Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 16681 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học và đời sống
Bổ sung mật ong vào sữa chua có cải thiện sức khỏe đường ruột? (06/09/2024)
Men vi sinh mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Giờ đây, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra rằng cho một thìa mật ong vào sữa chua giúp men vi sinh trong sữa chua sống sót trong ruột. Đây là sự kết hợp đôi bên cùng có lợi, vừa tốt cho sức khỏe, lại vừa ngon miệng.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc tiêu thụ men vi sinh tác động tích cực đến tâm trạng và sức khỏe đường ruột. Do mật ong thường được bổ sung vào sữa chua, một nguồn men vi sinh, các nhà nghiên cứu tại Đại học Illinois Urbana-Champaign đã xem xét tác động của việc thêm mật ong vào sữa chua đối với hệ vi sinh đường ruột trong hai nghiên cứu.
Trong nghiên cứu đầu tiên, các nhà khoa học đã xem xét liệu việc thêm một trong bốn loại mật ong gồm có cỏ linh lăng, kiều mạch, cỏ ba lá và hoa cam, vào sữa chua thương mại (Activia) chứa B. animalis có ảnh hưởng đến khả năng sống sót của men vi sinh trong sữa chua trong quá trình tiêu hóa hay không. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã bổ sung 42g (hai thìa canh) mật ong vào 170g (hai phần ba cốc) sữa chua, sau đó, cho hỗn hợp này tiếp xúc với các dung dịch trong phòng thí nghiệm mô phỏng quá trình tiêu hóa ở miệng, dạ dày và ruột.
PGS. Hannah Holscher tại trường Đại học Illinois và là đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Các enzyme trong miệng, dạ dày và ruột của chúng ta giúp tiêu hóa và thúc đẩy hấp thụ chất dinh dưỡng, nhưng chúng cũng làm giảm khả năng sống sót của vi khuẩn. Nếu không phải là vi khuẩn có lợi mà là mầm bệnh thì thật tuyệt. Chúng tôi muốn xem liệu mật ong có thể giúp lợi khuẩn sống sót trong ruột hay không".
Đối với dịch trong miệng và dạ dày, các nhà nghiên cứu không thấy sự khác biệt về khả năng sống sót của B. animalis giữa các loại mật ong khác nhau và các phiên bản đối chứng (sữa chua trộn với đường hoặc nước). Tuy nhiên, sữa chua với mật ong - đặc biệt là mật ong cỏ ba lá - giúp lợi khuẩn sống sót trong giai đoạn tiêu hóa ở ruột.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra những phát hiện của nghiên cứu đầu tiên trong một nghiên cứu lâm sàng. Sáu mươi sáu người lớn khỏe mạnh được phân loại ngẫu nhiên thành hai nhóm: nhóm đối chứng ăn 170g sữa chua tiệt trùng thương mại có chứa B. animalis hai lần mỗi ngày trong hai tuần, và nhóm điều trị ăn cùng một lượng sữa chua tương tự trộn với 21g mật ong cỏ ba lá cũng trong khoảng thời gian tương tự. Sau hai tuần và sau thời gian rửa trôi kéo dài bốn tuần, nhóm điều trị và nhóm đối chứng đã hoán đổi cho nhau. Những người tham gia được yêu cầu không bổ sung men vi sinh qua chế ăn uống, các sản phẩm từ sữa lên men và thực phẩm lên men. Họ đã cung cấp mẫu phân và thông tin về nhu động ruột của họ, cũng như hoàn thành bảng câu hỏi để đánh giá tâm trạng, nhận thức và sức khỏe tổng thể.
PGS. Holscher cho biết: "Những phát hiện của chúng tôi cho thấy việc kết hợp mật ong với sữa chua giúp lợi khuẩn trong sữa chua sống sót trong ruột, vì vậy, kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã được chuyển thành ứng dụng thực tế ở người".
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng việc thêm mật ong cỏ ba lá vào sữa chua không ảnh hưởng đến thời gian thức ăn di chuyển qua ruột, tần suất chuyển động của ruột, tâm trạng hoặc nhận thức.
Một nghiên cứu quy mô nhỏ theo dõi 36 người ăn sữa chua có đường. So sánh kết quả của cả ba điều kiện nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy việc kết hợp sữa chua và mật ong bảo toàn được nhiều lợi khuẩn nhất, nhưng không ảnh hưởng đến các yếu tố sức khỏe khác được đo lường.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nutrition.
N.P.D (NASATI), theo Newatlas, 8/2024
Cập nhật ngày: 22/8/2024
https://vista.gov.vn/vi/news/khoa-hoc-doi-song/bo-sung-mat-ong-vao-sua-chua-co-cai-thien-suc-khoe-duong-ruot-9461.html
- Những điều bạn cần biết về xu hướng mát-xa mạc cơ để chống lão hóa (01/10/2024)
- Thép không gỉ có thành phần gì đặc biệt? (24/09/2024)
- Tòa nhà đầu tiên trên thế giới hoạt động nhờ hydro (13/09/2024)
- Thiết bị nhỏ bé tạo 5 lít nước sạch từ không khí mỗi ngày (20/08/2024)
- Các nhà khoa học giải mã lợi ích sức khỏe của súp lơ xanh (13/08/2024)