Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 106
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Phát triển hệ thống logistics nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (01/05/2025)

Đối với nền kinh tế quốc dân, hệ thống logistics có vai trò quan trọng không thể thiếu trong sản xuất, phân phối, lưu thông, đặc biệt trong kinh doanh xuất nhập khẩu, đóng góp phần quan trọng cho tăng trưởng GDP quốc gia. Ở tầm vĩ mô, logistics giúp tối ưu hoá quá trình phân phối, lưu thông, dự trữ các nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Ở cấp độ vi mô, logistics đóng vai trò to lớn trong việc hóa giải bài toán đầu vào và đầu ra của các doanh nghiệp một cách có hiệu quả, thông qua việc tối ưu hóa các hoạt động logistics trong quá trình sản xuất - kinh doanh, từ đó giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, lĩnh vực logistics Việt Nam ngày càng có cơ hội và những điều kiện thuận lợi để phát triển, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Thời gian qua, sự phát triển của hệ thống logistics Việt Nam và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) đã có những đóng góp quan trọng đối với công cuộc phát triển kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu nói riêng.

Cho đến nay, Việt Nam bước đầu đã hình thành khuôn khổ pháp lý cần thiết điều chỉnh hoạt động logistics, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng logistics, công nghệ kinh doanh logistics. Số lượng các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam và vùng KTTĐMT gia tăng nhanh, nhiều doanh nghiệp đã có sự trưởng thành nhất định, bước đầu khẳng định được vị thế của mình trên thị trường.

Với tiềm năng lớn nhưng năng lực của các doanh nghiệp logistics Việt Nam và trong vùng KTTĐMT còn hạn chế, nhằm nắm bắt, khai thác những cơ hội, khắc phục những mặt hạn chế, vượt qua những trở ngại thách thức để phát triển hệ thống logistics quốc gia và vùng KTTĐMT nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế thế giới và khu vực, Việt Nam và với vùng KTTĐMT rất cần một môi trường logistics phát triển theo hướng bền vững, xanh hóa các yếu tố của hệ thống logistics quốc gia và vùng KTTĐMT.

Trước thực tế đó, Học viện Chính trị Khu vực I chủ trì thực hiện đề tài “Phát triển hệ thống logistics nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” nhằm đề xuất giải pháp phát triển hệ thống logistics nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững vùng KTTĐMT.

Vị trí của vùng KTĐĐMT trong cả nước.

Đề tài nghiên cứu kinh nghiệm phát triển hệ thống logistics ở một số nước: Đức, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc và bài học về phát triển hệ thống logistics đối với Việt Nam (về chính sách và tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, phát triển cơ sở hạ tầng logistics, phát triển nguồn nhân lực logistics, lựa chọn lĩnh vực logistics để phát triển, phát triển các doanh nghiệp logistics, phát triển thị trường logistics, xây dựng mô hình logistics cảng biển) và thực trạng phát triển hệ thống logistics quốc gia và vùng KTTĐMT tác động tới tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Nghiên cứu cho thấy, hệ thống logistics quốc gia và vùng KTTĐMT bước đầu được hình thành và phát triển có những đóng góp tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của Vùng; bước đầu hình thành và dẫn hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cần thiết để điều chỉnh hoạt động logistics phát triển - Yếu tố quan trọng của hệ thống logistics; cơ sở hạ tầng logistics từng bước phát triển đáp ứng được nhu cầu cơ bản của các hoạt động logistics; hệ thống các doanh nghiệp logistics tăng nhanh cả về số lượng và năng lực kinh doanh, nhân lực logistics từng bước được cải thiện; hệ thống các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics đã có những nhận thức về lợi ích của việc sử dụng dịch vụ logistics thay vì tự làm logistics; hệ thống các doanh nghiệp logistics thời gian qua đã tăng nhanh cả về số lượng và năng lực kinh doanh, nhân lực logistics từng bước được cải thiện đáp ứng nhu cầu tăng lên của thị trường logistics. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống logistics vẫn tồn tại những hạn chế: thể chế pháp luật còn quá nhiều khoảng trống đối với lĩnh vực logistics, nhất là ở các địa phương trong vùng hiện chưa có cơ chế, chính sách đồng bộ để điều chỉnh hoạt động logistics phát triển; Việt Nam cũng như vùng KTTĐMT chưa xây dựng chiến lược tổng thể phát triển logistics; cơ sở hạ tầng logistics còn nhiều hạn chế, nhất là các hạ tầng kết nối dẫn đến chi phí logistics cao làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ trên thị trường; thủ tục hải quan vẫn còn là trở ngại không nhỏ cho lưu thông hàng hóa, khai thác các hành lang kinh tế và cho cả doanh nghiệp; quy mô doanh nghiệp logistics còn nhỏ, kinh doanh còn manh mún, hoạt động phân tán, cơ bản tập trung ở thị trường nội địa; nguồn nhân lực logistics vừa thiếu lại vừa yếu, chưa được đào tạo bài bản về logistics; thị trường logistics cả nước cũng như vùng KTTĐMT phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

