Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 46348 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Vai trò, giá trị của tôn giáo trong xây dựng khối đạ đoàn kết dân tộc (11/12/2024)
Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, vì vậy vấn đề đoàn kết tôn giáo và đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội và tác động mạnh mẽ đến tiến trình cách mạng, ổn định xã hội và phát triển đất nước. Giải quyết vấn đề này không chỉ là thực hiện đoàn kết giữa đồng bào có đạo và không có đạo, mà còn cần thực hiện đoàn kết trong nội bộ các tôn giáo, đoàn kết giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Lịch sử cho thấy, mặc dù các tôn giáo ở Việt Nam có nguồn gốc và đặc trưng khác nhau, nhưng luôn có sự gắn kết, dung hợp và giao lưu giữa các tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là cơ sở để mỗi người dân dễ hòa hợp với nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, tập hợp lại thành một khối đại đoàn kết dân tộc. Ở nhiều địa phương, trong cùng một làng, xã, tín đồ của tôn giáo này sống đan xen với tín đồ của tôn giáo khác hoặc với những người không theo tôn giáo, họ sống gắn bó nhau trên nền tảng làng, xóm, dòng họ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tôn giáo ở nước ta đã kết thành một khối gắn kết trong cộng đồng các dân tộc, hết lòng đóng góp sức người, sức của trong công cuộc xây dựng, kiến thiết và phát triển đất nước hiện nay.
Ảnh minh hoạ.
Tuy nhiên trong quá khứ và hiện nay, sự đoàn kết tôn giáo, định hướng hoạt động của các tổ chức tôn giáo vào khối đại đoàn kết dân tộc ngoài những thành công tích cực nhờ sự chỉ đạo của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh, một số thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết tôn giáo với tôn giáo, đoàn kết tôn giáo với đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam. Trên thực tế, việc thực hiện khối đại đoàn kết dân tộc không phải không có trở ngại. Điều này đặt ra vấn đề là phải có một bộ tài liệu có mang tính toàn diện về vấn đề này nhằm hỗ trợ các cơ quan truyền thông, báo chí, thông tin tuyên truyền chính xác và hiệu quả về chính sách đoàn kết tôn giáo ở Việt Nam, qua đó nhằm phát huy hiệu quả nhất chính sách của Đảng và Nhà nước ta về phát huy giá trị, vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, hạn chế những hiểu biết sai lệch về đoàn kết tôn giáo, làm cho các tôn giáo ngày càng gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Với mục đích trên Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã triển khai nhiệm vụ “Vai trò, giá trị của tôn giáo trong xây dựng khối đạ đoàn kết dân tộc” do TS Ngô Quốc Đông làm chủ nhiệm thuộc nhiệm vụ 2 “Xây dựng, lựa chọn chủ đề, biên soạn tài liệu phục vụ hoạt động thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo” của Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo năm 2023.
Tôn giáo ở Việt Nam không chỉ đóng vai trò là một hệ thống tín điều và mang chức năng về mặt tinh thần, mà còn có tác động sâu sắc vào việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Tinh thần khoan dung đoàn kết giữa các tôn giáo và các thành phần cư dân khác nhau trong xã hội là những giá trị cốt lõi được nhiều tôn giáo truyền đạt cho nhiều tín đồ và thấm nhuần trong quá trình hình thành và phát triển tổ chức của mình. Trước hết, tôn giáo tại Việt Nam đã chấp nhận và tích hợp vào mình những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Điều này cho thấy tôn giáo không chỉ là một phần của đời sống tinh thần mà còn là một bộ phận không thể tách rời của đời sống xã hội. Tôn giáo không chỉ đơn thuần là một tập hợp các giáo lý và lễ nghi, mà còn là nơi lưu trữ và truyền đạt những giá trị về lòng yêu nước và tình cảm gắn bó với dân tộc, các giá trị luân lý cho đời sống cá nhân và cộng đồng. Đồng thời, trong quá khứ, nhiều tín đồ chức sắc các tôn giáo ở Việt Nam đã tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Những giáo phái khác nhau có thể có cách tiếp cận khác nhau, nhưng tất cả đều hướng về mục tiêu chung là tạo ra sự đoàn kết, từ đó tạo sức mạnh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Việc này không chỉ giúp tôn giáo đóng vai trò tích cực trong lịch sử đấu tranh của Việt Nam mà còn làm tăng cường lòng tự hào và nhận thức về tinh thần quốc gia dân tộc. Nhờ vào việc duy trì và truyền dạy những giáo lý thích hợp, tôn giáo giúp tạo nên một sự đồng thuận trong cộng đồng và làm cho mọi người có thể chung sống hòa mình gắn bó với nhau. Tóm lại, tôn giáo ở Việt Nam không chỉ là một phương tiện tâm linh, mà còn là một động lực mạnh mẽ đằng sau sự đoàn kết dân tộc và sự phát triển xã hội. Tinh thần yêu nước và gắn bó với dân tộc là những giá trị tôn giáo đã hỗ trợ xây dựng và củng cố lòng đoàn kết trong cộng đồng, làm cho tôn giáo trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong hình thành và phát triển của Việt Nam.
