Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1680
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và đời sống

Bệnh Whitmore là gì? Dấu hiệu và cách điều trị (27/09/2019)

Bệnh Whitmore là gì?

Theo PGS.TS Bùi Khắc Hậu - nguyên Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh Whitmore do vi khuẩn cùng tên Whitmore (hay còn gọi là Burkhoderia pseudomalei) gây nên, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính vô cùng nguy hiểm. Đây là loại vi khuẩn âm, thường sống trong những môi trường ẩm ướt, có sức đề kháng rất tốt. Căn bệnh này được phát hiện đầu tiên trên thế giới vào năm 1911 bởi nhà khoa học người Anh tên là Alfred Whitmore.

Đặc biệt, vi khuẩn này có khả năng kháng lại nhiều thuốc kháng sinh. Do đó, nếu mắc bệnh việc điều trị sẽ gặp khá nhiều khó khăn. Thường phải mất nhiều thời gian và dùng kháng sinh liều cao mới có hiệu quả.

Nhóm người dễ bị mắc bệnh bao gồm: người già, trẻ em, những người có sức đề kháng yếu, người bị tiểu đường, nghiện rượu hay nghiện ma túy.

 Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore.

Bệnh Whitmore lây lan qua con đường nào?

Bệnh Whitmore có thể lây lan qua nhiều con đường, trong đó chủ yếu là: vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hở, xây xước hoạt do tai nạn. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây lan qua con đường hô hấp, từ khí bụi, hơi nước có vi khuẩn Whitmore .

Vi khuẩn B. pseudomallei (loại vi khuẩn gây nên bệnh Whitmore) sống trong bùn đất và nước, lây truyền cho người và động vật chủ yếu qua vùng da tổn thương do tiếp xúc với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn. Hiện ghi nhận rất hiếm các trường hợp lây bệnh từ người qua người hay từ động vật qua người.

Bệnh Whitmore xuất hiện chủ yếu tại vùng nhiệt đới, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á, phổ biến nhất là Thái Lan, Malaysia, Singapore và bắc Australia.

Dấu hiệu của bệnh Whitmore

Bệnh Whitmore thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa ẩm. Thời gian ủ bệnh Whitmore  trong khoảng 21 ngày, trung bình 9 ngày nhưng cũng có trường hợp chỉ vài giờ. Tuy nhiên, trong giai đoạn này thường không có triệu chứng.

Sau khi bị vi khuẩn xâm nhập, thường sau 2-4 tuần, các triệu chứng bệnh bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh rất mơ hồ, chẩn đoán rất khó nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác như lao, các bệnh về phổi, nhiễm khuẩn huyết...

Nhiễm trùng cục bộ: Bệnh nhân sẽ đau hoặc sưng cục bộ, sốt, loét, áp xe tại vị trí nhiễm trùng

Nhiễm trùng phổi: Sốt cao, đau đầu, đau ngực kèm ho, chán ăn...

Nhiễm trùng máu: Sốt, đau đầu, suy hô hấp, đau khớp, khó chịu ở bụng

Nhiễm trùng lan toả: Sốt, giảm cân, đau dạ dày hoặc ngực, đau cơ hoặc khớp, đau đầu, co giật hoặc có các cơn động kinh.

Để chẩn đoán bệnh Whitmore, các bác sĩ phải thực hiện phân lập vi khuẩn từ máu, đờm, nước tiểu, dịch áp xe của bệnh nhân. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm kháng thể trong máu để chẩn đoán bệnh nhưng độ tin cậy thấp hơn so với cấy vi khuẩn.

Điều trị bệnh Whitmore như thế nào?

Khi nhiễm Whitmore, nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân sẽ diễn tiến nặng dẫn tới nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng rồi tử vong. Tỉ lệ tử vong trung bình khi nhiễm bệnh Whitmore là 40%.

Tùy từng loại nhiễm trùng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc thích hợp để điều trị bệnh Whitmore.

Thông thường, điều trị chia làm 2 đợt:

Đợt 1: tấn công bằng kháng sinh liều cao (thường truyền tĩnh mạch) trong 10-14 ngày.

Đợt 2: dùng kháng sinh đường uống duy trì trong 3-6 tháng kế tiếp.

2 loại kháng sinh truyền tĩnh mạch điều trị Whitmore phổ biến nhất là Ceftazidime, dùng mỗi 6-8 giờ hoặc Meropenem dùng mỗi 8 giờ.

Song, nếu bệnh nhân không tuân thủ điều trị, nguy cơ tái phát vẫn có thể xảy ra, lúc này sức khỏe của bệnh nhân rất dễ suy kiệt do bệnh tái phát sau một quá trình điều trị hoặc điều trị không đúng phác đồ.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh whitmore, do đó người dân cần chủ động phòng bệnh bằng cách:

Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng. Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.

Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh. Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn burkholderia pseudomallei và điều trị kịp thời.

PV Tổng hợp