Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 53289 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu các giải pháp để phục tráng và phát triển vùng sản xuất quýt Gia Luận, huyện Cát Hải, Thành phố Hải Phòng (19/12/2023)
Diện tích trồng cam, quýt ở Việt Nam ngày càng được mở rộng, việc phát triển cây cam, quýt được xem như là một giải pháp hữu ích trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân hạn chế sự phát triển của cam quýt là do sự gây hại nghiêm trọng của nhiều côn trùng và bệnh hại đặc biệt là bệnh Greening (Bộ NN & PTNT, 2004). Hiện nay không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đang phải đương đầu và gánh chịu những thiệt hại lớn do sự suy thoái nhanh chóng của các vườn trồng cam, quýt. Bệnh lây lan nhanh và tàn phá nặng nề ở các vườn trồng tập trung, các vườn hộ gia đình.
Xã Gia Luận nằm ở cửa ngõ phía Bắc đảo Cát Bà, huyện Cát Hải thành phố Hải Phòng, tiếp giáp với vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới, là đầu mối giao thông đường thủy nội địa từ Quảng Ninh sang đảo Cát Bà và cũng là điểm đầu xuất phát đường trục huyện từ bến Gia Luận đến trung tâm huyện và các xã phụ cận nằm trên đảo Cát Bà, là vùng đất có bề dầy lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng, còn là nơi bảo tồn và lưu giữ được những giá trị văn hóa của người Việt cổ cách đây 3 vạn năm.
Diện tích tự nhiên toàn xã có 9042,55 ha, (diện tích núi đá vôi chiếm tới 90%;10% diện tích còn lại gồm các bãi bồi phù sa cổ phong hóa từ nền trầm tích đá vôi, đất có độ phì cao, giàu dinh dưỡng và nhiều khoáng chất, rất phù hợp với một số loài cây ăn quả có năng xuất cao, chất lượng tốt trong đó có giống cam giấy Gia Luận, loài cây đặc hữu với nhiều phẩm chất ưu việt về giá trị dinh dưỡng, màu sắc, hương vị vượt trội so với các giống cam quýt khác như cam Vinh, cam Bố Hạ, quýt giấy Lạng Sơn... Cam Gia Luận thuộc loại cam bóc (nhóm quýt C.nobilis, sau đây sẽ gọi là quýt Gia Luận) có rất lâu đời trên địa bàn xã Gia Luận, huyện Cát Hải. Cam được dùng để tiến vua của người dân xã Gia Luận, đây là nguồn gen cây trồng quý hiếm cần được bảo tồn, là một trong mười tám đặc sản của Hải Phòng được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, đã được chỉ dẫn địa lý. Nhãn hiệu Cam Gia Luận đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu
Quýt Gia Luận là cây lâu năm có thân, tán lớn hình cầu hoặc bán cầu, cây cao trung bình trên 3m, lá nhỏ, cành ngắn và mau, không có thân chính rõ rệt. Cây có sinh trưởng khoẻ, chống chịu sâu bệnh tốt, thích ứng với đất trồng hẹp, tầng canh tác dày, nhiều mùn, có khả năng giữ nước và thoát nước tốt. Quả có hình cầu dẹt, vỏ nhẵn, bóng, khi chín vỏ màu đỏ da cam hằn rõ múi và rất mỏng, không hạt, hoặc 2 – 4 hạt, trọng lượng quả 120 – 180 g. Quả có mùi thơm đặc trưng, múi mỏng và dễ bóc tách, tép nhỏ, mịn và mọng nước. Khi ăn có vị ngọt đượm vừa phải pha lẫn vị chua dịu có “hậu”.
Năm 2013 quýt Gia Luận bán tại vườn có giá từ 30 – 40 nghìn đồng 1kg, với năng suất từ 4 -5 tấn/ha, cây quýt Gia Luận đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, do đó cây quýt được phát triển trồng ở nhiều nơi trong xã. Tuy nhiên diện tích trồng quýt đã và đang bị suy giảm mạnh. Theo phòng Nông nghiệp huyện Cát Hải, từ năm 2001 diện tích quýt Gia Luận tại xã Gia Luận khoảng 50ha đến nay chỉ còn khoảng 20ha tập trung ở các vùng xa vùng nguyên sản, những diện tích trồng mới trên đất đã canh tác quýt trước đây đều sinh trưởng kém, có hiện tượng thoái hóa, nhiễm sâu bệnh nặng, đặc biệt bệnh vàng lá, năng suất và chất lượng vườn cây thấp, nguy cơ suy thoái vùng sản xuất quýt truyền thống.
