Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 50058
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học kỹ thuật và công nghệ

Ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng (29/09/2023)

Ngày 29/9, trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (Techconnect and Innovation Viet Nam 2023), Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn Công nghệ và năng lượng năm 2023.

Diễn đàn Công nghệ và năng lượng năm 2023 trong trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 - Ảnh: VGP/HG.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc chuyển dịch năng lượng, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính là quá trình căn bản hướng tới tăng trưởng xanh, đây được coi là xu thế tất yếu.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung chỉ đạo chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", phát huy nội lực, ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường.

Đến nay, ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã phát triển theo hướng bền vững hơn, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP tăng dần từ 9,8% năm 2020 lên 11,5% năm 2022. Công nghiệp khai khoáng và phát triển năng lượng của tỉnh Quảng Ninh không chỉ bảo đảm nhu cầu năng lượng trên địa bàn tỉnh nói riêng mà còn đóng góp quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia nói chung và duy trì đà tăng trưởng của tỉnh 2 con số trong 7 năm liên tiếp từ năm 2016 đến nay.

Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế.

Đồng thời phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường; tiếp tục duy trì là một trung tâm năng lượng của quốc gia (một trong những trung tâm điện gió, điện khí LNG của miền Bắc), chuyển dần sang phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Không mở rộng các nhà máy nhiệt điện than; đầu tư nâng cao hiệu suất các nhà máy hiện tại, bảo vệ môi trường...

Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh mong muốn được trao đổi, chia sẻ, tiếp thu các kinh nghiệm, các giải pháp hiệu quả, thiết thực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững; các giải pháp tích trữ, tiết kiệm năng lượng; kinh nghiệm ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng như năng lượng gió, sinh khối, địa nhiệt, đại dương, nhiên liệu sinh học... góp phần triển khai thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, xây dựng một xã hội sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, thân thiện môi trường..

Tại diễn đàn, các ý kiến của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia đã làm rõ bức tranh tổng quan về chính sách, các chương trình hỗ trợ hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm, phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh góp phần thực hiện các mục tiêu cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Nhiều giải pháp công nghệ, mô hình sản xuất mới nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng được các doanh nghiệp gợi mở.

Ông Nguyễn Tiến Tài, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KH&CN) cho hay, Bộ KH&CN đã có chương trình, chính sách phát triển công nghệ năng lượng như phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ nghiên cứu. Hay với lĩnh vực năng lượng nguyên tử, Thủ tướng cũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Với định hướng cho các chính sách phát triển KHCN trong lĩnh vực năng lượng, ông Nguyễn Tiến Tài nhấn mạnh việc phát triển các công nghệ mới, năng lượng tái tạo, xả carbon thấp. Thứ hai là phải hạn chế nhập khẩu công nghệ lạc hậu, loại bỏ các thiết bị có hiệu suất thấp.

Ông Nguyễn Tiến Tài cho biết, hiện nay có 2 luật là Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Công nghệ cao đã tạo hành lang pháp lý để phát triển công nghệ cao, các công nghệ có dây chuyền thiết bị hiện đại. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển....

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam cho rằng, Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng và đã thâm nhập vào sân chơi quốc tế, trở thành điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư. Chính phủ cũng có kết hoạch ứng dụng công nghệ vào bảo đảm an ninh năng lượng. Đây là những cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp thích nghi, tận dụng và phát triển. 

Đối với cơ quan Nhà nước, ông Nguyễn Đình Trọng đề xuất đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Tại Việt Nam, hiện nay công tác này vẫn còn nhiều khó khăn về chính sách; hạn chế về đầu tư khả năng nghiên cứu, công nghiệp phụ trợ.

Ông Nguyễn Đình Trọng kiến nghị Nhà nước thành lập các đơn vị hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận các công nghệ mới cùng với đó là chính sách "táo bạo" để tạo nên cú hích mạnh hơn.

Sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 diễn ra trong 2 ngày 29-30/9 với chủ đề "Đổi mới sáng tạo - Phát triển bền vững" tại Quảng Ninh. 

Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế theo hướng bền vững, thu hút nguồn lực cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua phát triền nguồn cung - cầu công nghệ; xúc tiến thị trường công nghệ và đổi mới sáng tạo quy mô vùng, quốc gia và quốc tế; hình thành và phát triển mạng lưới kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo; kết nối doanh nghiệp với thị trường, đối tác trong nước và quốc tế…

Hoàng Giang

Ngày cập nhật: 29/9/2023

https://baochinhphu.vn/ung-dung-cac-cong-nghe-moi-tien-tien-trong-linh-vuc-nang-luong-102230929174543857.htm