Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 2701 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học và đời sống
Thiền chánh niệm và liệu pháp nhận thức hành vi làm giảm căng thẳng tốt hơn các ứng dụng trên điện thoại thông minh (25/07/2025)
Mức độ căng thẳng mà người dân tại nhiều quốc gia, đặc biệt là khu vực đô thị, phải đối mặt đã tăng lên đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Điều này dẫn đến sự phát triển của hàng loạt công cụ công nghệ nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần và giảm căng thẳng cho người dùng.
Các ứng dụng điện thoại thông minh được thiết kế để giảm lo âu, suy nghĩ tiêu cực, tăng cường sự hiện diện trong hiện tại và hỗ trợ thay đổi lối sống tích cực có thể mang lại nhiều lợi ích. Với tính dễ tiếp cận và chi phí thấp hơn so với liệu pháp tâm lý trực tiếp, các chương trình tự hỗ trợ quản lý căng thẳng trên nền tảng di động đang ngày càng được ưa chuộng.
Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của các ứng dụng này trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Phần lớn các nghiên cứu trước đây chỉ đánh giá một hoặc vài ứng dụng riêng lẻ, chưa có sự so sánh rộng rãi giữa nhiều loại hình khác nhau.
Nhằm khắc phục, các nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh đã thực hiện một nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp các tài liệu khoa học đánh giá hiệu quả của các ứng dụng di động trong quản lý căng thẳng. Kết quả nghiên cứu, công bố trên tạp chí Nature Human Behaviour, làm rõ những loại hình can thiệp tự hỗ trợ nào mang lại hiệu quả rõ rệt nhất trong việc giảm căng thẳng.
Nhóm nghiên cứu cho biết: “Trước thực trạng căng thẳng ngày càng phổ biến, nhu cầu về các can thiệp sức khỏe tâm thần trên thiết bị di động, có thể tự thực hiện ngày càng tăng, song hiệu quả và khả năng tiếp cận của chúng vẫn chưa rõ ràng”. “Chúng tôi đã rà soát hàng loạt công trình khoa học đăng trên các cơ sở dữ liệu lớn như PsycINFO, PubMed, Web of Science, MEDLINE, Embase, CINAHL, Scopus và PsycARTICLES cho đến ngày 20/11/2023. Tổng cộng có 63 nghiên cứu với 20.454 người tham gia đủ điều kiện, trong đó 68,18% là nữ và độ tuổi trung bình là 39,14 tuổi”.
Các nghiên cứu được lựa chọn là thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (RCT), đánh giá các can thiệp tâm lý tự thực hiện trên Internet nhằm giảm căng thẳng ở người trưởng thành khỏe mạnh hoặc sức khỏe ở mức tối ưu. Nhóm nghiên cứu kết hợp ý kiến chuyên gia với trí tuệ nhân tạo ngôn ngữ lớn (LLM) để xây dựng mô hình ba chiều, bao gồm nền tảng lý thuyết, mức độ hỗ trợ của con người và công nghệ di động. Các loại can thiệp được mã hóa độc lập bởi các tác giả và ChatGPT.
Sau khi đánh giá chất lượng các nghiên cứu bằng công cụ Cochrane Risk of Bias 2.0, nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích tổng hợp bằng kỹ thuật thống kê Bayes, cho phép so sánh hiệu quả giữa các loại hình ứng dụng khác nhau và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả can thiệp.
Kết quả phân loại và so sánh 19 loại hình can thiệp quản lý căng thẳng trên thiết bị di động, đồng thời xác định những yếu tố điều tiết chính có thể tối ưu hóa hiệu quả. Các tác giả nói rằng: “Các chương trình quản lý căng thẳng, liệu pháp giải quyết vấn đề (PST) và thực hành thiền chánh niệm nằm trong nhóm có hiệu quả cao nhất. Không có bằng chứng rõ ràng cho thấy yếu tố hỗ trợ từ con người hoặc công nghệ di động có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả can thiệp”.
Kết quả nghiên cứu cho thấy một số ứng dụng di động có thể hữu ích trong giảm căng thẳng, đặc biệt đối với những người không có nhu cầu chăm sóc tâm thần khẩn cấp hoặc không đủ điều kiện tiếp cận các dịch vụ điều trị chuyên sâu.
Những ứng dụng dựa trên liệu pháp nhận thức hành vi nhánh giải quyết vấn đề, chương trình quản lý căng thẳng và thiền chánh niệm tỏ ra hiệu quả nhất. Kết quả này không chỉ có thể thúc đẩy việc phát triển các ứng dụng mới hỗ trợ sức khỏe tinh thần, mà còn góp phần cải tiến các ứng dụng hiện có bằng cách tích hợp các yếu tố can thiệp hiệu quả hơn./.
Đ.T.V (NASTIS), theo https://medicalxpress.com/, 7/2025
Ngày cập nhật: 06/07/2025
https://www.vista.gov.vn/vi/news/khoa-hoc-doi-song/thien-chanh-niem-va-lieu-phap-nhan-thuc-hanh-vi-lam-giam-cang-thang-tot-hon-cac-ung-dung-tren-dien-thoai-thong-minh-11562.html
- Người trẻ từng mắc ung thư chịu gánh nặng tâm lý lâu dài (08/07/2025)
- Sự im lặng: Vũ khí bí mật để tăng cường sức mạnh não bộ (23/06/2025)
- Đổi mới phương thức giáo dục phổ thông, ứng dụng AI trong môn khoa học xã hội (12/06/2025)
- Giấc ngủ chất lượng bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng (27/05/2025)
- Protein bảo vệ thúc đẩy tái mọc tóc ở người trưởng thành (12/05/2025)