Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5752
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp phòng chống các loài sinh vật ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại trên địa bàn thành phố Hải Phòng (13/03/2024)

Sự xâm lấn của các loài sinh vật ngoại lai là mối đe dọa nghiêm trọng và nguy hiểm đối với các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học bản địa. Chúng gây ra những hậu quả lâu dài cho các hệ sinh thái, phá vỡ cân bằng sinh thái và làm suy yếu các chức năng của hệ sinh thái; đồng thời gây ra những tác động có hại và không đảo ngược cho đa dạng sinh học: thay thế và làm giảm số lượng quần thể loài bản địa, là nguyên nhân gây ra sự tuyệt chủng, biến mất của nhiều loài sinh vật bản địa. Hàng năm, sinh vật ngoại lai gây ra thiệt hại lớn về kinh tế như tổn thất trong sản xuất, chi phí phòng chống và thiệt hại về các dịch vụ sinh thái. Ngoài ra, các loài sinh vật ngoại lai còn tác động xấu đến môi trường văn hóa xã hội, sức khỏe cộng đồng.

Tại Hải Phòng, sự phát triển bùng phát của các loài ngoại lai xâm hại đang là nguy cơ lớn làm suy giảm đa dạng sinh học hoặc dẫn đến tuyệt chủng các loài bản địa có giá trị kinh tế, phá vỡ cân bằng môi trường sinh thái, gây suy giảm nghiêm trọng đến nguồn vốn tự nhiên cho sự phát triển của các ngành kinh tế theo hướng bền vững. Do vậy, việc triển khai đề tài “Nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp phòng chống các loài sinh vật ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại trên địa bàn thành phố Hải Phòng” là cần thiết.

Thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã đánh giá hiện trạng và tác động của các loài ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Trong đó, đã xác định được 37 loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn thành phố Hải Phòng với 07 loài sinh vật có mức độ xâm hại Đỏ, 25 loài sinh vật có mức độ xâm hại Cam và 05 loài thuộc diện nghi ngờ khả năng xuất hiện hoặc được ghi nhận xuất hiện trước đây trên địa bàn thành phố Hải Phòng thuộc danh mục Vàng. Các loài phân bố trên hệ sinh thái thủy vực nội địa có 9 loài, hệ sinh thái đất ngập nước ven biển có 2 loài, hệ sinh thái nông nghiệp nhiều nhất có 24 loài, hệ sinh thái khu dân cư có 15 loài, hệ sinh thái rừng - trảng cỏ - bụi cây có 18 loài. Nghiên cứu cũng cho thấy hai sinh cảnh thuộc hệ sinh thái nông nghiệp là sinh cảnh đồng lúa và ruộng hoa màu có nhiều loài ngoại lai xâm hại xuất hiện nhất với 24 loài, bao gồm cả động vật và thực vật. Các loài ngoại lai xâm hại xuất hiện tại các điểm khảo sát trên toàn bộ địa bàn thành phố. Những quận trung tâm thành phố có ít loài xuất hiện hơn các huyện có diện tích của hệ sinh thái nông nghiệp.

Khảo sát các loài sinh vật ngoại lai.

Về hiện trạng quản lý các loài ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại trên địa bàn thành phố Hải Phòng, nhìn chung, thành phố đã quyết liệt triển khai các chủ trương của chính phủ về bảo vệ đa dạng sinh học, ngăn chặn các hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã và quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại. Các hành động này đã đem lại tác động tích cực trên một số phương diện, tuy nhiên nhận thức của cộng đồng về quản lý các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn thành phố còn thấp. Hệ thống tổ chức, nguồn lực thực hiện các chức năng quản lý các loài ngoại lai xâm hại đã được quy định cụ thể theo luật, tuy nhiên nguồn nhân lực và tài chính cho công tác phòng chống loài ngoại lai xâm hại còn hạn chế, đặc biệt ở cấp xã/phường, cấp huyện, hầu hết các đơn vị chức năng được phân công chưa có cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này. 

Cũng theo nghiên cứu, đặc điểm điều kiện tự nhiên của thành phố Hải Phòng cho phép các loài sinh vật sinh trưởng và phát triển, trong đó các loài sinh vật ngoại lai. Các hoạt động kinh tế - xã hội cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ xâm nhập của các loài sinh vật lại vào thành phố Hải Phòng. Dự báo các loài ngoại lai xâm hại toàn cầu có thể du nhập vào Hải Phòng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và toàn cầu hóa với 5 nhóm nguy cơ khác nhau. Cụ thể kết quả rà soát theo 5 mức nguy cơ xâm hại của 882 loài ngoại lai xâm hại toàn cầu theo IUCN (2021) đã xác định số loài với các mức nguy cơ xâm hại vào Hải Phòng cụ thể như sau: 63 loài mức 1, 164 loài mức 2, 460 loài mức 3, 10 loài mức 4 và 185 loài mức 5. Phân theo môi trường sống: 710 loài trên cạn chiếm tỷ lệ nhiều nhất 80,5%, tiếp đến là môi trường nước ngọt 65 loài và môi trường nước mặn 60 loài. Chia theo nhóm sinh vật thì thực vật là 468 loài chiếm 53,1%, động vật 376 loài chiếm 42,6%.

Tỷ lệ số loài ngoại lai xâm hại toàn cầu theo các mức nguy cơ xâm hại vào Hải Phòng.

Từ các nghiên cứu trên, Ban chủ nhiệm đề tài đề xuất danh mục, cơ sở dữ liệu các loài ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại trên địa bàn thành phố Hải Phòng gồm 2 nhóm, trong đó nhóm 1 gồm danh mục, cơ sở dữ liệu về 37 loài ngoại lai xâm hại, phân bố trên địa bàn thành phố Hải Phòng, các loài cần được phân loại theo mức độ xâm hại. Nhóm 2 gồm danh sách 44 loài còn lại thuộc TT35 chưa phát hiện tại Hải Phòng; Các loài ngoại lai xâm hại toàn cầu thuộc danh mục của IUCN (2021) được đánh giá có nguy cơ xâm hại vào Hải Phòng theo 5 mức; danh mục 6 loài sinh vật phù du, 13 loài rong biển, 22 loài động vật thân mềm, 15 loài động vật giáp xác thuộc danh mục loài ngoại lai xâm hại toàn cầu cần quan trắc theo nước dằn và vỏ tàu biển vận tải quốc tế vào Hải Phòng và các loài ngoại lai biển đã có dữ liệu về xâm hại trên giới, đã được ghi nhận từng xuất hiện tại tại Hải Phòng và vùng biển lân cận.

Các giải pháp phòng chống các loài sinh vật ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại trên địa bàn thành phố Hải Phòng được nhóm nghiên cứu đề xuất gồm giải pháp chung về phòng chống các loài ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại trên địa bàn thành phố Hải Phòng và 04 giải pháp cụ thể nâng cao nguồn lực thực hiện phòng chống các loài ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại trên địa bàn thành phố Hải Phòng (nâng cao nguồn lực thực hiện quản lý loài ngoại lai xâm hại; cập nhật dữ liệu trên diện rộng định kỳ theo các điểm khảo sát và theo nhóm đối tượng loài ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại trên địa bàn Hải Phòng; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý các loài ngoại lai xâm hại; ứng dụng cơ sở dữ liệu (GIS) để quản lý các loài sinh vật ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại trên địa bàn thành phố Hải Phòng). 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.