Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 57412
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Virus SARS-CoV-2 có khả năng tấn công não bộ của bệnh nhân (15/09/2020)

Không chỉ gây tổn thương cho phổi sau khi xấm lấn cơ quan nội tạng này, virus SARS-CoV-2 có khả năng tấn công trực tiếp não bộ của người mắc COVID-19 khiến họ bị đau dầu, thậm chí hôn mê.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi đi tàu điện ngầm tại New Delhi, Ấn Độ.

Theo trang worldometers.info, tính đến 17h ngày 10/9 (theo giờ Việt Nam), thế giới có 28.052.222 ca nhiễm COVID-19, 908.475 ca tử vong, 20.120.404 ca phục hồi.

Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 6.549.771 ca nhiễm, 195.245 ca tử vong, 3.846.659 ca hồi phục. Tiếp theo đó là Ấn Độ, Brazil, Nga, Peru.

Virus SARS-CoV-2 có khả năng tấn công não bộ bệnh nhân

Không chỉ gây tổn thương cho phổi sau khi xấm lấn cơ quan nội tạng này, virus SARS-CoV-2 có khả năng tấn công trực tiếp não bộ của người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và đây được cho là nguyên nhân một số bệnh nhân COVID-19 bị đau đầu, có cảm giác choáng váng và thậm chí rơi vào tình trạng hôn mê.

Theo một nghiên cứu công bố ngày 9/9 do nhà nghiên cứu miễn dịch của trường Đại học Yale (Mỹ), ông Akiko Iwasaki làm chủ nhiệm, virus SARS-CoV-2 có khả năng tự nhân bản trong não bộ và sự hiện diện của nó tại đây gây ra tình trạng thiếu oxy cho các tế bào não.

Điều này, theo nghiên cứu, lý giải cho tình trạng đau đầu, choáng váng ở một số bệnh nhân COVID-19, song cho đến nay chưa có bất cứ bằng chứng xác thực nào.

Để làm rõ những lập luận được đưa ra, ông Iwasaki và các đồng sự đã quyết định tiếp cận vấn đề theo ba hướng nghiên cứu cho lây nhiễm virus SARS-CoV-2 với não nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, cho lây nhiễm virus ở chuột thí nghiệm và kiểm tra các mô não các ca tử vong do COVID-19.

Ở hướng nghiên cứu đầu tiên, nhóm đã phát hiện virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm tế bào thần kinh và sau đó xâm chiếm bộ máy điều khiển tế bào thần kinh để virus tự nhân bản. Những tế bào nhiễm virus sau đó tiêu diệt nguồn cung cấp oxy, qua đó dễ dàng giết chết các tế bào bao quanh.

Một trong yếu tố gây tranh cãi chính về khả năng virus SARS-CoV-2 trực tiếp xâm nhập não bộ của người mắc COVID-19, đó là não bộ là cơ quan thiếu mật độ protein ACE2 ở mức cao vốn có vai trò là "vật dẫn" để virus SARS-CoV-2 xâm nhập các tế bào bao quanh tế bào giống như phổi.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu khẳng định rằng cơ quan tế bào não tập trung đủ lượng ACE2 để tạo đường dẫn cho virus SARS-CoV xâm nhập và các protein này đều tồn tại ở các mô não của bệnh nhân tử vong.

Ở hướng nghiên cứu trên chuột nhiễm virus với nhóm một có virus ở phổi và nhóm hai có virus ở não, nhóm nghiên cứu phát hiện, nhóm một có tổn thương ở phổi, trong khi nhóm hai giảm dần cân nặng và nhanh chóng tử vong.

Thí nghiệm này cho thấy nguy cơ tử vong cao khi virus xâm nhập cơ quan não bộ.

Sau cùng, nhóm nghiên cứu kiểm tra não nộ của ba bệnh nhân tử vong vì các biến chứng liên quan đến COVID-19, phát hiện virus đều xuất hiện ở não bộ ở cả ba trường hợp với mức độ khác nhau.

Đánh giá về nghiên cứu trên, Chủ tịch Khoa thần kinh thuộc Đại học Canlifornia, Mỹ, ông S.Andrew Josephson cho rằng nghiên cứu này đáng được chú ý bởi việc phát hiện và làm rõ có hay không mối liên hệ trực tiếp giữa virus SARS-CoV-2 và não bộ là rất quan trọng. Ông cho biết ông sẽ tiếp tục lưu tâm đến nghiên cứu cho đến khi nó được đánh giá cụ thể.

