Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5739
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cát Hải” cho sản phẩm nước mắm của huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng (04/03/2024)

Quản lý nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) là các hoạt động của chủ sở hữu nhãn hiệu điều hành, giám sát việc sử dụng nhãn hiệu và đảm bảo chất lượng hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng nhãn hiệu. Quyền quản lý NHCN thuộc về chủ sở hữu nhãn hiệu. Quyền sử dụng NHCN thuộc về tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu trao quyền sử dụng. Tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng NHCN nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện, yêu cầu quy định tại Quy chế quản lý NHCN đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Hoạt động quản lý việc sử dụng NHCN nhằm mục đích nâng cao giá trị kinh tế cho hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận; nâng cao uy tín, danh tiếng và thị phần tiêu thụ của hàng hóa/dịch vụ mang NHCN đồng thời đảm bảo hàng hóa/dịch vụ chỉ được mang NHCN khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chứng nhận do chủ sở hữu nhãn hiệu quy định.

Nước mắm Cát Hải là nước mắm được sản xuất theo quy trình truyền thống được thủy phân từ cá và muối, phơi nắng để không khí tiếp xúc, sử dụng men tiêu hóa có sẵn trong ruột cá để ức chế vi khuẩn, chuyển protein trong thịt thành đạm dễ hấp thụ. Nước mắm trên địa bàn huyện Cát Hải được sản xuất từ cá biển với phương pháp cổ truyền đã được gìn giữ hàng thế kỷ bằng cách phân giải Protein trong cá thành Axit amin bằng phương pháp lên men tự nhiên, không dùng bất cứ loại chất xúc tác nào. Vì vậy, nước mắm huyện Cát Hải có đặc trưng riêng “Hương thơm, vị đượm, giàu dinh dưỡng”.

Trên địa bàn toàn huyện Cát Hải có khoảng trên 80 cơ sở, doanh nghiệp hộ gia đình sản xuất nước mắm, với sản lượng trung bình 7,5 triệu lít/năm với doanh thu trung bình hàng năm khoảng gần 400 tỷ đồng. Trong đó tập trung lớn vào Công ty cổ phần Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cát Hải, với thương hiệu nước mắm Cát Hải, mỗi năm sản xuất trên 5,5 triệu lít nước mắm; Công ty TNHH Quang Hải, với thương hiệu nước mắm Quang Hải, mỗi năm đưa ra thị trường 800 - 900 nghìn lít; Công ty TNHH Nguyễn Hoàng với thương hiệu nước mắm Cát Bà có sản ượng hơn 200 nghìn lít/năm. Cả 3 thương hiệu nước mắm này đều kế thừa phương pháp làm mắm truyền thống nổi tiếng của cư dân miền biển Cát Hải. Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp sản xuất và chế biến nước mắm như: Công ty TNHH Lương Hải, Công ty TNHH Chế biến Dịch vụ Thủy sản Đông Dương, Công ty TNHH Thủy sản Song Hải, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh nước mắm Đông Hải, Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Dịch vụ Hương Biển, Công ty TNHH Nam Phong Hải, ...

Sản phẩm nhãn chứng nhận của 07 doanh nghiệp được cấp quyền trưng bày tại siêu thị đặc sản Cát Bà.

NHCN “sản xuất tại Cát Hải” cho sản phẩm nước mắm của huyện Cát Hải đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ số 165802. Đây là kết quả của dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển NHCN Cát Hải cho sản phẩm nước mắm của huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng” do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện từ tháng 4/2009 đến tháng 12/2010. Dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. NHCN này đã được Sở Khoa học và Công nghệ giao cho Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là chủ thể sở hữu, tổ chức quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu. Tuy nhiên, sau khi được cấp chứng nhận nhãn hiệu “sản xuất tại Cát Hải” cho sản phẩm nước mắm của huyện Cát Hải (năm 2011) quá trình quản lý, khai thác và phát triển NHCN gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hết được tác dụng. Ba doanh nghiệp có sản lượng nước mắm lớn nhất huyện tham gia xin cấp quyền sử dụng NHCN là Công ty cổ phần Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cát Hải, Công ty TNHH Nước mắm Lương Hải và Công ty TNHH Quang Hải nhưng đến năm 2018 cả 3 doanh nghiệp này đã nộp đơn xin không tham gia do gặp phải nhiều vướng mắc, khó khăn khi thực hiện Quy chế cấp quyền, quản lý và sử dụng NHCN cho sản phẩm nước mắm của huyện đảo Cát Hải.