Trước thực trạng trên, nhóm nghiên cứu nhận định triển vọng phát triển ngành logistics và dự báo các nhân tố tác động đến sự phát triển hệ thống logistics quốc gia và vùng KTTĐMT. Theo đó, sự ổn định chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước cho đến nay đã tạo niềm tin cho toàn dân, cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, làm cho họ an tâm bỏ vốn ra làm ăn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua. Năm 2019, tăng trưởng kinh tế nước ta vẫn duy trì mức cao đạt 7,02%, làm cho quy mô nền kinh tế ngày càng được nâng cao. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN gắn với hội nhập kinh tế quốc tế bước đầu đã hình thành và vận hành có hiệu quả. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, bước đầu hiện đại hóa trong một số ngành then chốt. Mối quan hệ kinh tế quốc tế ngày càng được củng cố và phát triển, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã đứng vững được trên nhiều thị trường và có triển vọng sẽ được mở rộng. Nghiên cứu cũng dự báo can nhân tố tác động tới sự phát triển hệ thống logistics quốc gia và vùng KTTĐMT: Tăng trưởng thương mại và xu hướng đầu tư toàn cầu; Triển vọng phát triển kinh tế trong nước và vùng KTTĐMT; Cầu tiêu dùng trong nước và vùng KTTĐMT tăng cao; Xu hướng phát triển dịch vụ thuê ngoài (Outsourcing) ngày càng gia tăng; Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19. Mục tiêu phát triển logistics phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 15% - 20%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP toàn nền kinh tế là 8%-10%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 50% - 60 %, giảm thiểu chi phí logistics của toàn nền kinh tế so với GDP còn khoảng 16% - 20%. Đến năm 2030, các chỉ tiêu này lần lượt là 34% - 35%/năm, 15%, 65%/năm và 15% - 17%/năm. Nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp phát triển hệ thống logistics quốc gia và Vùng nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững Vùng KTTĐMT đến năm 2025, tầm nhìn 2030: Giải pháp hoàn thiện thể chế pháp luật nhằm phát triển hệ thống logistics (Hoàn thiện quản lý nhà nước về logistics; Xây dựng quy hoạch phát triển logistics quốc gia và vùng KTTĐMT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Hoàn thiện môi trường logistics và khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển logistics; Nghiên cứu, ban hành các chính sách phát triển bền vững hệ thống logistics xanh quốc gia và vùng KTTĐMT; Thúc đẩy phát triển hệ thống logistics gắn với sự phát triển liên kết các vùng kinh tế, hành lang kinh tế thông qua xây dựng mạng lưới các trung tâm logistics); Giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng logistics quốc gia và vùng KTTĐMT (Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng của các ngành trên địa bàn với phát triển hệ thống logistics; Tăng cường đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng logistics theo hướng tăng cường bất động sản logistics; Đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các trung tâm logistics trên các hành lang kinh tế; Tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin logistics để xây dựng hệ thống phần mềm logistics Viêt Nam; Phát triển cơ sở hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại và các phương tiện vận tải tiên tiến, thân thiện với môi trường; Xây dựng mô hình logistics cảng biển vùng KTTĐMT theo hướng bền vững); Giải pháp phát triển hệ thống các doanh nghiệp logistics vùng KTTĐMT (Xây dựng và phát triển các loại hình doanh nghiệp logistics, bao gồm cả loại hình logistics chuyên doanh có khả năng cạnh tranh; Giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm dịch vụ logistics của các doanh nghiệp; Giải pháp phát triển logistics của các doanh nghiệp sản xuất; Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực logistics và phong cách cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp). Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần vào xây dựng và phát triển bền vững hệ thống logistics quốc gia và vùng KTTĐMT để hệ thống logistics này thực sự phát huy vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin và Truyền thông Hải Phòng./.