Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 19133
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và đời sống

Máu người có thể chuyển sang màu xanh được không? (20/09/2023)

Trong giới tự nhiên, hầu hết các loại động vật đều có máu màu đỏ, nhưng có một số ít loài như bạch tuộc hay cua móng ngựa, máu của chúng lại có màu xanh da trời.

Ở con người, máu sẽ không thể nào chuyển sang màu xanh da trời được. Vì thành phần quan trọng trong máu là tế bào hồng cầu, trong hồng cầu thì có rất nhiều hemoglobin. Đây là loại protein rất giàu chất sắt và tạo nên màu đỏ đặc trưng của máu, hemoglobin mang oxy đi khắp cơ thể, máu càng giàu oxy thì màu đỏ càng sáng.

Khi máu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể thì nồng độ sẽ giảm xuống. Hệ quả là máu sẽ có màu đỏ đậm hơn. Màu đỏ đậm này chính là một trong những nguyên nhân khiến tĩnh mạch dưới da có màu xanh.

Dù máu đỏ không chuyển sang màu xanh da trời nhưng có thể chuyển sang một màu xanh khác. Một số người mắc phải một tình trạng hiếm gặp được gọi là sulfhemoglobinemia, máu của họ sẽ có màu xanh lá cây đậm. Tuy nhiên, sự thay đổi màu sắc máu này chỉ là tạm thời mà thôi.

Sulfhemoglobinemia xảy ra thường do tác dụng phụ của một số loại thuốc có chứa sulfur, tức lưu huỳnh. Các tương tác hóa học giữa sulfur với hemoglobin khiến các phân tử sắt cấu thành hemoglobin bị oxy hóa chuyển thành trạng thái sắt ferric. Không những vậy, các phân tử sulfur liên kết với các phân tử hemoglobin tạo thành sulfhemoglobin. Hệ quả của những tương tác hóa học này là khiến máu chuyển sang màu xanh lá cây đậm. Tuy nhiên, máu thường sẽ trở lại màu đỏ tự nhiên sau khi tế bào hồng cầu mới được tạo ra.

Triệu Cẩm Tú (NASATI), tổng hợp 20/9/2023

Ngày cập nhật: 20/9/2023

https://vista.gov.vn/vi/news/khoa-hoc-doi-song/mau-nguoi-co-the-chuyen-sang-mau-xanh-duoc-khong-7330.html