Nhằm phát huy hết giá trị của NHCN “sản xuất tại Cát Hải” cho sản phẩm nước mắm của huyện Cát Hải và phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thông thoáng và góp phần thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến nước mắm trên huyện Cát Hải và để thuận tiện cho công tác quản lý, cấp quyền và sử dụng NHCN. Từ tháng 06/2022 đến tháng 12/2023 Trung tâm Phát triển khoa học – công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng) đã triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ: “Hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển NHCN “Cát Hải” cho sản phẩm nước mắm của huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng”, ThS. Nguyễn Đình Vinh làm chủ nhiệm với mục tiêu: Nâng cao danh tiếng, giá trị và năng lực cạnh tranh của sản phẩm nước mắm của huyện Cát Hải trên thị trường; góp phẩn thúc đẩy phát triển nghề sản xuất nước mắm truyền thống và nâng cao thu nhập cho người người dân địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cát Hải.

Việc triển khai nhiệm vụ “Hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển NHCN “Cát Hải” cho sản phẩm nước mắm của huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng” gồm 5 nội dung: khảo sát đánh giá hiện trạng sản xuất, thị trường; đề xuất chỉnh sửa quy chế quản lý và sử dụng nhãn; xây dựng bộ nhận diện nhãn, hỗ trợ doanh nghiệp cấp quyền sử dụng NHCN; xây dựng mô hình sử dụng nhãn, mô hình bán hàng và trải nghiệm, phát triển thị trường cho sản phẩm mang NHCN. Kết quả đã khảo sát, đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng nhãn hiệu giấy chứng nhận “Cát Hải” cho sản phẩm nước mắm huyện Cát Hải; Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu “Cát Hải” cho sản phẩm nước mắm của huyện Cát Hải; Xây dựng dự thảo mô hình sản xuất, quản lý, sử dụng nhãn hiệu tại cơ sở sản xuất sản phẩm sử dụng nhãn hiệu Cát Hải cho sản phẩm nước mắm Cát Hải; Tổ chức 02 lớp đào tạo, tập huấn về quản lý, sử dụng nhãn hiệu; chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu tập thể và thương hiệu doanh nghiệp; nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý, vận hành, maketing, bán hàng. Sau 18 tháng kết thúc dự án, đã có 7 cơ sở đăng ký tham gia sử dụng nhãn (tăng 1 cơ sở so với mục tiêu ban đầu) với tổng số 29 sản phẩm được cấp quyền dán nhãn. Dự kiến sau khi đi vào vận hành ổn định sẽ có thêm từ 5-8 cơ sở sản xuất nước mắm đăng ký sử dụng nhãn. 

Nhóm tác giả thực hiện nhiệm vụ đã đưa ra khuyến nghị đối với các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng NHCN cần phải: Tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về quản lý và sử dụng NHCN, có ý thức bảo vệ chất lượng và danh tiếng của sản phẩm nước mắm truyền thống sản xuất tại Cát Hải, thực hiện theo quy trình sản xuất nước mắm truyền thống đã cam kết, thực hiện quy trình quản lý và sử dụng nhãn vì danh tiếng chung của thương hiệu nước mắm sản xuất tại Cát Hải; Thường xuyên phối hợp với Chủ sở hữu nhãn để thông tin kịp thời về quá trình sử dụng nhãn của cơ sở mình và các cơ sở khác. Chủ động phản ánh các thuận lợi, khó khăn với tổ chức quản lý NHCN trong quá trình sử dụng NHCN và triển khai các qui định liên quan tới quản lý, sử dụng NHCN để có điều chỉnh phù hợp; Chủ động trang bị cho mình những kiến thức khoa học về sản xuất và bảo quản, thực tiễn hoá kiến thức ấy thành các kĩ năng sản xuất tiên tiến, hiện đại thay đổi thói quen sản xuất, kinh doanh cũ, nhằm nâng cao hơn nữa năng suất và chất lượng sản phẩm.

Cơ quan chủ trì nhiệm vụ cũng đề xuất phát triển các kênh phân phối, định vị khách hàng và mở rộng thị trường. Để giải quyết những vấn đề khúc mắc của doanh nghiệp trong quá trình sử dụng nhãn, cơ quan chủ trì đã giải đáp, đồng hành cũng các doanh nghiệp trong quá trình xin cấp quyền, thiết kế, in ấn bao bì và đưa sản phẩm kết hợp với du lịch để quảng bá sản phẩm nhằm tăng doanh thu cho cơ sở. Để quảng bá sản phẩm và lợi ích tham gia NHCN trực tiếp và trực tuyến, dự án cũng đã biên soạn, thiết kế sổ tay, kỷ yếu và tờ rơi đặt tại các điểm bán hàng, triển lãm, khách sạn để tăng độ nhận biết của người tiêu dùng.Nhiệm vụ triển khai góp phần nâng cao danh tiếng của sản phẩm nước mắm truyền thống tại huyện Cát Hải. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, tạo cơ hội việc làm cho người sản xuất mắm truyền thống tại huyện Cát Hải. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.