Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 10608 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN
Xây dựng mô hình ứng dụng quy trình kỹ thuật nhân giống và trồng thương phẩm cây Giảo cổ lam (Gynostemma pentaphyllum) tại Vườn Quốc gia Cát Bà (15/01/2025)
Vườn Quốc gia Cát Bà có nguồn dược liệu tự nhiên, phong phú, đa dạng về chủng loại và công dụng làm thuốc. Đất đai và khí hậu phù hợp với nhiều loại cây trồng trong đó có nhiều cây thuốc quý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên đang ngày một cạn kiệt, nhiều loài đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, cây dược liệu nuôi trồng đang bị thu hẹp. Nguyên nhân của thực trạng này là do người dân khai thác và sử dụng không hợp lý nguồn dược liệu, chưa có sự tham gia của doanh nghiệp trong chuỗi gia tăng giá trị sản phẩm từ dược liệu, thị trường dược liệu không ổn định,… Tại Vườn Quốc gia Cát Bà, cây Giảo cổ lam mọc tự nhiên trong rừng, ở các vách núi đá nơi có độ ẩm cao, được người dân khai thác thu hái đem về phơi khô sử dụng hoặc bán ra thị trường. Thực tế cho thấy, cây Giảo cổ lam chưa được người dân địa phương quan tâm đưa vào trồng để khai thác, sử dụng như một số loài cây trồng có giá trị khác. Việc khai thác nguồn Giảo cổ lam trong rừng là chủ yếu mà ít được quan tâm bảo tồn, phát triển làm cho nguồn dược liệu Giảo cổ lam trong tự nhiên có nguy cơ cạn kiệt.
Trước nhu cầu hội nhập và phát triển của ngành dược liệu, đồng thời để thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về số lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu làm thuốc, phát triển vùng trồng các cây dược liệu có giá trị chữa bệnh và giá trị kinh tế, trong đó có cây Giảo cổ lam là một lựa chọn hợp lý nhằm phát triển kinh tế hàng hóa và nguồn gen bản địa có giá trị cho Cát Bà. để có cơ sở khoa học phát triển và nâng cao hiểu quả khai thác Giảo cổ lam thành cây hàng hóa, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân từng bước thay thế các sản phẩm ngoại nhập, đồng thời bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý đang ngày càng cạn kiệt trong tự nhiên, Vườn Quốc gia Cát Bà đã chủ trì thực hiện dự án Xây dựng mô hình ứng dụng quy trình kỹ thuật nhân giống và trồng thương phẩm cây Giảo cổ lam (Gynostemma pentaphyllum) tại Vườn Quốc gia Cát Bà, ThS. Phạm Văn Phúc làm chủ nhiệm. Dự án được triển khai trong 18 tháng, từ tháng 12/2022 đến tháng 5/2024.
Ban chủ nhiệm dự án đã nghiên cứu tổng quan tài liệu và những vấn đề lý luận, thực tế có liên quan về kỹ thuật nhân giống và trồng cây Giảo cổ lam; đồng thời tiếp nhận công nghệ chuyển giao quy trình nhân giống và trồng thương phẩm cây Giảo cổ lam từ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng), đào tạo được 10 cán bộ kỹ thuật của Vườn Quốc gia Cát Bà nắm vững các bước của quy trình nhân giống và trồng thương phẩm cây Giảo cổ lam để áp dụng vào triển khai thực nghiệm mô hình. Nhóm triển khai dự án cũng tổ chức tập huấn kiến thức cơ bản, tham quan mô hình cho 40 lượt người dân của 04 xã trên địa bàn huyện Cát Hải nắm được quy trình kỹ thuật nhân giống và trồng thương phẩm cây Giảo cổ lam. Trên cơ sở tài liệu thu thập và công nghệ chuyển giao đã Dự thảo 02 mô hình lý thuyết gồm: Mô hình nhân giống bằng phương pháp giâm hom và mô hình trồng thương phẩm cây Giảo cổ lam trên đất trống tại Vườn Quốc gia Cát Bà, góp phần triển khai thực nghiệm mô hình đạt hiệu quả cao.
Thu các đoạn thân Giảo cổ lam.
Tiếp tục triển khai dự án, nhóm nghiên cứu chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dự án, trong đó đã bố trí 17 cán bộ của Vườn Quốc gia Cát Bà có năng lực đảm bảo tiếp nhận, quản lý, sản xuất và vận hành mô hình nhân giống và trồng thương phẩm cây Giảo cổ lam. Chuẩn bị cơ sở vật chất trong vườn ươm, mua sắm nguyên vật liệu, dụng cụ phục vụ thực nghiệm nhân giống và trồng thương phẩm cây Giảo cổ lam, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng theo quy định sau đó tiến hành xây dựng và triển khai thực hiện mô hình.
