Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 47412
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN

Hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể "Gà Trân Châu - đặc sản Cát Bà - Hải Phòng" cho sản phẩm gà Liên Minh, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng (18/01/2024)

Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố: Hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể "Gà Trân Châu - đặc sản Cát Bà - Hải Phòng" cho sản phẩm gà Liên Minh, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, được tư vấn đánh giá, nghiệm thu tại Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng vào tháng 10/2023. Nhiệm vụ đặt ra mục tiêu: Đánh giá thực trạng tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gà Liên Minh, thực trạng quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Gà Trân Châu - đặc sản Cát Bà - Hải Phòng”, quy chế quản lý và sử dụng NHTT “Gà Trân Châu - đặc sản Cát Bà - Hải Phòng”; Rà soát, củng cố và xây dựng các công cụ quản lý và sử dụng NHTT “Gà Trân Châu - Đặc sản Cát Bà - Hải Phòng”; Phát triển thị trường và Tăng cường năng lực chủ thể quản lý và sử dụng NHTT “Gà Trân Châu - đặc sản Cát Bà - Hải Phòng”.

Nghiên cứu cho thấy, gà Trân Châu là giống gà nội địa đặc hữu với nhiều đặc điểm sinh học quý. Kết quả khảo sát khẳng định, 100% danh tiếng gà Trân Châu là gắn với giống gà Liên Minh bản địa. Hiện nay, hoạt động chăn nuôi gà của người dân vẫn theo quy mô nông hộ (nuôi tại vườn nhà) với tỉ lệ 96,8%; quy mô trang trại (nuôi tại các áng chăn nuôi riêng với số lượng gà từ trên 100 con) là 3,2%. 51% số hộ có nuôi gà Trân Châu thực hiện theo cách nuôi chăn thả hoàn toàn tự nhiên (thả kiếm ăn tự do, chuồng trại chỉ cần khi gà ấp nở), 46,8% nuôi theo phương thức bán chăn thả theo đó gà được nuôi trong vườn nhà, vườn đồi, có hàng rào bảo vệ, có nền chuồng, chỉ một số ít hộ (2,2%) nuôi nhốt chuồng. Địa bàn tiêu thụ gà Trân Châu chủ yếu trong huyện Cát Hải (chiếm 78%), 21% tiêu thụ ở các huyện khác trên địa bàn Hải Phòng, số lượng sản phẩm tiêu thụ ở các tỉnh khác rất thấp, chỉ chiếm 1%. Từ kết quả điều tra, khảo sát về hiện trạng sản xuất kinh doanh gà Trân Châu trên địa bàn huyện Cát Hải, có thể thấy, việc thúc đẩy thương mại, phát triển gà Trân Châu, tăng cường khai thác giá trị của NHTT “Gà Trân Châu - đặc sản Cát Bà - Hải Phòng” đã được bảo hộ là phù hợp; tuy nhiên hoạt động quản lý và phát triển NHTT đã được bảo hộ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Sổ tay sử dụng NHTT “Gà Trân Châu - đặc sản Cát Bà - Hải Phòng”.

Theo đánh giá về hiện trạng quản lý, sử dụng NHTT “Gà Trân Châu - đặc sản Cát Bà - Hải Phòng”, có tới 99% các hộ tham gia khảo sát chưa sử dụng NHTT đã được bảo hộ cho sản phẩm gà Trân Châu, 86% số hộ chăn nuôi gà mong muốn được sử dụng NHTT này. Quy chế quản lý và sử dụng NHTT "Gà Trân Châu" tuy đã được ban hành nhưng chưa có đầy đủ nội dung theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành; một số quy định còn chưa rõ ràng, chuẩn xác để đảm bảo làm cơ sở, công cụ cho hoạt động quản lý, sử dụng NHTT đối với cả người sử dụng NHTT là các hộ chăn nuôi và kinh doanh gà Trân Châu cũng như Hội nông dân xã Trân Châu, tổ chức chủ sở hữu NHTT. Vì vậy, Quy chế này cần được rà soát và điều chỉnh phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn sản xuất, kinh doanh gà Trân Châu.

