Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5763
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Cát Bà Xanh" cho sản phẩm mật ong Cát Bà (21/11/2024)

Nhiệm vụ Hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Cát Bà Xanh" cho sản phẩm mật ong Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng do Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển Thương hiệu AMC Việt Nam thực hiện, được Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện tại Sở Khoa học và Công nghệ cuối tháng 10/2023.

Ngày 27/11/2018, nhãn hiệu chứng nhận "Cát Bà Xanh" của huyện Cát Hải đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên danh tiếng của sản phẩm còn rất hạn chế (mới chỉ tập trung tại Hải Phòng). Công tác quảng bá chủ yếu bằng phương pháp truyền miệng, các hoạt động quảng bá thông qua hội chợ còn hạn chế và chưa liên tục. Bộ nhận diện nhãn hiệu không còn phù hợp, bao bì không thu hút, giá bán sản phẩm khá cao, người sản xuất và kinh doanh mật ong không có ý thức và kiến thức về cạnh tranh sản phẩm. Quy mô và sản lượng mật ong Cát Bà rất nhỏ (quy mô hộ gia đình, sản lượng 49 lít/năm); trong khi kinh tế tập thể và liên kết tiêu thụ chưa phát triển. Người dân vẫn sản xuất và kinh doanh theo thói quen thông qua kinh nghiệm. Chất lượng sản phẩm chưa được đồng đều và chưa được kiểm soát. Thói quen tự kinh doanh với sản phẩm mình làm ra, nhận thức về nhãn hiệu chứng nhận chưa đầy đủ, người sản xuất, kinh doanh mật ong vẫn còn ngại ngần và do dự khi tiếp cận và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Đây là những hạn chế lớn trong quản lý và thúc đẩy sản phẩm phát triển.

Nhãn mác sản phẩm mật ong Cát Bà Xanh. 

Từ thực tế này, Ban chủ nhiệm nhiệm vụ đã xây dựng phương án quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Cát Bà Xanh" cho sản phẩm mật ong Cát Bà, áp dụng cho từng đối tượng, từ yêu cầu đối với chủ sở hữu nhãn hiệu tới xác định chủ thể sử dụng nhãn hiệu, phân chia cấp độ quản lý nhãn hiệu và chất lượng sản phẩm (tự quản lý, quản lý nội bộ, quản lý bên ngoài). Nghiên cứu cũng thực hiện hoàn thiện các công cụ quản lý nhãn hiệu chứng nhận gồm: xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu; xây dựng Quy trình trao và thu hồi quyển sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; xây dựng Bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ sở "Cát Bà Xanh" cho sản phẩm mật ong Cát Bà; xây dựng quy định sử dụng mẫu nhãn hiệu chứng nhận, hệ thống tem, nhãn, bao bì đối với sản phẩm; xây dựng quy định sản xuất sản phẩm mật ong mang nhãn hiệu chứng nhận; xây dựng quy định kiểm soát nhãn hiệu và chất lượng sản phẩm; xây dựng hệ thống sổ sách theo dõi việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu; xây dựng sổ tay sử dụng nhãn hiệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm mật ong mang nhãn hiệu chứng nhận này.

Quảng bá nhãn hiệu "Cát Bà Xanh" cho sản phẩm mật ong Cát Bà.

Nhóm nghiên cứu cũng dự thảo mô hình sản xuất, quản lý, sử dụng, quảng bá nhãn hiệu “Cát Bà Xanh” và vận hành thử nghiệm theo 5 bước: Tăng cường năng lực quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; Xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu; Hỗ trợ thẩm định và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu; Hỗ trợ kiểm soát nhãn hiệu và chất lượng sản phẩm; Theo dõi đánh giá và hiệu chỉnh. Kết quả, đã có 04 lớp tập huấn cho các hôi sản xuất và kinh doanh mật ong được tổ chức. Năng lực về quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận đã được cải thiện và nâng cao. Xây dựng được 31 hồ sơ đăng ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho 31 chủ thể sản xuất và kinh doanh mật ong Cát Bà tại 07 xã, thị trấn, được Ủy ban nhân dân huyện (chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận) cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận…

Nhóm nghiên cứu cũng hoàn thiện mô hình sản xuất, quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Cát Bà Xanh" cho sản phẩm mật ong Cát Bà; đồng thời hỗ trợ xây dựng công cụ quảng bá, khai thác nhãn hiệu chứng nhận "Cát Bà Xanh" cho sản phẩm mật ong của huyện Cát Hải; xây dựng phương án phát triển thị trường cho sản phẩm gồm các chiến lược về: sản phẩm, thị trường mục tiêu, giá bán, quảng bá và xúc tiến thương mại…; xây dựng chuyên mục quảng bá sản phẩm.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ là cơ sở để phát triển kinh tế địa phương, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn; có khả năng nhân rộng trong vùng sản xuất; góp phần làm tăng giá trị và phát triển thương hiệu mật ong Cát Bà. Nhiệm vụ cũng góp phần tạo cơ hội kết nối giữa phát triển du lịch gắn với sản phẩm truyền thống bản địa của Cát Bà theo hướng bền vững. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả thực hiện của nhiệm vụ tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.