Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 55634 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Giải pháp tăng cường khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hải Phòng (17/10/2023)
Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp tăng cường khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hải Phòng là đề tài khoa học cấp thành phố do PGS.TS Đỗ Thị Mai Thơm, Phó Trưởng khoa Quản trị - Tài chính cùng các cộng sự thuộc Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam thực hiện, được nghiệm thu vào tháng 3/2023.
Theo số liệu của Cục Thống kê, tính đến năm 2022, Hải Phòng có 17.055 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với doanh thu ước đạt 260.921 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 513.351 lao động. Với lợi thế là thành phố Cảng phát triển năng động, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, thời gian gần đây, các DNNVV Hải Phòng đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong các ngành như sản xuất điện thoại, sản phẩm điện tử, linh kiện máy móc thiết bị và ngành đóng tàu… Để nghiên cứu khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các DNNVV Hải Phòng, nhóm nghiên cứu lựa chọn mẫu nghiên cứu bao gồm các DNNVV hoạt động trong 3 chuỗi giá trị riêng biệt và có tính đặc thù của thành phố là: ô tô, đóng tàu và điện tử.
DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là cơ hội không thể bỏ lỡ.
Nghiên cứu đánh giá thực trạng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các DNNVV trên địa bàn Hải Phòng trong 3 lĩnh vực thông qua thực trạng nguồn lực về vốn, nhân lực, quản trị sản xuất, quản trị chất lượng, quản trị marketing, việc áp dụng công nghệ số, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các DNNVV trên địa bàn Hải Phòng. Đồng thời, đánh giá thực trạng liên kết giữa các DNNVV của 3 ngành và thực trạng các cơ chế chính sách, biện pháp quản lý của Nhà nước và thành phố trong việc hỗ trợ, kết nối DNNVV tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhìn chung, về nguồn nhân lực, các DNNVV trong ngành chế tạo ô tô và ngành điện tử có lực lượng lao động trẻ, khối lao động gián tiếp duy trì tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở nên cao. Năng suất lao động của các doanh nghiệp đều có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Về quản trị chất lượng, 100% DNNVV ngành chế tạo ô tô áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng phù hợp . Mức độ đảm bảo tiến độ giao hàng của các DNNVV cả 3 ngành đều cao. Về quản trị sản xuất, doanh nghiệp có chú ý đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và có kế hoạch tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất trong những năm tới. Về quản trị marketing, đa số doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận thức được vai quan trọng của hoạt động marketing trong kinh doanh. Về ứng dụng công nghệ số, doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh, doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quản lí hành chính. Về việc thực hiện trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp có ý thức về việc thực hiện trách nhiệm xã hội, có thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội khi được yêu cầu.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra những tồn tại và nguyên nhân về nguồn lực vốn như: Các DNNVV trong cả 3 ngành đều thiếu vốn để đầu tư nâng cao năng lực sản xuất. Hầu hết các DNNVV còn hạn chế về quy mô vốn, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính. Trong khi đó, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước còn gặp khó khăn, hoạt động khai thác thông tin về DNNVV của ngân hàng còn hạn chế... Đáng lưu ý, cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ phát triển DNNVV chưa hiệu quả. Về nguồn nhân lực, mặc dù ngành chế tạo ô tô và ngành điện tử có số lượng nhân lực dồi dào, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Nhưng riêng các DNNVV ngành đóng tàu gặp khó khăn trong việc đảm bảo nhu cầu nhân lực do thiếu hụt trầm trọng nhân lực ngành đóng tàu trên thị trường. Nhìn chung cả 3 ngành, đều tồn tại tình trạng chất lượng nhân lực chưa cao, đặc biệt khối lao động trực tiếp. Về quản trị sản xuất, trình độ tự động hóa của các doanh nghiệp cả 3 ngành chưa cao, năng lực sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, chưa chủ động được về nguồn cung nguyên vật liệu. Nguyên nhân chính do doanh nghiệp thiếu vốn để đầu tư nâng cao năng lực sản xuất. Về quản trị marketing, hoạt động marketing chưa hiệu quả, ít doanh nghiệp có phòng marketing chuyên trách, chưa truyền thông được hình ảnh của doanh nghiệp đến với các đối tác. Về áp dụng công nghệ số, hệ thống tiếp nhận, xử lý, lưu giữ thông tin của doanh nghiệp chưa tốt. Trình độ chuyên môn của các cán bộ chuyên trách về hoạt động áp dụng công nghệ số còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù, các DNNVV trong cả 3 ngành có ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, nhưng mức độ rất thấp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất trực tiếp. Về thực hiện trách nhiệm xã hội, các doạnh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng của việc thực hiện xã hội khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Doanh nghiệp chỉ thực hiện trách nhiệm xã hội khi được yêu cầu, chứ chưa chủ động thực hiện. Việc công bố thông tin về trách nhiệm xã hội của các DNNVV trong ngành ô tô còn hạn chế. Về sự liên kết giữa các doanh nghiệp, các liên kết ngang giữa các doanh nghiệp trong ngành còn rất yếu, gần như chưa có. Liên kết dọc giữa các doanh nghiệp với các doanh nghiệp đầu chuỗi bắt đầu hình thành nhưng còn rất hạn chế.
Bên cạnh việc dự báo tình hình và điều kiện tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các DNNVV trong 3 lĩnh vực, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các giải pháp tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp như: giải pháp nhằm hoàn thiện nguồn lực về vốn (hoàn thiện chính sách hỗ trợ; thúc đẩy và hỗ trợ quản trị rủi ro tài chính, đảm bảo an ninh tài chính; thực hiện tốt quản trị dòng tiền, duy trì khả năng thanh toán đảm bảo an toàn nguồn vốn); các giải pháp nhằm cải thiện: nguồn nhân lực, hoạt động quản trị sản xuất, quản trị chất lượng, quản trị marketing, ứng dụng công nghệ số, thực hiện trách nhiệm xã hội từ việc lập kế hoạch trách nhiệm xã hội đến công bố trách nhiệm xã hội; giải pháp nâng cao vai trò của các Hiệp hội nhằm hỗ trợ và kết nối các DNNVV Hải Phòng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; giải pháp nhằm tăng cường liên kết của các DNNVV trong chuỗi giá trị toàn cầu; giải pháp nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách của các cơ quan chức năng thành phố nhằm hỗ trợ và kết nối các DNNVV Hải Phòng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu…
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát... (30/10/2024)
- Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh... (23/10/2024)
- Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng... (21/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)