Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 20344
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Đánh giá tổng thể chất lượng môi trường nước tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở Hải Phòng và đề xuất các giải pháp quản lý môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững (05/02/2024)

Biến đổi khí hậu, suy thoái và ô nhiễm môi trường, dịch bệnh nguy hiểm ngày càng diễn biến phức tạp. Môi trường nước cũng đang có chiều hướng xấu, ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các khu dân cư, khu công nghiệp, làng nghề,… và từ chính nghề nuôi đổ thải gây khó khăn cho phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS). Các loại chất thải nguy hại trong NTTS như thùng đựng hóa chất các loại, các loại dầu nhớt, bóng đèn huỳnh quang thải, giẻ lau máy dính dầu thải, cặn dầu nhiễm hoá chất… vô cùng độc hại nếu xả vào môi trường. Các mâu thuẫn trong việc sử dụng tài nguyên, phát triển các ngành kinh tế như nông nghiệp với du lịch, công nghiệp và thủy sản, đặc biệt tại các vùng ven biển ngày càng trở nên phức tạp và khó giải quyết. Thị trường xuất khẩu ngày càng yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và sản phẩm có chứng nhận; nhiều hàng rào thương mại, kỹ thuật. Chính vì vậy cần phát triển NTTS bền vững và hiệu
quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường và
đảm bảo an ninh thực phẩm. Để thực hiện mục tiêu này, trước hết cần giải quyết vấn đề môi trường nước trong NTTS. Giải quyết thực trạng đó,
Thạc sĩ Trương Văn Tuân (Trưởng phòng Nghiên cứu vật lý - hóa học biển, Trung tâm Quan trắc môi trường biển) cùng các cộng sự triển khai đề tài nghiên cứu "Đánh giá tổng thể chất lượng môi trường nước tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở Hải Phòng và đề xuất các giải pháp quản lý môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững", được tư vấn đánh giá kết quả vào tháng 5/2020 tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng.

Triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã xác định được 595 hộ (tổ chức, cá nhân) tham gia hoạt động NTTS với diện tích 375 ha tại vùng nuôi nước ngọt tập trung; và 1.624 hộ với diện tích 2.146 ha tại vùng nuôi nước lợ tập trung ở Hải Phòng. Nghiên cứu cho thấy, hình thức nuôi quảng canh chiếm tỉ lệ lớn nhất trong cả 2 loại hình nuôi nước ngọt và nước lợ. Hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh cũng đang được triển khai trong vùng nuôi, tuy nhiên số hộ và diện tích nuôi có sự thay đổi đối với mỗi loại hình, các hình thức nuôi khác như VietGAP, nuôi sinh thái,… cũng đang được triển khai tại các khu vực nuôi tại vùng NTTS tập trung ở Hải Phòng. Một số loài như: cá rô phi, cá trắm, cá trôi, cá mè, cá chép, tôm càng xanh… được xác định là đối tượng nuôi ở loại hình nuôi nước ngọt; tôm he chân trắng, tôm sú, cua… là đối tượng nuôi ở loại hình nuôi nước lợ. Nguồn nước cấp của vùng nuôi nước ngọt từ sông Văn Úc, sông Thái Bình, sông Hóa và từ nguồn nước lợ ven biển, cửa sông Lạch Tray, cửa sông Thái Bình, cửa sông Văn Úc cho vùng nuôi nước lợ.

Bản đồ phân bố 04 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và các điểm quan trắc (màu xanh: khu nuôi trồng thủy sản nước lợ; màu đỏ: khu nuôi trồng thủy sản nước ngọt).

Quan trắc môi trường tại mô hình nuôi.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, chất thải sinh hoạt từ khu vực dân cư xung quanh, từ nguồn hóa chất bảo vệ thực vật sử dụng trong nông nghiệp và chất thải (nước thải, bùn thải) từ chính nghề nuôi là các yếu tố chính gây ô nhiễm nguồn nước phục vụ NTTS tại các vùng nuôi tập trung; bên cạnh đó còn do các yếu tố như ảnh hưởng từ bãi rác, từ chất thải của khu công nghiệp và từ các hoạt động dân sinh khác…

