Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 69942 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Tin KH & CN trong nước
Ứng dụng chuyển đổi xanh và công nghệ số trong tăng trưởng kinh tế (24/03/2023)
Ngày 17/3, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) lần thứ 3 năm 2023, với chủ đề "Đột phá mới cho miền Trung-Tây Nguyên: Chuyển đổi kép xanh và công nghệ số trong chiến lược tăng trưởng kinh tế bền vững."
Diễn đàn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, cùng hơn 300 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương khu vực miền Trung-Tây Nguyên, đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế…
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đánh giá cao và biểu dương các địa phương, doanh nghiệp khu vực miền Trung-Tây Nguyên xây dựng, ban hành và thực hiện các chiến lược, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, tích cực tìm kiếm các mô hình phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, đề cao đổi mới sáng tạo.
Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn mong muốn có sự đồng hành, hỗ trợ và hợp tác hiệu quả của các quốc gia, các tổ chức quốc tế cũng như của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước trong quá trình thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là ưu tiên và xu thế phát triển vượt trội trong tương lai của các quốc gia. Tại Việt Nam, việc chuyển mình từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu dựa trên các loại nhiên liệu sinh khối truyền thống, sang nền kinh tế hỗn hợp hiện đại đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng nhanh, kéo theo các thách thức về bảo đảm an ninh năng lượng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu...
Để giải quyết những vấn đề này, Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai nhiều chính sách, hành động nhằm hướng tới mục tiêu trong giai đoạn 10 năm tới là "phát triển nhanh và bền vững," đồng thời phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biển đổi khí hậu.
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn nhiều dư địa để phát triển, với những thế mạnh về địa lý, khí hậu lý tưởng cho việc phát triển các loại năng lượng xanh, là điểm đến đầu tư hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Miền Trung và Tây Nguyên có đường biển dài, khí hậu nhiệt đới, có lượng nhiệt mặt trời tương đối lớn là ưu điểm để các địa phương trong khu vực xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng xanh, đóng góp hết sức thiết thực và hiệu quả vào định hướng phát triển nền kinh tế của khu vực cũng như của Việt Nam trong tương lai.
Theo bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc Danh mục dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đã đến lúc khu vực miền Trung-Tây Nguyên phải thay đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải, khử carbon. Để xuất khẩu nông sản duy trì tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, cần ứng dụng nền nông nghiệp phát thải thấp; ngành du lịch cần được tiếp cận với năng lượng tái tạo và quản lý chất thải rắn bền vững, để tiếp tục thu hút khách du lịch có ý thức bảo vệ môi trường...
Bên cạnh đó, phải đảm bảo rằng các ngành sản xuất, công nghiệp có thể tiếp cận các nguồn năng lượng tái tạo, không xả thải và sản phẩm có thể được xuất khẩu thông qua chuỗi hậu cần carbon thấp…
Bà Stefanie Stallmeister khẳng định WB luôn mong muốn hỗ trợ khu vực miền Trung của Việt Nam trên con đường phát triển những năm tiếp theo. Tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng và ưu tiên cao nhất của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Các ngành, các cấp, các địa phương và đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp ở các khu vực kinh tế (nhà nước, tư nhân, FDI, doanh nghiệp Việt Nam) đã nỗ lực tiếp cận các xu hướng mới của thế giới, các mô hình sản xuất, kinh doanh tiên tiến, ứng dụng công nghệ số, từng bước thay thế các phương thức vận hành truyền thống, giảm thiểu tối đa mức độ tác động tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của con người.
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đạt trung bình khoảng 38%/năm. Năm 2022, giá trị kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 23 tỷ USD.
Những kết quả trên đã đưa Việt Nam trở thành nước có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh thứ hai thế giới (sau Ấn Độ) và tốc độ phát triển thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo dự báo của Google và Temasek, giá trị kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD vào năm 2025 và 120-200 tỷ USD vào năm 2030.
Diễn đàn đã tập trung đề cập và bàn thảo về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi xanh và công nghệ số, xu hướng và các mô hình, giải pháp đang triển khai trên thế giới, đánh giá cơ hội và khả năng ứng dụng vào thực tiễn tại Việt Nam; các bài toán thực tiễn đang đặt ra tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên./.
Quốc Dũng (TTXVN/Vietnam+)
- Học sinh làm robot cào muối (09/12/2024)
- Phát hiện thực vật họ Thu hải đường ở Quảng Trị (25/11/2024)
- Tiến sĩ Việt theo đuổi con đường bào chế thuốc thông minh (12/11/2024)
- Tạo cơ chế thu hút nguồn lực cho nghiên cứu, phát triển (30/10/2024)
- Hơn 50 triệu tài liệu tái hiện chặng đường khoa học công nghệ (15/10/2024)
- Hà Nội dẫn đầu về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương 2023 (13/03/2024)