Việc phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng mối đoàn kết giữa các tôn giáo, giữa tôn giáo với nhà nước, tôn giáo với người không tôn luôn trên thực tế không phải lúc nào cũng thuận lợi. Một mặt, các tôn giáo tại Việt Nam phải không ngừng tìm tòi trong kinh điển và giáo lý riêng để định hướng tiến trình hội nhập phù hợp nhất vào văn hóa, xã hội và cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, đối mặt với thách thức của xã hội hiện đại, đặc biệt là quá trình hiện đại hóa và thế tục hóa, đã làm ảnh hưởng đến đời sống đức tin và thực hành của nhiều tôn giáo. Không chỉ đối diện với những thách thức từ bên trong, các tôn giáo còn phải đối mặt với việc lịch sử Việt Nam từ cận đại cho đến nay tôn giáo thường bị các thế lực thù địch lợi dụng và xuyên để tạo ra sự chia rẽ trong khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó, việc thực hiện đúng tinh thần tôn giáo để hội nhập vào lòng dân tộc là một quá trình luôn có những thử thách. Trong những giai đoạn khó khăn và thách thức, vai trò của chức sắc và người đứng đầu tôn giáo trở nên cực kỳ quan trọng. Họ đóng vai trò trong việc định hướng tín đồ tuân thủ pháp luật, gắn bó với các phong trào do Nhà nước và các đoàn thể chính trị xã hội phát động. Việc chức sắc chỉ dẫn định hướng tín đồ thực hiện đúng vai trò công dân và vai trò tôn giáo không chỉ làm cho cộng đồng tôn giáo đoàn kết mà còn giúp mỗi cá nhân, chức sắc và tổ chức tôn giáo phát triển kinh nghiệm, trở nên trưởng thành hơn trong việc xây dựng một vị thế tích cực và cần thiết trong cộng đồng xã hội.
Để phát huy vai trò của tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng từ cả Nhà nước và tổ chức tôn giáo. Trong bối cảnhngày nay, giải quyết mối quan hệ này không thể chỉ dựa vào các biện pháp cứng nhắc, đặc biệt là các giải pháp hành chính. Thay vào đó, cần tập trung vào cuộc vận động và xây dựng đường hướng để tôn giáo gắn bó mạnh mẽ với dân tộc. Các hoạt động vận động quần chúng, bao gồm vận động tín đồ và chức sắc, quản lý Nhà nước đối với hoạt động của giáo hội, thực hiện hoạt động đối ngoại về tôn giáo, kết hợp nghiên cứu lý luận và chỉ đạo hoạt động thực tiễn là những phương tiện quan trọng trong quá trình phát huy vai trò tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết. Điều này đặt ra trách nhiệm lớn cho hệ thống chính trị, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ với nhau, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong bối cảnh đất nước Việt Nam hiện nay, việc xác định và lựa chọn đường hướng đoàn kết gắn bó với các tôn giáo, với các nền văn hóa và với Nhà nước được các tôn giáo chú trọng. Nhờ vào nhận thức mới của Đảng và nỗ lực của Nhà nước và giáo hội, triển vọng về đóng góp của các tổ chức tôn giáo trong công cuộc phát triển xã hội ngày càng mở ra. Truyền thống khoan dung của người Việt, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, làm cho sự hợp tác giữa hai bên trở nên có ý nghĩa quan trọng và hữu ích trong việc gắn kết tôn trọng nhau và cùng hợp tác phát triển. Chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ngày ngày càng chứng minh đường đi đúng đắn trong quan điểm chỉ đạo và thực hiện công tác tôn giáo, trong đó có việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Chính sách này không chỉ dựa trên kinh nghiệm lịch sử dân tộc mà còn thể hiện sự linh hoạt và đổi mới. Việc đổi mới chính sách tôn giáo đã đem lại hiệu quả lớn trong việc củng cố khối đoàn kết dân tộc, giữ vững ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Điều này chứng tỏ nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc tìm kiếm giải pháp thích hợp và thích ứng với bối cảnh thời đại, để tôn giáo ngày càng trở thành một nguồn lực quan trọng và tích cực cho sự phát triển của đất nước.
