Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 55338 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Xây dựng quy trình điều trị bệnh nghiện game bằng thuốc an thần kinh và chống trầm cảm tại Hải Phòng (04/10/2023)
Chẩn đoán nghiện game thường dùng tiêu chuẩn chẩn đoán của Hội tâm thần học Hoa kỳ DSM-5 (2013) và bảng phân loại bệnh tật của Tổ chức y tế thế giới lần thứ 11 (ICD-11), trong đó ICD-11 được mã hóa 6C51.0 (game online) và 6C51.1 (game offline). Tuy nhiên, Việt Nam chưa áp dụng tiêu chuẩn này tại các bệnh viện mà chỉ dùng trong một số nghiên cứu. Các biện pháp điều trị thường bao gồm: điều trị rối loạn tâm thần, điều trị tâm lý và điều trị toàn diện. Trong đó, thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần thế hệ mới hay được sử dụng. Tại Việt Nam nói chung, Hải Phòng nói riêng hiện chưa có sự thống nhất trong việc chẩn đoán và điều trị nghiện game.Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng đã chủ trì thực hiệnđề tài"Nghiên cứu xây dựng quy trình điều trị bệnh nghiện game bằng thuốc an thần kinh và chống trầm cảm tại Hải Phòng", được Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng tổ chức hội nghị tư vấn đánh giá, nghiệm thu cuối tháng 12/2022.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Phan Huy Thục chủ trì hội nghị tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài.
Bên cạnh việc nghiên cứu sử dụng Bộ công cụ chẩn đoán ICD-11 và trắc nghiệm tâm lý trong khám sàng lọc và trong tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân nghiện game, Ban chủ nhiệm đề tài cũng nghiên cứu phương pháp điều trị bệnh nghiện game bằng thuốc an thần kinh (Olanzapine) và thuốc chống trầm cảm (Sertraline) theo các giai đoạn; tổ chức điều trị bệnh nghiện game bằng thuốc an thần kinh và chống trầm cảm; đồng thời đề xuất quy trình điều trị bệnh nghiện game bằng thuốc an thần kinh và chống trầm cảm gồm các bước: Sàng lọc bệnh nhân liên quan đến nghiện game; Hội chẩn chuyên môn; Chẩn đoán xác định theo bệnh nghiện game; Điều trị tấn công, nội trú 04 tuần với 02 phác đồ sử dụng 02 loại thuốc Olanzapine và Setraline nhằm cắt hội chứng nghiện game và trầm cảm của người bệnh; Điều trị củng cố, ngoại trú 08 tuần cũng với 02 phác đồ bằng 02 loại thuốc Olanzapine và Setraline với mục đích chống tái nghiện, được thực hiện tiếp theo khi điều trị tấn công đạt hiệu quả, có thể thực hiện điều trị ngoại trú khi bệnh nhân đã hiểu được những lợi ích của việc dùng thuốc duy trì và tuân thủ điều trị.
Trong quá trình triển khai, nhóm nghiên cứu thực hiện sàng lọc trên 2.990 bệnh nhân từ 12 đến 45 tuổi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng từ tháng 01/2021 đến tháng 9/2022, tìm ra 776 bệnh nhân có tiền sử chơi game, sau đó lựa chọn được 66 bệnh nhân đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện game của ICD-11.
Ban chủ nhiệm đã thực hiện quy trình điều trị bệnh nghiện game bằng thuốc an thần kinh và chống trầm cảm cho 66 bệnh nhân tại Hải Phòng theo trình tự từ sàng lọc, đánh giá ban đầu đến can thiệp điều trị trong thời gian 12 tuần gồm: 4 tuần nội trú và 8 tuần ngoại trú tại Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng. Olanzapin sử dụng liều trung bình 15,45 ± 5,53 mg/ngày, Sertraline liều trung bình 93,18 ± 26,14 mg/ngày. Liều lượng thuốc điều trị căn cứ vào tình trạng rối loạn tâm thần của bệnh nhân; thể trạng, tuổi, giới tính của bệnh nhân; hướng dẫn của nhà sản xuất thuốc và diễn biến bệnh hàng ngày. 100% bệnh nhân được phối hợp điều trị liệu pháp nhận thức hành vi và phục hồi chức năng tâm lý xã hội theo quy trình.
Nghiện game có thể gây ra các triệu chứng rối loạn tâm thần, tổn thương cơ thể, rối loạn hành vi.
Sau 12 tuần điều trị can thiệp, phần lớn các triệu chứng nghiện game của bệnh nhân đã thuyên giảm hoàn toàn. Các triệu chứng khó vào giấc ngủ, thức giấc sớm và mất ngủ hoàn toàn đã thuyên giảm. Hoang tưởng và ảo giác thuyên giảm hoàn toàn, các triệu chứng như mất đi mối quan hệ có ý nghĩa trong cuộc sống, công việc, giáo dục, việc làm vì trò chơi game còn 40,91%; mất quan tâm với những sở thích và trò giải trí trước đó, ngoại trừ các trò chơi game còn 13,64%; bận tâm với trò chơi, chơi game còn 9,09%. Các triệu chứng về cảm xúc như bồn chồn, bất an thuyên giảm rõ rệt, còn 12,12%, lo âu còn 9,09%. Tất cả các triệu chứng rối loạn hoạt động đều có sự thuyên giảm rõ rệt so với thời gian vào viện, một số triệu chứng vẫn còn tồn tại với tỷ lệ thấp như giảm hiệu suất lao động và học tập còn 40,91%, hành vi bốc đồng còn 18,18%, ngại tiếp xúc với mọi người còn 10,6%. Các triệu chứng về trầm cảm thuyên giảm rõ rệt như khí sắc giảm chỉ còn 19,7%; mất mọi quan tâm, thích thú còn 13,64%; mệt mỏi còn 31,82%; bi quan còn 4,55%, không còn bệnh nhân có ý tưởng và hành vi tự sát. Điểm trung bình trên trắc nghiệm tâm lý trầm cảm Beck thuyên giảm có ý nghĩa thống kê từ 26,83 ± 4,56 điểm còn 11,6 ± 4,03 điểm.
Thành công của đề tài là đã xác định được đặc điểm lâm sàng và quy trình điều trị nghiện game, xây dựng được kế hoạch và hướng dẫn điều trị nghiện game, giúp bệnh nhân nghiện game có thể hòa nhập cộng đồng, tham gia học tập, lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát... (30/10/2024)
- Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh... (23/10/2024)
- Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng... (21/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)