Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5715
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Xây dựng quy trình sản xuất rau mầm trên giàn máy gieo mạ tự động theo tiêu chuẩn VietGap tại Hải Phòng (05/01/2024)

Rau mầm là rau được sản xuất trong thời gian ngắn, sau khi gieo hạt từ 5 đến 7 ngày là thu hoạch, một số loại có thể kéo dài tới 12-15 ngày. Đây là loại rau non và có hàm lượng dinh dưỡng cao gấp 5 lần rau thông thường. Rau mầm dễ tiêu hóa, có nhiều vitamin (C, E, K, A,...), chất khoáng hữu cơ (sắt, kẽm, can xi,...), axit amin, chất xơ, chất đạm, các enzym có ích, và các chất phytochemical, các chất này rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Vì giá trị dinh dưỡng của rau mầm mang rất lớn nên nhu cầu sử dụng rau mầm ngày càng tăng, đặc biệt là các loại mầm cải ngọt, mầm cải củ, mầm rau muống... Rau mầm là loại rau non và sản xuất trong điều kiện an toàn nên hàm lượng dinh dưỡng có trong rau mầm cao gấp 3-5 lần rau thông thường đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe người tiêu dùng.

Với mục tiêu nghiên cứu quy trình sản xuất rau mầm, xây dựng thành công mô hình sản xuất thử nghiệm quy trình sản xuất rau mầm (cải củ, cải ngọt, rau muống) trên giàn máy gieo mạ tự động theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm tạo mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng máy móc công nghiệp vào sản xuất rau mầm để người sản xuất nông nghiệp từng bước thúc đẩy việc áp dụng để nhân rộng mô hình, góp phần thúc đẩy nông nghiệp thành phố theo hướng an toàn thực phẩm, ứng dụng tốt khoa học công nghệ theo quy hoạch chung của thành phố. Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng được phê duyệt triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố Xây dựng quy trình sản xuất rau mầm trên giàn máy gieo mạ tự động theo tiêu chuẩn VietGap tại Hải Phòng”, do ThS. Cao Thanh Huyền làm chủ nhiệm.

Sản xuất rau mầm trên giàn máy gieo mạ tự động theo tiêu chuẩn VietGap.

Đề tài đã ứng dụng đồng bộ tiến bộ, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, cơ giới hóa, chuyển đổi số, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh và các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất như cơ giới hóa khâu sản xuất, chăm sóc, thu hoạch; sử dụng hệ thống tưới nước tự động, tiết kiệm nước cài đặt hẹn giờ, lắp camera giám sát suốt quá trình sinh trưởng. Sản phẩm rau mầm được kiểm soát chất lượng thông qua quy trình sản xuất khép kín, hạn chế lao động, môi trường lây nhiễm cho sản phẩm, sản phẩm chứng nhận VietGAP và truy xuất nguồn gốc nông sản. Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý, ủ nguồn lại giá thể sau khi thu hoạch, tái sử dụng nguyên liệu thải ra môi trường, giá thể sản xuất tiếp và xử lý tái sử dụng làm giá thể cho cây trồng khác, tạo môi trường xanh và phát triển nông nghiệp bền vững.

Kết quả nghiên cứu đã dự thảo 03 quy trình sản xuất rau mầm (cải ngọt, cải củ, rau muống) trên giàn máy gieo mạ tự động theo tiêu chuẩn VietGAP. Lựa chọn được 01 công thức giá thể phù hợp nhất với sản xuất 03 loại rau mầm (cải củ, cải ngọt, rau muống với tỷ lệ 80% đất: 15% mùn xơ dừa; 5% phân vi sinh) là phù hợp với sản xuất rau mầm trên giàn máy gieo mạ tự động theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nghiên cứu lựa chọn chế độ gieo hạt, thời gian thúc mầm, thời gian che phủ trong sản xuất 3 loại rau mầm phù hợp cho năng suất, chất lượng cao phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP: với hạt mầm cải ngọt lượng hạt giống gieo phù hợp nhất là 50gam/khay; hạt giống mầm cải củ lượng hạt giống gieo phù hợp nhất là 70gam/khay, hạt giống rau muống mầm lượng hạt giống gieo phù hợp nhất là 100g/khay. Thời gian thúc mầm phù hợp cho 3 loại rau mầm đều trong thời gian thúc mầm 36 giờ cho tỷ lệ nảy mầm cao nhất. Thời gian che phủ phù hợp cho 3 loại rau mầm là 3 ngày.

Thời gian thu hoạch phù hợp hạt mầm cải ngọt là 5-7 ngày, 5 ngày (vụ Hè), 7 ngày (vụ Xuân, vụ Đông), mầm cải củ là 7 ngày (3 thời vụ Xuân, Hè, vụ Đông), mầm rau muống là 9-12 ngày, 9 ngày (vụ Hè), vụ Xuân, Đông (9-12 ngày). Nghiên cứu thời gian thu hoạch máy 1 giờ: cải ngọt đạt 600 khay/giờ, cải củ 800 khay/giờ, rau muống là 650 khay/giờ cao hơn rất nhiều lần so với cắt tay thủ công…

Nghiên cứu hiệu chỉnh thiết bị, hoàn thiện 03 quy trình sản xuất rau mầm trên giàn máy gieo mạ tự động theo tiêu chuẩn VietGAP. Xây dựng mô hình sản xuất 3.000 khay rau mầm cho 3 loại rau mầm (cải củ, cải ngọt, rau muống) theo quy trình VietGAP tại Hợp tác xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy đã chuẩn bị đủ điều kiện và triển khai sản xuất theo VietGAP, quản lý sản xuất và chứng nhận sản phẩm đạt 2,52 tấn sản phẩm. Đào tạo, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho 30 lượt công nhân, nông dân vùng triển khai đề tài nắm bắt được quy trình sản xuất rau mầm trên giàn máy gieo mạ tự động theo tiêu chuẩn VietGAP, được hướng dẫn ghi chép nhật ký, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.