Tuy có nhiều thuận lợi để tôn giáo tham gia tích cực vào xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc nhưng vẫn còn tồn tại những rào cản và tiềm ẩn những yếu tố có thể tác động tiêu cực đến việc này. Một số cán bộ, đặc biệt là ở địa phương, vẫn chưa đầy đủ nhận thức về vấn đề tôn giáo. Từ đó, có đánh giá về các tôn giáo Việt Nam thiếu sự khách quan và toàn diện. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến cách giải quyết vấn đề tôn giáo, tạo ra phản cảm trong chức sắc và tín đồ các tôn giáo đối với chính quyền cơ sở. Mặc dù trong những năm gần đây, Đảng đã có những đổi mới trong nhận thức về tôn giáo, đóng góp quan trọng vào thành tựu đổi mới của đất nước. Tuy nhiên, những điều kiện khách quan và chủ quan đã làm cho việc nhận thức về tôn giáo trong một số cán bộ, đảng viên không đầy đủ, từ đó có thể có những ứng xử làm ảnh hưởng đến việc tôn giáo tham gia vào xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Ngày nay, các tôn giáo ở Việt Nam mặc dù luôn có sự gắn bó với dân tộc và ủng hộ Chính phủ cũng như các chủ trương của Đảng tạo ra tư duy tích cực trong phát huy vai trò của mình trong kiến tạo sự đoàn kết, nhưng rõ ràng không tránh khỏi những thách thức. Các thế lực thù địch thường đối lập tôn giáo với chế độ xã hội chủ nghĩa, cố gắng tách rời các tôn giáo khỏi khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình cách mạng. Để đạt được mục tiêu này, họ sử dụng các thủ đoạn xuyên tạc chủ trương và chính sách của Đảng cũng như Nhà nước về tôn giáo. Họ thường bịa đặt và vu cáo về chính quyền phân biệt đối xử, đàn áp tôn giáo để kích động và chia rẽ trong nước, đồng thời hạ thấp uy tín quốc tế của Việt Nam. Những thế lực này thường coi các đối tượng cực đoan chống đối trong các tôn giáo là lực lượng nòng cốt để lôi kéo tập hợp quần chúng làm đối trọng với Đảng và Nhà nước. Đồng thời, họ hậu thuẫn cho các lực lượng này hoạt động chống phá đất nước và liên kết chặt chẽ với các cá nhân, tổ chức quốc tế không thiện chí để bịa đặt và xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Luận điệu này, lặp đi lặp lại với ý đồ chính trị xấu xa, không chỉ tạo khó khăn cho công tác tôn giáo mà còn tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng để gây chia rẽ đoàn kết dân tộc. Họ sử dụng các hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật để gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Họ còn thành lập các hội, nhóm mang danh tôn giáo, đạo lạ, nhằm gây mất đoàn kết dân tộc và đe dọa ổn định chính trị - xã hội. Đồng thời, họ thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mê tín, trục lợi, nhằm làm lệch chuẩn văn hóa vàđạo đức xã hội.
Kết quả của nhiệm vụ góp phần vào việc biên soạn một bộ tài liệu nhằm hỗ trợ thông tin tuyên truyền về vai trò, giá trị của tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam trong quá khứ và hiện nay là hết sức cần thiết, đáp ứng nhu cầu chính xác và chuẩn hoá các nguồn thông tin trên các kênh báo chí truyền thông, giúp mọi người hướng tới những nguồn thông tin chính thống đề độc giả và công chúng, nhất là đồng bào tôn giáo có thể tiếp cận rộng rãi.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ./.
- Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thử nghiệm thiết bị thông minh trong giữ phương tiện... (11/12/2024)
- Nghiên cứu chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao (10/12/2024)
- Nghiên cứu các giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ chiến lược biển Việt Nam (09/12/2024)
- Nghiên cứu đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất giải pháp thúc đẩy đề án phát... (06/12/2024)
- Nghiên cứu, xây dựng công nghệ trích xuất tự động thông tin bề mặt vùng ảnh hưởng... (06/12/2024)