Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 6056
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Xây dựng quy trình sản xuất lúa hữu cơ tại Hải Phòng (23/08/2019)

Sáng 22/8, tại Sở Khoa học và Công nghệ diễn ra hội nghị tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố: “Nghiên cứu hoàn thiện và xây dựng quy trình sản xuất lúa hữu cơ tại Hải Phòng” do Ths. Trần Minh Tiến - Trưởng Phòng Tư vấn khởi nghiệp, Trung tâm Khuyến nông làm chủ nhiệm đề tài. Chủ tịch Hội đồng khoa học, đồng chí Bùi Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì hội nghị.

TS. Trần Nam Trung - Viện trưởng Viện Sinh nông (Đại học Hải Phòng), thành viên Hội đồng khoa học phát biểu ý kiến phản biện tại hội nghị.

Để sản xuất lúa hữu cơ, nhóm tác giả lựa chọn địa điểm canh tác là vùng bãi bồi nước lợ ven sông Văn Úc thuộc xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy. Đây là vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với các loài thủy sản tự nhiên: tôm rảo, cá lác, cua, cáy… đặc biệt là rươi - đặc sản của Hải Phòng. Việc kết hợp trồng lúa hữu cơ với khai thác rươi là cách làm nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để thu hoạch rươi cho năng suất, cây lúa tuyệt đối không dùng hóa chất và phân bón vô cơ. Trong khi cây lúa tạo bùn bã thức ăn, che nắng, làm mát để con rươi phát triển, rươi lại tạo ra nền đất xốp giúp lúa trao đổi khoáng chất tốt hơn.

Kết quả, từ tháng 6/2017 đến tháng 6/2019, nhóm tác giả đã thực nghiệm trồng 02 vụ lúa J02, quy mô 05 ha tại xã Ngũ Phúc và đối chứng với sản xuất lúa đại trà, từ đó đề xuất quy trình sản xuất lúa hữu cơ phù hợp với điều kiện Hải Phòng, đáp ứng nguyên tắc sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia TCVN 11041-1:2015 và được IFOAM chứng nhận, gồm các bước: khảo sát lựa chọn địa điểm canh tác; xác định loại phân bón (phân gà ủ mục khối lượng 10-12 tấn/ha), phân bón lá Sumagrow (khối lượng 11.480ml/ha); mật độ canh tác tối ưu 25 khóm/m², cấy máy hoặc cấy hiệu ứng hàng biên; xác định sinh vật gây hại và biện pháp xử lý (chuột, ốc bươu vàng, sâu đục thân, rầy nâu, đạo ôn…).

Các công nhân tiến hành gieo mạ khay trong khuôn khổ nhiệm vụ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Thanh Tùng đánh giá cao kết quả nhiệm vụ đạt được, đề nghị nhóm tác giả bổ sung vào quy trình các tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia TCVN 11041-1:2017 hiện nay, đồng thời biểu dương nhóm tác giả đã triển khai thêm ngoài nhiệm vụ được giao 10 ha sản xuất khảo nghiệm 02 giống lúa đặc sản chất lượng cao, gồm: Tiến vua 01, Nếp 415. Mặc dù, năng suất lúa hữu cơ thấp hơn so với đại trà trung bình 2 tấn/ha nhưng với giá bán 13.500đ/kg cao hơn 6.000đ/kg đã đem lại giá trị kinh tế cao hơn 28% so với sản xuất đại trà. Quy trình sản xuất lúa hữu cơ hoàn toàn có thể áp dụng tại 1.028,2 ha vùng đất bãi bồi khai thác rươi hàng năm tại An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, mở ra một hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững.

Nguyễn Hoa Phong