Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 6807
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và đời sống

Phòng bệnh thủy đậu mùa Đông Xuân (27/04/2015)

Mùa Đông Xuân là thời điểm bệnh thuỷ đậu xảy ra nhiều nhất, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của con người. Chúng tôi xin giới thiệu đến bà con biểu hiện và cách phòng tránh loại bệnh này:

Biểu hiện của bệnh:

Thông thường, thời gian ủ bệnh là khoảng 2 -3 tuần từ lúc bị nhiễm vi rút đến lúc phát  bệnh. Ban đầu người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và ngứa. Trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Sau đó, các nốt ban phát triển thành các nốt phỏng có dịch nước bên trong rồi đục dần, có mủ và sau 8-10 tiếng thì vỡ ra và đóng vảy.

 

Cách phòng tránh:

- Nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời, thời gian cách ly là khoảng 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh, cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn

- Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng: khăn mặt, cốc chén, bát đũa, thìa dĩa.

- Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý

- Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm trong phòng tắm.

- Nên mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng.

- Đối với trẻ em: nên cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay trẻ sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước.

- Ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả.

- Dùng dung dịch xanh Milian (xanh Methylene) để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.

- Trường hợp sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc, có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm trùng: nốt rạ có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh... Tuyệt đối không được dùng thuốc Aspirin để hạ sốt.

- Nếu bệnh nhân cảm thấy: Khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ nên đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Đối với người thân trong gia đình:

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang, sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.

- Vệ sinh phòng ở của người bệnh: Lau các vật dung của người bệnh hàng ngày bằng nước Javel, hoặc dung dịch Cloramin B, sau đó rửa lại bằng nước sạch; đối với những đồ vật nhỏ có thể đem phơi nắng.

Mọi người đều có thể chủ động phòng bệnh thủy đậu bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh. Đây là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất. 

 - Tiêm mũi 1 cho mọi đối tượng từ 12 tháng tuổi trở lên.

- Tiêm mũi 2 nhắc lại cách mũi 1 thời gian là 6 tuần trở lên

Lưu ý:

- Không tiêm vắc xin thuỷ đậu cho phụ nữ đang mang thai.

- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 đến 49 tuổi) nên tiêm vắc xin thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng.

Nguồn: Sở Y tế tỉnh Hải Dương