Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 10001
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và đời sống

Nguyên nhân và cách chữa bệnh nấc (22/08/2016)

Nấc (nấc cụt) là do kích thích dây thần kinh phế vị hoặc thần kinh hoành gây nên sự co thắt đột ngột cơ hoành trong vài giây, cường độ mạnh, dứt khoát ngoài ý muốn của con người nhằm tống khí ra khỏi buồng phổi, khi luồng khí đi ngang qua dây thanh âm vùng hầu - họng tạo thành tiếng nấc. Nếu nấc cụt chỉ xảy ra thỉnh thoảng, kéo dài vài phút thường không ảnh hưởng đến sức khỏe, không cần điều trị. Nhưng nếu nấc cụt liên tục và kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày hoặc tái phát có chu kỳ, thường là do nguyên nhân bệnh lý và cần điều trị.

Nấc có thể gặp ở mọi lứa tuổi, song hay gặp nhất ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân gây nấc tạm thời, chủ yếu do dạ dày bị căng trướng gây kích thích thần kinh phế vị và cơ hoành do ăn uống quá nhanh, ăn nhiều thức ăn quá nóng, hoặc quá lạnh, nhiều gia vị như ớt, uống nhiều các loại nước có ga, rượu, cơ thể suy nhược, mất ngủ, chán ăn, xúc động đột ngột, táo bón. Đây là dạng phổ biến, không ảnh hưởng sức khỏe, không cần điều trị.

Nấc kéo dài liên tục trên 48 giờ, hoặc thành chu kỳ thường do các bệnh lý đi kèm, hoặc do dùng các thuốc sau:

- Viêm thực quản cấp hoặc mạn tính, bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, viêm dạ dày, viêm tá tràng, viêm hang vị, viêm, loét bờ cong lớn hoặc nhỏ, loét môn vị, loét tâm vị hoặc ung thư dạ dày… Hầu hết bệnh thuộc dạ dày - tá tràng đều tăng tiết dịch vị kích thích gây đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, nôn và một số người bệnh thần kinh hoành bị kích thích gây nấc.

- Viêm phổi, tràn dịch màng phổi… cũng gây kích thích, chèn ép cơ hoành nên cũng gây nấc.

- Viêm ống mật, viêm túi mật hoặc viêm tụy tạng cũng có thể kích thích dây thần kinh phế vị, hoặc thần kinh hoành gây nên triệu chứng nấc.

- Do stress hay histerie, hoặc do tổn thương hệ thần kinh trung ương như viêm não do vi khuẩn, hay do vi rus, hoặc chấn thương sọ não. Nấc cũng có thể xuất hiện sau phẫu thuật dạ dày - tá tràng, mổ gan mật…

- Nấc cũng có thể xuất hiện khi sử dụng một số thuốc, như: thuốc an thần nhóm benzodiazepin, hoặc một số loại thuốc điều trị Parkinson, kháng sinh erythromycin, roxythromycin, ciprofloxacin, ofloxacin…

Điều trị nấc có thể áp dụng phương pháp không dùng thuốc sau:

Nấc tạm thời sẽ tự biến mất sau khoảng thời gian ngắn và đáp ứng tốt với các biện pháp cơ học đơn giản. Cơ chế của các biện pháp này là làm tăng nồng độ khí CO2 trong máu, hoặc ức chế dây thần kinh phế vị để cắt đứt xung động thần kinh gây nấc. Có thể làm một trong các biện pháp sau vài lần, hoặc phối hợp nhiều biện pháp:

- Dùng hai ngón tay ấn - ép vào hai động mạch ở vùng cổ (động mạch cảnh) gây ức chế dây thần kinh quặt ngược dẫn đến giảm co thắt cơ hoành hết nấc: lúc đầu ép nhẹ, sau tăng dần đến khi có cảm giác nặng và tức thì giảm ấn - ép (trẻ nhỏ biểu hiện cảm giác này bằng cách trẻ gạt tay ra). Ấn - ép liên tục như vậy 3 - 5 lần là khỏi nấc. Nếu chưa có kết quả ta có thể tiếp tục ấn - ép lại.  

- Nuốt một thìa giấm hay thìa đường khô, nhai và nuốt bánh mỳ khô (kèm nín thở), có tác dụng kích thích niêm mạc vùng hầu họng. Hoặc uống nước thật chậm và bịt mũi trong khi nuốt; uống một cốc nước lạnh và bịt tai trong khi uống; uống một cốc nước ấm có pha một thìa mật ong.

- Làm sợ hoặc giật mình đột ngột.

- Đè ép trên lưỡi, kích thích lưỡi để giảm kích thích thần kinh phế vị.

- Ngoáy mũi gây hắt hơi; ép mạnh vào vùng cơ hoành bằng tay; xoa bóp vùng hậu môn…

- Nín thở thật lâu có thể (kèm với rặn nhẹ dưới 10 giây), thổi gắng sức 10 hơi dài vào một cái túi giấy (hoặc nín thở trong cái túi), làm tăng CO2 trong máu. Đây là phương pháp khá mạo hiểm vì có thể dẫn đến toan máu, cần thực hiện dưới sự giám sát của người khác và phải có oxy dự phòng.

- Đối với trẻ sơ sinh: Bế trẻ lên rồi dùng ngón tay gãi nhẹ trên môi, hoặc mang tai của bé khoảng 60 cái để làm thay đổi sự tập trung của trẻ, hoặc gây  cho trẻ khóc, vỗ hay vuốt lưng cho trẻ ợ, cho trẻ nhấp vài ngụm nước, hoặc gây động tác mút cho trẻ. Khi trẻ bị lạnh cũng có thể gây nấc nên sưởi ấm cho trẻ.

- Với trẻ lớn hơn: Cho trẻ uống nước, hướng dẫn trẻ cách hít thở sâu, ngồi gập người trên đầu gối, hoặc làm động tác như đối với người lớn.

Nếu biện pháp cơ học không đỡ, nấc vẫn kéo dài, phải đến bác sỹ khám tìm nguyên nhân gây nấc.

Chuyên gia tư vấn: PGS.TS. Nguyễn Trọng Thông, Giám đốc Trung tâm Dược lý, Trường đại học Y Hà Nội.

Nguồn: Báo Hải Phòng