Đánh giá chất lượng nguồn nước cấp tại vùng nuôi nước ngọt tập trung, hàm lượng N-NO2-, N-NH4+ và P-PO43- đều vượt giới hạn cho phép và có xu hướng tăng dần về cuối vụ nuôi. Hàm lượng Pb, Cd, Hg và tổng hóa chất bảo vệ thực vật vẫn nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã xác định được 23 loài tảo gây hại thuộc 3 ngành tảo với mật độ trung bình đạt 166.993 tb/l. Mật độ vi sinh vật trong nước khá cao, mật độ tổng Coliform trung bình đạt 117 CFU/ml, vi khuẩn Aeromonas tổng số đạt 31 CFU/100ml và vi khuẩn Streptococcus sp đạt 54 CFU/100ml. Thông qua chỉ số tai biến môi trường (RQtt), chất lượng môi trường trong nguồn nước cấp tại vùng nuôi nước ngọt tập trung ở Hải Phòng đã bị ô nhiễm đáng kể, chỉ số dao động từ 1,00 - 1,38 khi đánh giá Tiêu chuẩn Việt Nam và nằm ở mức nghiêm trọng nhất - mức Ảnh hưởng tai biến môi trường.

Đối với nguồn nước cấp tại vùng nuôi nước lợ tập trung, hàm lượng N-NH4+ và P-PO43- đều vượt giới hạn cho phép theo Tiêu chuẩn Việt Nam và Tiêu chuẩn ASEAN, có xu hướng tăng dần về cuối vụ nuôi và luôn cao tại các khu vực có mật độ nuôi tập trung lớn như Tân Thành, Hải Thành, Tiên Hưng; có giá trị thấp hơn tại các khu vực có nhiều mô hình nuôi như quảng canh, bán thâm canh. Hàm lượng Pb, Cd As, Hg và tổng hóa chất bảo vệ thực vật gốc Clo có trị số khá thấp, nằm trong giới hạn cho phép theo Tiêu chuẩn Việt Nam. Xác định được 33 loài tảo hại thuộc 3 ngành tảo, mật độ vi sinh vật khá cao, giá trị trung bình của tổng Coliform đạt 132 CFU/ml, vi khuẩn Vibrio tổng số đạt 115 CFU/ml và vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus đạt 19 CFU/ml. Có thể thấy, chất lượng môi trường trong nguồn nước cấp tại vùng nuôi nước lợ tập trung ở Hải Phòng cũng đã bị ô nhiễm, chỉ số RQtt dao động từ 0,93 - 2,22 theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 10-MT:2015/BTNMT, nằm ở mức Nguy cơ tai biến môi trường đến Ảnh hưởng tai biến môi trường.

Giữa một số mô hình nuôi cá nước ngọt khác nhau hiện đang được triển khai tại địa phương thì mô hình nuôi thâm canh - công nghiệp đóng góp tải lượng ô nhiễm lớn nhất, sau đó đến mô hình chăn nuôi kết hợp (VAC); của mô hình quảng canh cải tiến và quảng canh truyền thống cho tải lượng ô nhiễm thấp nhất. Đối với loại hình nuôi nước lợ, mô hình nuôi tôm công nghiệp kiểu nhà bạt (thâm canh) đóng góp tải lượng ô nhiễm lớn nhất, mô hình quảng canh cải tiến đóng góp tải lượng ô nhiễm thấp nhất và của 2 mô hình nuôi bán thâm canh (nuôi tôm kiểu đáy kín và kiểu đáy hở) đóng góp tải lượng ô nhiễm tương đương.

Dựa trên hiện trạng nghề nuôi, các yếu tố tác động đến nguồn nước, chất lượng môi trường nguồn nước cấp và tải lượng ô nhiễm đối với mỗi hình thức nuôi ở mỗi loại hình nuôi (nước ngọt, lợ) thuộc vùng NTTS tập trung tại địa phương đã đề xuất một số giải pháp nhằm quản lý môi trường nước trong NTTS theo hướng bền vững phù hợp với điều kiện thực tế của Hải Phòng, gồm: Giải pháp về công tác quản lý đối với cơ quan quản lý và người nuôi trồng thủy sản; giải pháp về kỹ thuật; giải pháp về chính sách; giải pháp tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và một số giải pháp khác nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người NTTS và toàn xã hội.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.