Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5755
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Một số giải pháp tăng cường công tác giáo dục chính trị đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030 (06/03/2024)

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là bộ phận đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Đây là hoạt động của Đảng tác động đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhằm truyền bá, phát triển chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng còn phải đi trước, mở đường cho việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là với những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Đặc biệt, trong những năm thực hiện đường lối đổi mới, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đã có những đóng góp hết sức quan trọng, góp phần tạo nên những thắng lợi và thành tựu của sự nghiệp đổi mới đất nước, đưa thế và lực của nước ta ngày càng được nâng lên.

Thế hệ trẻ nói chung, tầng lớp học sinh, sinh viên nói riêng có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, gắn liền với tương lai, vận mệnh của Tổ quốc. Thế hệ trẻ hôm nay chính là những người nắm trong tay vận mệnh của đất nước ngày mai. Đất nước thịnh hay suy, Tổ quốc hùng cường hay suy yếu, tất cả phụ thuộc vào ý chí phấn đấu mãnh liệt hay yếu hèn, vào tinh thần trách nhiệm cao hay thấp, vào nhận thức đúng đắn hay sai lầm của tuổi trẻ hôm nay về giá trị và sự định hướng giá trị mà họ đang hướng tới. Ý chí phấn đấu, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, nhận thức đúng đắn, thế giới quan, nhân sinh quan trong sáng, lành mạnh, những chuẩn mực giá trị của tuổi trẻ lại phụ thuộc vào hiệu quả, chất lượng của nền giáo dục, của công tác giái dục nói chung mà trước hết nổi bật nhất, có tính quyết định chính nhất là công tác giáo dục chính trị. Công tác giáo dục chính trị cho thế hệ trẻ hôm nay đang quyết định tương lai, quyết định vận mệnh của Tổ quốc ngày mai. Giáo dục chính trị là hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết cho học sinh, sinh viên về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; chính sách, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm từng bước xây dựng thế giới quan khoa học đúng đắn, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị; hình thành nên phẩm chất đạo đức, lối sống, niềm tin, năng lực hoạt động thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nhằm nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác giáo dục chính trị đối với học sinh, sinh viên từ đó đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác giáo dục chính trị đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030. Năm 2023 Ban Tuyên giáo Thành ủyHải Phòng được phê duyệt triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố: “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp tăng cường công tác giáo dục chính trị đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030”, ThS. Nguyễn Văn Hiểu - Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy làm chủ nhiệm, nhiệm vụ được Hội đồng tư vấn, nghiệm thu đánh giá xếp loại xuất sắc vào năm 2023.

Hội đồng tư vấn, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Sau 06 tháng triển khai, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, khách quan, khoa học về thực trạng công tác giáo dục chính trị đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố trong thời gian từ 2018 đến nay. Nhóm nghiên cứu đã triển khai khảo sát, học tập kinh nghiệm tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Thái Nguyên. Qua đó đã rút ra được các bài học kinh nghiệm trong công tác giáo dục chính trị đối với học sinh, sinh viên có thể vận dụng vào quá trình triển khai thực hiện tại thành phố Hải Phòng bao gồm: cần tăng cường nâng cao nhận thức và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác giáo dục chính trị; xây dựng và phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giáo dục chính trị; tăng cường giáo dục chính trị bằng phương pháp nêu gương, trước hết là thầy, cô giáo, cha mẹ học sinh, sinh viên; tăng cường công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên trong học tập, nghiên cứu khoa học, giáo dục kỹ năng sống; tăng cường nâng cao nhận thức, trách nhiệm của học sinh, sinh viên đối với việc học tập, rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao kiến thức các môn học và kiến thức về pháp luật, chính trị; thường xuyên quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động giáo dục trong các nhà trường và các thiết chế văn hóa trong cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời bổ khuyết những nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị đối với học sinh, sinh viên trong các nhà trường.

Kết quả khảo sát thực trạng công tác giáo dục chính trị đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố cho thấy Thành uỷ và các cấp uỷ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của nhà trường và ngành giáo dục thành phố. Nhận thức của cán bộ, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên và nhân dân thành phố về công tác giáo dục chính trị trong nhà trường được nâng lên. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên được tăng cường. Việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được cụ thể hoá bằng hành động và các tiêu chí trong công tác, học tập của từng cán bộ, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên. Tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt trong tổ chức Đoàn, Hội trong nhà trường được củng cố và phát triển. Tỷ lệ học sinh, sinh viên được kết nạp Đảng ngàng càng tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Vai trò của cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên trong nhà trường được phát huy. 

Tuy nhiên, công tác giáo dục chính trị đối với học sinh, sinh viên ở một số địa phương, nhà trường trên địa bàn thành phố còn chưa thực hiện một cách đầy đủ, kịp thời, hiệu quả; việc giảng dạy các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kinh tế và pháp luật, giáo dục công dân chưa được quan tâm đúng mức; sức chiến đấu của đảng viên, nhất là đảng viên học sinh, sinh viên và năng lực lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức Đảng ở nhiều trường còn chưa cao; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các lực lượng công tác giáo dục chính trị còn hạn chế, nhất là đối với các trường Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng và Đại học…Nhằm phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, để nâng cao chất  lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều thay đổi nhanh chóng, khó lường của tình hình thế giới, khu vực, trong nước và thành phố. Đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; huy động được sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và sự đồng thuần của Nhân dân thành phố trong công tác giáo dục – đào tạo, công tác xây dựng Đảng trong trường học và công tác giáo dục chính trị đối với học sinh, sinh viên.

Trên cơ sở dự báo tình hình và những yêu cầu đặt ra đối với công tác giáo dục chính trị đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố trong thời gian tới và từ hệ thống lý luận, tổng kết thực tiễn, nhóm nghiên cứu đã xây dựng hệ thống 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời đề xuất Ban Thường vụ Thành uỷ ban hành Chỉ thị về “Tăng cường công tác giáo dục chính trị đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030”, cụ thể như sau: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương về công tác giáo dục chính trị đối với học sinh, sinh viên; Tăng cường công tác tuyền truyền, giáo dục chính trị của tổ chức Đoàn, Hội; Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, hội đồng trường, ban giám hiệu các nhà trường về công tác giáo dục chính trị; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của học sinh, sinh viên đối với công tác giáo dục chính trị; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức và đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia trực tiếp vào công tác giáo dục chính trị đối với học sinh, sinh viên; Đa dạng hoá nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục chính trị; Xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các lực lượng xã hội trong công tác giáo dục chính trị; Tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục chính trị đối với học sinh, sinh viên các nhà trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố.

Kết quả nghiên cứu là tài liệu tham khảo tốt cho các địa phương, các ban tuyên giáo trong cả nước, cho các trường phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học và một số cơ quan nghiên cứu. Đồng thời, có thể tiếp tục mở rộng nghiên cứu, biên soạn sách, tài liệu về kiến thức, phương pháp, tổ chức hoạt động giáo dục chính trị cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường không chỉ trong thành phố Hải Phòng mà có thể áp dụng được cho các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sản phẩm nghiên cứu sẽ là căn cứ lý luận và thực tiễn khoa học để tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị tăng cường công tác giáo dục chính trị, giúp cấn ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhà trường, cán bộ, đảng viên, giảng viên, giáo viên và nhân dân nghiên cứu, vận dụng, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị đối với học sinh, sinh viên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, phát huy tối đa nội lực thực hiện thành công mục tiêu giáo dục nói chung, giáo dục chính trị nói riêng, xây dựng tổ chức đảng trong trường học trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thành phố; xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước và thành phố, xây dựng thành phố trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.