Trước những thực trạng trên, nhiệm vụ tiến hành rà soát, chỉnh sửa quy chế quản lý và sử dụng NHTT “Gà Trân Châu - đặc sản Cát Bà - Hải Phòng”; xây dựng quy trình cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu; xây dựng quy định kỹ thuật sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu; xây dựng hệ thống sổ sách theo dõi việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu; xây dựng sổ tay sử dụng nhãn hiệu; xây dựng dự thảo mô hình sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn NHTT “Gà Trân Châu - đặc sản Cát Bà - Hải Phòng” cho sản phẩm gà Liên Minh, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng và vận hành thử nghiệm và hoàn thiện mô hình sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn NHTT “Gà Trân Châu - đặc sản Cát Bà - Hải Phòng” cho sản phẩm gà Liên Minh, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Hoạt động phát triển thị trường được triển khai với việc xây dựng và sản xuất các công cụ nhận diện và quảng bá sản phẩm; xây dựng phương án phát triển thị trường cho sản phẩm gồm 02 phần: phân tích bối cảnh sản xuất và tiêu thụ gà Liên Minh và phương án phát triển thị trường cho sản phẩm mang NHTT “Gà Trân Châu - đặc sản Cát Bà - Hải Phòng”. Các giải pháp đề xuất phát triển thị trường gồm: xác định phân khúc thị trường và nguồn lực phát triển; xác định nguồn lực cho phát triển thị trường; xây dựng chiến lược về sản phẩm và giá cả; chiến lược quảng bá sản phẩm; các biện pháp hỗ trợ để tổ chức triển khai các nội dung phát triển thị trường. Để thực hiện mục tiêu thúc đẩy thương mại sản phẩm, khai thác mạnh mẽ hơn nữa NHTT “Gà Trân Châu - đặc sản Cát Bà - Hải Phòng”, nhóm nghiên cứu cũng đã triển khai xây dựng 01 bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm, 01 website quảng bá sản phẩm và NHTT, xây dựng hệ thống tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm sử dụng mã truy hồi nhanh QRcode… 

Nhằm tăng cường năng lực chủ thể quản lý và sử dụng NHTT này, nhóm nghiên cứu tổ chức 06 lớp tập huấn cho 2 nhóm đối tượng là cán bộ, tổ chức tập thể chủ sở hữu NHTT và cán bộ quản lý địa phương cùng cán bộ chăn nuôi, kinh doanh gà Trân Châu.

 

Trao quyền sử dụng NHTT cho 22 hộ gia đình chăn nuôi gà Trân Châu.

Việc triển khai nhiệm vụ đã góp phần nâng cao được nhận thức của các hộ gia đình sản xuất và kinh doanh gà và cán bộ tổ chức chủ sở hữu NHTT là Hội nông dân xã Trân Châu về giá trị kinh tế của sản phẩm gà đặc sản của địa phương mang thương hiệu cộng đồng (NHTT sử dụng tên địa danh: Gà Trân Châu - đặc sản Cát Bà). Nhận thức về giá trị giúp cải thiện nhận thức về việc duy trì chất lượng, danh tiếng của sản phẩm đặc sản địa phương và nỗ lực liên kết để cùng phát triển. Kết quả nhiệm vụ là cơ sở để phát triển kinh tế của các hộ gia đình nói chung và địa phương nói riêng, nâng cao khả năng cạnh tranh và thương hiệu của sản phẩm gà Liên Minh; đồng thời góp phần quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ, từ đó mở rộng phát triển sản phẩm. Thành công của nhiệm vụ còn là trước khi thực hiện nhiệm vụ, nhãn hiệu tập thể mới chỉ được cấp quyền cho 03 hộ dân; nhưng sau khi triển khai đã tổ chức vận hành thí điểm mô hình quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể (xây dựng phương án vận hành mô hình quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể, tổ chức trao quyền sử dụng) cho 22 hộ chăn nuôi và kinh doanh gà Trân Châu. Các sản phẩm của nhiệm vụ là cơ sở giúp phát triển nhãn hiệu tập thể "Gà Trân Châu - đặc sản Cát Bà - Hải Phòng" cho sản phẩm gà Liên Minh, huyện Cát Hải có điều kiện, cơ hội phát triển thị trường sang các địa phương, các kênh tiêu thụ sản phẩm tiềm năng, uy tín như hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, có cơ hội đến với nhiều đối tượng người tiêu dùng hơn. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Nhiệm vụ tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.