Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5684
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII trên địa bàn thành phố Hải Phòng (22/02/2024)

Trong những năm 2010-2019, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn thành phố đã được quan tâm, chú trọng và đạt được nhiều kết quả. Quy mô đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được mở rộng với nội dung chương trình bồi dưỡng đa dạng, hình thức thực hiện phong phú, góp phần nâng cao trình độ, nhận thức lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn thành phố theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vẫn còn những bất cập, hạn chế thể hiện ở nhiều mặt. Về nội dung chương trình, mặc dù đã ngày càng được hoàn thiện song vẫn còn nặng về lý thuyết, yếu về kỹ năng, và chưa chú trọng rèn luyện đạo đức, ý thức chính trị. Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy còn hạn chế về kiến thức thực tiễn. Phương pháp giảng dạy, hình thức tổ chức, công tác quản lý chất lượng còn hạn chế. Cơ chế chính sách, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị còn nhiều bất cập. Cùng với đó, xuất phát cả từ hạn chế về nhận thức của bản thân học viên tham gia, dẫn tới mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ đảng viên chưa đảm bảo hết. Vẫn còn tình trạng cán bộ đảng viên nhận thức sai lệch, có vi phạm và bị thi hành kỷ luật. Đứng trước thực tế đó, Trường Chính trị Tô Hiệu đã triển khai đề tài nghiên cứu cấp thành phố “Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII trên địa bàn thành phố Hải Phòng” do ThS. Nguyễn Văn Hiểu làm chủ nhiệm. Đề tài được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu ngày 26/7/2020 tại Sở Khoa học và công nghệ.

Đề tài đã đánh giá được thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trên địa bàn thành phố với những nội dung sau: Sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị, nhà trường trong xây dựng kế hoạch, đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và sự phù hợp của phương pháp, hình thức dạy và học với nội dung chương trình và người học; Năng lực của giảng viên, công tác quản lý học viên, kiểm tra, quản lý chất lượng dạy, học và điều kiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động; Kết quả đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và thái độ, ý thức, trách nhiệm của học viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng.

 

Qua nghiên cứu đánh giá thực trạng công tác này từ năm 2010 đến nay trên địa bàn thành phố Hải Phòng đạt được những kết quả sau: Các cấp ủy, chính quyền thành phố có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; Các cơ quan, đơn vị và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn thành phố đã phối hợp thực hiện đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ trong xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; Quy mô đào tạo bồi dưỡng ngày càng mở rộng với nội dung chương trình đa dạng; Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị từng bước được đổi mới hợp lý hơn và đa dạng, phong phú; Tăng cường trách nhiệm và huy động được sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau cùng phối hợp quản lý với nhiều biện pháp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số điểm bất cập, hạn chế cơ bản sau: Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng đắn, toàn diện về công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chưa gắn đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị với chính sách cán bộ, chưa quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên tham gia học tập lý luận chính trị; Việc phối hợp xây dựng kế hoạch chưa có chiến lược dài hạn, quá trình phối hợp ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị hàng năm còn chậm, thụ động, dẫn tới thời gian mở lớp chưa hợp lý, chưa phối hợp đầy đủ trong đánh giá kết quả; Một số chương trình nội dung còn nặng về lý thuyết, hàn lâm, phân bổ thời gian chưa hợp lý, thiếu tính hệ thống, liên thông và chưa phân loại theo đối tượng học viên; phương pháp giảng dạy chưa đạt hiệu quả; Lực lượng giảng viên còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu; Một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị, chưa tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình học tập,....

Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII trên địa bàn thành phố, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các nhóm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đảm bảo xây dựng một đội ngũ vừa có phương pháp luận đúng đắn, nhãn quan chính trị rộng lớn vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, góp phần thực hiện mục tiêu chung của thành phố và của đất nước cụ thể: 

Nhóm giải pháp nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên và công tác quản lý học viên, kiểm tra, quản lý chất lượng dạy và học trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trên địa bàn thành phố: Nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; Nâng cao chất lượng công tác quản lý học viên, kiểm tra và quản lý chất lượng dạy và học lý luận chính trị tại Trường Chính trị Tô Hiệu và các Trung tâm Chính trị các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Nhóm giải pháp về đổi mới nội dung, chương trình; phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị trên địa bàn thành phố: Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên của thành phố phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Đổi mới phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị.

Nhóm giải pháp về tăng cường phối hợp giữa cơ quan, đơn vị, nhà trường; nâng cao nhận thức, sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và nâng cao ý thức, trách nhiệm, mức độ tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên trong quá trình tham gia đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị: Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; Tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền thành phố đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; Nâng cao ý thức, trách nhiệm và mức độ tích cực, chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên trong quá trình học tập, tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Nhóm giải pháp tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí và đổi mới cơ chế chính sách về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị: Tăng cường điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại Trường Chính trị Tô Hiệu và các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện trên địa bàn thành phố; Đổi mới cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Những giải pháp mà đề tài đưa ra sẽ là căn cứ để Thành phố xây dựng Kế hoạch đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức hàng năm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả về kinh phí, về thời gian và đặc biệt là để quản lý cán bộ, làm căn cứ cho công tác đánh giá và bổ nhiệm cán bộ.

Kết quả của đề tài là cơ sở để thực hiện việc đổi mới về nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị nhằm nâng cao nhận thức, tư duy, năng lực cán bộ, đảng viên theo những tiêu chuẩn nhất định; đồng thời trang bị, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc cho cán bộ, đảng viên. Qua đó, từng bước khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, tình trạng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên… dần củng cố lại niềm tin của Nhân dân với Đảng. Đồng thời đề tài còn là cơ sở xây dựng tiêu chuẩn đánh giá năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo; là cơ sở cho việc đề xuất về chế độ, chính sách của Nhà nước trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và cũng là cơ sở góp phần quan trọng vào lộ trình xây dựng Trường Chính trị Tô Hiệu sớm đạt tiêu chí trường chính trị chuẩn theo chỉ đạo của Ban Bí thư về công tác trường chính trị trong thời gian tới./.

 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.