Không có gì là bất ngờ nếu virus SARS-CoV-2 có khả năng chọc thủng "hàng phòng ngự" bảo vệ mạch máu não - một cấu trúc bao quanh mạch máu não và sau đó tìm cách ngăn chặn sự xâm nhập ngoại lai. Virus Zika là ví dụ điển hình có khả năng này và chúng có thể gây tổn thương lớn cho não bộ của thai nhi.

Tuy nhiên, cho đến nay, giới y bác sỹ tin rằng những ảnh hưởng về thần kinh ở một nửa số bệnh nhân COVID-19 có thể là do phản ứng miễn dịch bất thường khiến não bộ bị kích thích, hơn là nguyên nhân do virus trực tiếp xâm nhập.

Nhật Bản: Thủ đô Tokyo hạ mức cảnh báo

Chính quyền thành phố Tokyo của Nhật Bản đã quyết định hạ một bậc trong thang cảnh báo dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sau khi liên tục duy trì mức cảnh báo cao nhất trong hai tháng qua.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản.

Ngày 10/9, giới chức Nhật Bản cho biết quyết định này phù hợp với kết luận của hội đồng chuyên gia y tế đưa ra tại cuộc họp thường kỳ phân tích, đánh giá tình hình dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Tokyo cũng có kế hoạch từ ngày 15/9 dỡ bỏ lệnh cấm các quán rượu và karaoke mở cửa sau 22h. Dự kiến, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike sẽ công bố kế hoạch cụ thể trong cuộc họp báo cùng ngày.

Các số liệu mới nhất cho thấy, trong bảy ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 trung bình mỗi ngày tại Tokyo là 149 ca, giảm so với 183 ca ghi nhận hồi tuần trước. Là địa phương chịu tác động mạnh nhất trong số 47 tỉnh ở Nhật Bản, hiện Tokyo ghi nhận tổng cộng 22.444 ca mắc.

Các chuyên gia cho rằng tốc độ lây lan dịch bệnh đang có dấu hiệu giảm, tuy nhiên, vẫn cần phải đưa ra cảnh báo về nguy cơ dịch bùng phát mạnh trở lại.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng quyết định duy trì cảnh báo tăng cường hơn nữa hệ thống y tế tại Tokyo, do dịch COVID-19 dự báo sẽ tiếp tục đặt gánh nặng lên cơ sở y tế trong thời gian tới.

Thành phố lớn nhất Myanmar gia hạn lệnh ở nhà

Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 ở Myanmar chưa có dấu hiệu lắng dịu. Ngày 10/9, Myanmar đã siết chặt các biện pháp phong tỏa ở Yangon, thành phố lớn nhất nước này với khoảng 5 triệu dân, sau khi phát hiện thêm 120 ca bệnh trên cả nước, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Nhà chức trách Myanmar đã gia hạn lệnh ở nhà tại gần 50% số khu vực ở thành phố Yangon, nơi ghi nhận phần lớn số ca mắc mới. Tuy nhiên, các cơ quan chính phủ và nhà máy vẫn được phép mở cửa và người lao động được miễn trừ lệnh trên.

Hiện Myanmar có tổng cộng 2.009 ca mắc COVID-19, trong đó có 14 ca tử vong. Tỷ lệ lây nhiễm ở nước này hiện tăng gấp 4 lần so với thời điểm một tháng trước. Tình hình dịch diễn biến phức tạp buộc nhà chức trách phải ra lệnh đóng cửa trường học trên toàn quốc và tái áp đặt các hạn chế.

Pháp cân nhắc áp đặt phong tỏa

Tại Pháp, chính phủ nước này cũng đang cân nhắc khả năng tiến hành phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Vấn đề này dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc họp nội các ngày 10/9.

Nhân viên sắp xếp rau quả trong siêu thị tại Paris, Pháp.

Theo ông Jean-Francois Delfraissy - người đứng đầu hội đồng cố vấn chính phủ về dịch COVID-19, nhà chức trách đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở 20 thành phố lớn có nguy cơ cao, trong đó có Marseille, Bordeaux và vùng Paris.

Tại những khu vực này, chính phủ đang xem xét siết chặt các hạn chế đối với hoạt động tụ tập nơi công cộng.

Số liệu của giới chức y tế Pháp công bố cho thấy, trong ngày 9/9, nước này ghi nhận 8.577 ca mắc COVID-19, mức cao thứ hai kể từ khi bùng dịch. Hiện Pháp xác nhận hơn 344.000 ca bệnh và 30.700 ca tử vong./.

Nguồn: Lan Phương-Đức Thịnh-Phan An/vietnamplus.vn

Ngày cập nhật: 10/9/2020

https://www.vietnamplus.vn/virus-sarscov2-co-kha-nang-tan-cong-nao-bo-cua-benh-nhan/663340.vnp