo dõi dự báo thời tiết, để tránh gieo mạ vào ngày trời có mưa.
- Mạ gieo cần ném ngửa tay, tránh hạt giống bị chìm quá sâu trong bùn.
- Chia lượng giống làm 2 - 3 phần, để gieo đi gieo lại 2 - 3 lần cho hạt giống phân bố đều trên mặt luống.
5. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho mạ
- Ngay sau gieo nếu gặp trời mưa, cần dẫn nước ngập sâu 2cm ruộng mạ để chống mưa trôi.
- Phun thuốc trừ cỏ Sofit 300 ND hoặc Meco 60 EC... khi mạ “mũi chông”.
- Tưới dưỡng nước láng mặt ruộng khi mạ 1 lá thật.
- Bón thúc 2 lần/ 1 sào: Lần 1 (mạ 2,5 lá) bón 3kg đạm urê + 2kg kali clorua. Lần 2 (mạ 4 - 4,5 lá) bón 4kg đạm urê + 2 - 3kg kali clorua.
- Phun Regent 800 WP + Penalty Gold 50EC trước nhổ cấy 15 - 20 ngày, để phòng sâu đục thân và rầy các loại.
- Bón tiễn chân 1,5 - 2kg đạm urê/sào, trước nhổ cấy 2 - 3 ngày để rễ mạ ăn lên, nhổ mạ được dễ dàng hơn.
6. Nhổ mạ cấy và kỹ thuật cấy
- Nhổ mạ: Nhổ đi cấy khi cây mạ đạt 5 - 5,5 lá. Do mạ thâm canh gieo thưa, nên người nhổ phải cúi gập mình dùng 2 tay vơ túm 3 - 5 cây mạ một lần. Trong đó, tay trái vơ túm ngang thân cây, tay phải nắm sát gốc, kéo miết sát mặt ruộng giật nhổ mạnh túm mạ ra khỏi mặt ruộng, đập nhẹ gốc mạ vào lòng bàn chân hoặc đòn ống, gom buộc từng bó, đưa sang ruộng cấy.
- Thời vụ cấy: Cấy lúa kịp thời vụ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn địa phương.
- Kỹ thuật cấy: Mạ nhổ đến đâu cấy ngay đến đó, tránh để mạ qua đêm, cấy nông tay, mỗi khóm cấy 2 - 3 dảnh, mật độ 30 - 40 cây/ m2.
* Khuyến cáo: Chỉ thâm canh mạ dược để cấy cho các chân ruộng thấp, vàn thấp, khó tiêu úng kịp thời khi gặp mưa lớn kéo dài. Các chân ruộng cao, ruộng vàn chủ động tưới tiêu tốt, nên gieo thẳng hoặc cấy bằng mạ gieo trên sân, mạ dầy xúc.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh (09/12/2024)
- Phòng bệnh ký sinh trùng trên cá bớp (25/11/2024)
- Tôm bị mềm vỏ sau mưa: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả (12/11/2024)
- Môi trường mang thai của heo nái hậu bị ảnh hưởng tới sự phát triển trí não ở heo (30/10/2024)
- Bệnh lưỡi xanh: Cơ chế lây truyền và các biện pháp phòng ngừa (15/10/2024)
- Một số kỹ thuật úm gà con (01/10/2024)