Với mô hình nhân giống Giảo cổ lam bằng phương pháp giâm hom, sau 03 tháng nhân giống, tỷ lệ sống của hom cây Giảo cổ lam tương đối cao nên khả năng nhân giống đạt hiệu quả cao, rất có ý nghĩa trong công tác sản xuất giống. Kết thúc đợt giâm hom trong vườn ươm, số lượng hom giống sống là 7.245 hom đảm bảo đủ số lượng để cung cấp cây giống cho mô hình trồng thực nghiệm (bao gồm cả trồng dặm). Sau 30 ngày, tỷ lệ nảy chồi ở 03 đợt giâm hom chưa cao tương ứng đạt 42,67%; 47,8% và 46,91%. Sau 60 ngày, tỷ lệ nảy chồi tăng lên đáng kể, cụ thể đợt 1 đạt 80,50%; đợt 2 đạt 85,13%; đợt 3 đạt 85,96%. Kết thúc quá trình nhân giống, tỷ lệ nảy chồi đợt 1 đạt 86,83%; đợt 2 đạt 50,32% và đợt 3 đạt 89,35%. Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu nhận thấy cây Giảo cổ lam là loài cây không khó nhân giống. Về các chỉ tiêu sinh trưởng chồi sau 90 ngày nhân giống, số chồi trung bình đạt từ 1,5 - 1,7 chồi/hom; chiều dài trung bình đạt từ 28,3 - 29,6cm; chỉ số ra chồi cao đạt 42,45 - 50,32 cho thấy chất lượng hom giống Giảo cổ lam tốt. Sau thời gian giâm hom 90 ngày, tỷ lệ hom ra rễ của cây Giảo cổ lam ở các đợt giâm khác nhau rất cao, từ 86,03 - 90,63%. Cây đạt tiêu chuẩn khỏe mạnh, sạch bệnh, có từ 2-3 chồi mới, chiều dài chồi 20-25 cm, rễ khỏe dài trên 2 cm.
Với mô hình trồng thương phẩm cây Giảo cổ lam trên đất trống, dự án triển khai trồng thực nghiệm theo đúng các bước và đúng kỹ thuật được xây dựng trong bản Dự thảo, thường xuyên theo dõi, chăm sóc nên cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, góp phần nâng cao sản lượng, năng suất so với dự kiến. Tỷ lệ cây sống sau trồng thực nghiệm 03 tháng tương đối cao 93,6%, sau 6 tháng trồng đạt 91,7% và đến khi thu hoạch đạt 90,5%. Sinh trưởng chồi đạt 8,6 chồi mới, chiều dài chồi trung bình là 90,58cm. Phẩm chất cây tốt chiếm tỷ lệ rất cao 96,5%, tỷ lệ cây có phẩm chất trung bình và xấu không đáng kể lần lượt tương ứng 1,6% và 0,3%. Theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Khoa học sự sống, hàm lượng Saponin trong cây Giảo cổ lam tại Vườn Quốc gia Cát Bà thu hái ngoài tự nhiên 4,27 - 4,97 (g/100g) và trong mô hình trồng thương phẩm 3,95 - 4,65 (g/100g). Hàm lượng Flavonoid thu hái ngoài tự nhiên 2,48 - 2,68 (mg/g) và trong mô hình trồng thương phẩm 2,66 - 2,76 (mg/g). So với chỉ số dinh dưỡng trong cây Giảo cổ lam thu hái ngoài tự nhiên và trồng trong mô hình tại huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng thuộc nhiệm vụ cấp cơ sở của đơn vị chuyển giao cho thấy hàm lượng dinh dưỡng trong cây Giảo cổ lam tại Vườn (cả ngoài tự nhiên và trong mô hình trồng) đạt chất lượng vượt trội hơn. Năng suất thu được tại mô hình trồng thương phẩm trên đất trống tại Vườn Quốc gia Cát Bà khoảng 2.679kg/0,15ha/năm. So với năng suất lý thuyết dự kiến theo Thuyết minh đã được phê duyệt khoảng 1.500kg/0,15ha/năm thì năng suất thu được tại mô hình đạt vượt so với kế hoạch đề ra.
Trên cơ sở kết quả triển khai thực nghiệm đã hoàn thiện và đề xuất 02 quy trình, gồm: quy trình kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp giâm hom và quy trình trồng thương phẩm cây Giảo cổ lam tại Vườn Quốc gia Cát Bà. Đây là tài liệu hướng dẫn quan trọng để nhân rộng mô hình tại địa phương. Bên cạnh đó, Ban chủ nhiệm dự án cũng tính toán doanh thu từ việc trồng thương phẩm cây Giảo cổ lam đạt gần 27 triệu đồng, lợi nhuận hơn 2 triệu đồng/tháng. Giảo cổ lam là cây tương đối dễ trồng, sinh trưởng và phát triển tốt có thể thu hoạch từ 1-2 lần/năm nếu điều kiện chăm sóc tốt. Ngoài ra, từ năm thứ 2 trở đi, việc đầu tư cơ sở vật chất xây dựng mô hình không tốn nhiều chi phí mà chủ yếu là công chăm sóc và phân bón. Do đó, việc phát triển mô hình này sẽ góp phần tạo việc làm cho người dân, vừa đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, giúp xóa đói giảm nghèo.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.
- Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật đốt các tổn thương ác tính ở gan bằng vi sóng tại Bệnh... (19/08/2024)
- Xây dựng mô hình nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris tại Hải Phòng (14/08/2024)
- Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thăm dò huyết động bằng phương pháp PiCCO trong điều... (07/08/2024)
- Xây dựng mô hình sản xuất giống invitro cây Sâm cau (Curculigo orchioides Gaetn.)... (05/08/2024)
- Xây dựng mô hình sinh sản nhân tạo giống cá trắm đen (Mylopharyngodon piceus) tại... (01/08/2024)