Với định hướng phát triển một số cây trồng bản địa hiệu quả kinh tế thay thế một số cây trồng kém hiệu quả, thực hiện chủ trương của huyện về phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương thì cây quýt Gia Luận là sự lựa chọn trong cơ cấu cây trồng hiện nay của huyện Cát Hải nói chung và xã Gia Luận nói riêng. Tuy nhiên nếu cứ mở rộng diện tích mà không đề xuất được các gói giải pháp đi cùng sẽ dẫn tới không ổn định, người dân lâm vào cảnh trồng rồi lại chặt bỏ. Đứng trước thực tế đó, Viện Bảo vệ thực vật đã triển khai đề tài “Nghiên cứu các giải pháp để phục tráng và phát triển vùng sản xuất quýt Gia Luận, huyện Cát Hải, Thành phố Hải Phòng” do Nguyễn Nam Dương làm chủ nhiệm. Đề tài được Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu vào ngày 23/4/2018 tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã bàn giao cho Trung tâm phát triển khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo Hải Phòng 10 cây So sạch bệnh được trồng, chăm sóc trong nhà lưới chống côn trùng của trung tâm nhằm bảo tồn nguồn gen và phục vụ cho công tác nhân giống để phát triển cây quýt Gia Luận của địa phương.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành xác định nguyên nhân gây hiện tượng vàng lá, tuyển chọn cây đầu dòng, vi ghép đỉnh sinh trưởng để phục tráng lưu giữ nguồn gen giống quýt Gia Luận, đồng thời nghiên cứu các giải pháp khắc phục hiện tượng vàng lá và xây dựng mô hình trồng mới áp dụng các giải pháp để quản lý tổng hợp sâu bệnh hại và chống tái nhiễm bệnh greening và các bệnh virus khác nhằm từng bước khôi phục và phát triển vùng sản xuất kết quả thu được như sau:
Nguyên nhân gây hiện tượng vàng lá quýt Gia Luận do kỹ thuật canh tác của người dân chưa tốt. Sâu bệnh gây hại nặng trong đó bệnh Greening, Tristeza, nấm Pythium sp gây hại mạnh nhất.
Đã bình tuyển được 05 cây đầu dòng có năng suất và chất lượng tốt, được sở Nông nghiệp & PTNT thành phố Hải Phòng công nhận và cấp mã số. Đã vi ghép và lựa chọn được 10 cây mẹ So sạch bệnh Greening và Tristeza, cây được trồng và chăm sóc trong nhà lưới Viện Bảo vệ thực vật, các cây đều sinh trưởng và phát triển tốt. Các cây So sạch bệnh sẽ được chuyển giao cho địa phương phục vụ cho công tác nhân giống quýt Gia Luận Sạch bệnh.
Bón phân hữu cơ kết hợp bón phân theo năng suất vụ trước giúp tăng độ phì và dinh dưỡng trong đất, tăng kích thước lá và chiều dài cành lộc, giảm hiện tượng vàng lá do thiếu dinh dưỡng.
Thuốc Abafax 3.6EC có hiệu lực phòng trừ rầy chổng cánh cao nhất 83,2%, sau 14 ngày phun, thuốc Comite 73EC + Nissorun 5EC sau 3 ngày có hiệu quả phòng trừ nhện đỏ đạt 80,5% , sau 14 ngày xử lý hiệu quả đạt 87,3%.
Đã sản xuất được 1500 cây quýt Gia Luận sạch bệnh cung cấp cho 02ha mô hình trồng mới với 6 hộ gia đình tham gia trên địa bàn xã Gia Luận. Cây trong mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, chiều cao cây từ 167,8 – 262,5cm; đường kính tán từ 153,2 – 258,4cm. Các vườn mô hình đã ra hoa, đậu quả. Tỉ lệ ra hoa đạt từ 21,4 – 72,1% tỉ lệ đậu quả đạt từ 16,7 – 64,7%.
Đã tổ chức 01 lớp tập huấn cho 30 lượt cán bộ và người dân xã Gia Luận về kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây quýt Gia Luận.
Đề tài đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung và đã đạt được mục tiêu phục tráng thành công giống quýt Gia Luận. Đề tài đã xây dựng được 01 quy trình trồng và chăm sóc cây quýt Gia Luận sạch bệnh phù hợp với điều kiện của địa phương.
Đề tài đã góp phần đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến về trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây có múi nói chung và cây quýt Gia Luận nói riêng tới người dân xã Gia Luận, góp phẩn thay đổi nhận thức của người dân trồng quýt từ chỗ trồng trọt theo kinh nghiệm lạc hậu sang thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây quýt Gia Luận, hướng tới hình thành vùng sản suất hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế và du lịch cho địa phương.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.
- Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật đốt các tổn thương ác tính ở gan bằng vi sóng tại Bệnh... (19/08/2024)
- Xây dựng mô hình nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris tại Hải Phòng (14/08/2024)
- Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thăm dò huyết động bằng phương pháp PiCCO trong điều... (07/08/2024)
- Xây dựng mô hình sản xuất giống invitro cây Sâm cau (Curculigo orchioides Gaetn.)... (05/08/2024)
- Xây dựng mô hình sinh sản nhân tạo giống cá trắm đen (Mylopharyngodon piceus) tại... (01/08/2024)
- Xây dựng mô hình ứng dụng thiết bị cơ giới hóa sản xuất nuôi trồng nấm ăn tại phường... (29/07/2024)