Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 14179
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Sử dụng chế phẩm sinh học nuôi lợn và xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp (12/09/2014)

Mô hình ứng dụng chế phẩm EM trong chăn nuôi lợn và chế phẩm Emic xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp thành mùn hữu cơ do UBND xã Hữu Bằng (huyện Kiến Thụy) triển khai được đánh giá là mang lại hiệu quả tốt, có khả năng nhân rộng. Đây là dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới thành phố Hải Phòng đến năm 2020.

Tập huấn cho các hộ dân trong vùng dự án

Trong quá trình triển khai dự án, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng KH&CN (nay là Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN) đã chuyển giao công nghệ và các chế phẩm sinh học cho UBND xã và 8 hộ dân tham gia mô hình ứng dụng.

8 hộ dân nuôi tổng số 300 lợn giống F2 (3/4 máu ngoại) sử dụng chế phẩm EM. Đây là chế phẩm tập hợp các vi sinh vật hữu hiệu, giúp tăng sức đề kháng, kích thích khả năng sinh sản của vật nuôi, diệt vi sinh vật có hại, hạn chế ô nhiễm chuồng trại. Chế phẩm EM sau khi được pha chế được phun định kỳ 3 ngày/lần. Nhờ đó, mức tăng trọng bình quân của lợn khi xuất bán đạt 0,6 kg/con/ngày. Mô hình thu được lợi nhuận trên 255 triệu đồng, cao hơn mô hình nuôi đại trà (190 triệu đồng) trong cùng thời gian.

Cũng trong khuôn khổ dự án trên, UBND xã đã xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm Emic xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp thành mùn hữu cơ. 20 kg chế phẩm đã được sử dụng để xử lý 50 tấn rơm rạ sau thu hoạch. Sau 30 ngày, rơm rạ được phân hủy hoàn toàn. Tổng lượng phân mùn hữu cơ thu được là 20,25 tấn. Lượng phân mùn này được đóng bao, bảo quản và dùng để sử dụng cho vụ mùa 2014.

Đại diện UBND xã Hữu Bằng cho biết, với chế phẩm Emic, rơm rạ thành mùn hữu cơ giúp cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng. Chế phẩm EM trong chăn nuôi lợn giúp tăng thu nhập cho các hộ chăn nuôi, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, lợi ích lớn nhất mà dự án mang lại là hiệu quả về môi trường. Nếu được nhân rộng, dự án có thể giải quyết được tình trạng đốt rơm rạ bừa bãi và cải thiện môi trường chăn nuôi, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Thu Nga